Năm 545, Lý Bôn cùng nghĩa quân chống giặc xâm lược
nhà Lương ở miền Hà Nội và đã dựng thành ở cửa sông Tô Lịch để chống cự
với quân địch. Thành của Lý Bôn lập tại đây chỉ là một thành lũy quân
sự, dựng lên tạm thời trong lúc chiến tranh, nhưng nó đã mở đường cho
miền Hà Nội trở thành một vị trí quan trọng bậc nhất về mọi mặt, trong
các thời đại về sau. Từ thế kỷ thứ VII trở đi, quan lại Trung Quốc bắt
đầu dời phủ trị đô hộ về miền Hà Nội. Năm 621, đại tổng quản Giao Châu
là Khâu Hòa dời phủ trị đô hộ sang miền Hà Nội và dựng ở đây một thành
gọi là Tử Thành. Tử Thành hiện nay chưa biết rõ địa điểm, nhưng cũng chỉ
là một thành lũy quân sự rất nhỏ, chu vi 900 bộ tức rộng như hồ Hoàn
Kiếm ngày nay. Với một quy mô nhỏ bé như thế, Tử Thành chưa thể là nơi
nhân dân tụ cư, chưa thể là trung tâm kinh tế, văn hóa, làm đầu mối cho
sự sinh hoạt của cả nước.
Năm 767, sau khi chống phá được quân Côn Luân đánh
vào Việt Nam lúc ấy, viên kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi bền
xây dựng, cũng tại địa điểm Hà Nội, 10 dinh, chia làm tả hữu mỗi bên 5
dinh và đắp một bức tường thành bao chung quanh. Tường thành cao 2
trượng 2 thước, tức khoảng 8 mét, có 3 cửa thông ra ngoài: cửa Đông và
cửa Tây, mỗi cửa có 3 ngăn, cửa Nam 5 ngăn, trên cửa đều có vòm canh.
Tường thành ấy gọi là La Thành. Thành của Trương Bá Nghi xây dựng cũng
vẫn chỉ là một thành lũy quân sự, chưa có nhân dân sinh hoạt ở trong
thành.
Định đô Thăng Long
Mùa
thu năm Canh Tuất, 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô từ thành
Hoa Lư lên Thăng Long và bắt đầu khởi công xây dựng hoàng thành. Chỉ
trong vòng mấy tháng cuối năm, công cuộc xây dựng hoàng thành đã xong.
Việc dời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long là một sự kiện
lịch sử quan trọng ở đầu thế kỷ XI. Nó báo hiệu sự thống nhất đất nước
và sự tập trung chính quyền về Trung ương đã thực hiện được ở Việt Nam.
Đó là điều chưa có trong các thời đại trước và rất cần thiết để đẩy mạnh
sự phát triển xã hội và bảo đảm lâu dài nền độc lập của Tổ quốc.
Trước thế kỷ XI, các triều đại xưa đã từng đóng đô ở
nhiều nơi. Hùng Vương (2897 - 258 trước Công nguyên) đóng đô ở Phong
Châu (Phú Thọ). An Dương Vương (257 - 207 trước Công nguyên) đóng đô ở
Cổ Loa...
Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, quan lại Trung Quốc
cũng đã xây dựng thành trì tại nhiều nơi để làm phủ trị đô hộ, rồi cuối
cùng là những thành ở bên bờ sông Tô Lịch có Đại La bao bọc. Nhưng tất
cả những phủ thành ấy cũng vẫn chỉ là những thành lũy quân sự, chưa phải
là thành thị, chưa có quy mô lớn rộng của một kinh thành, một thủ đô
chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước.
Trong thời Bắc thuộc cũng có nhiều cuộc khởi nghĩa
của nhân dân Việt Nam đã giành được quyền tự chủ và những lãnh tụ khởi
nghĩa đã thiết lập được kinh đô trong từng thời gian ngắn, như thành Mê
Linh thời Hai Bà Trưng, thành Long Biên, thành Ô Diên thời tiền Lý
v.v... Năm 968, nhà Đinh, khởi nghiệp ở Ninh Bình, khi dẹp xong nạn cát
cứ, đóng đô ở Hoa Lư. Nhà Tiền Lê (980 - 1009) thay nhà Đinh cũng đóng
đô ở Hoa Lư.
Năm 1010, Lý Công Uẩn, một viên quan đại thần thời
Tiền Lê lên ngôi vua, tức Lý Thái Tổ, mở đầu triều đại nhà Lý. Cũng như
Lê Hoàn khi trước, Lý Công Uẩn là người có thế lực lớn ở Hoa Lư, nhưng
khác Lê Hoàn là sau khi lên ngôi vua ở Hoa Lư, Lý Công Uẩn đã quyết định
rời bỏ Hoa Lư, thiên đô đi nơi khác, không phải là về vùng quê Bắc Ninh
của ông mà tới miền Hà Nội.
Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư lên Thăng Long thể hiện
tầm nhìn xa trông rộng của ông. Bài Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đã thể
hiện rõ điều này. Miền Hà Nội là trung tâm của đất nước Việt Nam đương
thời. Giao thông liên lạc giữa miền Hà Nội với các địa phương khác trong
nước, bằng đường thủy cũng như đường bộ, đều thuận tiện dễ dàng. Triều
đình Trung ương muốn chi phối các địa phương, muốn liên hệ chặt chẽ được
với tất cả các địa phương trong toàn quốc thì việc đóng đô ở Thăng Long
lúc ấy là thuận lợi và cần thiết hơn ở Hoa Lư. Muốn thống nhất đất
nước, muốn tập trung chính quyền thì việc chi phối các địa phương miền
đồng bằng chưa đủ mà phải chi phối được tất cả các vùng thiểu số rộng
lớn ở phía bắc Việt Nam lúc ấy. Đóng đô ở Thăng Long thì sự liên hệ với
các nước láng giềng ở phía Nam và phía Bắc cũng như sự ứng phó với hững
biến cố xảy ra ở hai miền biên giới Nam Bắc hoặc những biến cố từ phía
ngoài hai biên giới ấy đưa lại đều được thuận tiện. Như vậy, về nội trị
cũng như về ngoại giao, về chính trị cũng như về kinh tế, việc định đô
Thăng Long ở đầu thế kỷ XI là rất thuận lợi. Lý Thái Tổ chọn miền Hà
Nội, vì miền Hà Nội lúc ấy, ngoài những điều kiện thiên nhiên thuận lợi
sẵn có, còn có những điều kiện kinh tế - xã hội rất tốt để làm nền tảng
cho việc xây dựng kinh thành mới được bền vững lâu dài. “Muôn vật cực kỳ
giàu thịnh đông vui. Xem khắp nước Việt, đấy là chỗ đẹp nhất, thật là
nơi đô hội trọng yếu để bốn phương tụ họp".
Theo Lịch sử Thủ đô Hà Nội. NXB. Hà Nội - 2000