Nhận diện, đấu tranh với các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội

14/07/2023 - 05:40 PM
Sự phát triển của mạng xã hội đã mang lại những lợi ích to lớn trong việc tiếp cận thông tin của người dân, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức, là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước đối với thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội là vấn đề cấp thiết, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

NHẬN DIỆN THÔNG TIN CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World Stats, tính đến nay, Việt Nam là quốc gia có số lượng người sử dụng internet cao thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 8 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á1.

Việt Nam có 68,72 triệu người dùng internet, tương ứng với 70,3% dân số cả nước; 72 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chiếm 73,7% dân số; có tới hơn 154,4 triệu thiết bị kết nối mạng dữ liệu di động, chiếm 157,9% dân số (có nghĩa là mỗi người Việt Nam có thể sử dụng nhiều thiết bị kết nối mạng dữ liệu di động để thực hiện công việc, giải trí,...).

Trung bình, mỗi người Việt Nam dành 6 giờ 47 phút/ngày để truy cập internet (gần tương đương với mức bình quân của thế giới là 6 giờ 54 phút), trong đó khoảng 2 giờ 21 phút sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, gần tương đương với mức trung bình của thế giới (2 giờ 25 phút)2.

Ở Việt Nam, các mạng xã hội: Youtube, Facebook, Zalo, Viber,… rất phát triển, trở thành những kênh truyền thông quan trọng để chuyển tải thông tin trong xã hội.

Đến nay, nhiều cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã sử dụng mạng xã hội để tăng cường kết nối với người dân, doanh nghiệp; truyền tải các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân mọi lúc, mọi nơi.

Không chỉ để tiếp nhận phản hồi, góp ý của người dân và doanh nghiệp, nhiều cơ quan nhà nước đã sử dụng truyền thông xã hội như là một công cụ để cung cấp dịch vụ công...3.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, truyền thông xã hội cũng có những tác động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự xã hội. Tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; quảng cáo, thông tin sai sự thật về sản phẩm; thông tin thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục đã ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Đặc biệt, lợi dụng mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới trên internet, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã phát tán nhiều thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc tình hình đất nước, chống phá Đảng và Nhà nước. Những thông tin sai trái, thù địch này làm đe dọa sự ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, giảm lòng tin, tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Về thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

 

1) Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

2) Những nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

 3) Những nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

4) Những nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ khác có giá trị; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

5) Những nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Về hành vi gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng

1) Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2) Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng.

3) Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.

4) Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật.

5) Cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại.

6) Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội; phối hợp với lực lượng công an xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia…

Ngày 30/10/2019, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi lệnh điều phối yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gấp rút rà quét, bóc gỡ các tập tin mã độc của chiến dịch tiến công có chủ đích (APT) quy mô lớn nhằm vào các cơ quan Chính phủ, hạ tầng thông tin quan trọng của Việt Nam.

Ðã có hơn 400.000 địa chỉ IP bị lây nhiễm với hơn 16 biến thể của mã độc trong chiến dịch tiến công này. Còn theo báo cáo mới đây của Công ty CyStack (hoạt động trong lĩnh vực bảo mật mạng), năm 2019 đã có hơn 560.000 vụ tiến công vào các website trên toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước có nhiều website bị tiến công trên thế giới với hơn 9.300 website bị xâm phạm. Hàng loạt vụ việc như vậy cho thấy, việc bảo vệ an ninh mạng đã trở nên vô cùng cấp thiết và có tính toàn cầu.

ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THÔNG TIN CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

Từ thực tiễn tình hình thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách, pháp luật để phòng, chống thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối trật tự, bảo đảm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”...

Tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW “Về Chiến lược an ninh mạng quốc gia”.

Trên cơ sở đó, Nhà nước đã thể chế hóa thành pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Quốc phòng năm 2018… Tuy nhiên, việc triển khai các nghị quyết, văn bản pháp luật nêu trên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thời gian tới, đối với công tác đấu tranh phòng, chống thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được thực hiện thông qua các cách thức chủ yếu sau:

Một là, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

Hai là, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định: Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật; xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Ba là, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Bốn là, tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật4.

Đối với công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng được thực hiện thông qua các cách thức cơ bản sau:

Một là, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm sau đây: Kiểm tra an ninh mạng nhằm phát hiện, loại bỏ mã độc, phần cứng độc hại, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp hoặc nguy cơ khác đe dọa an ninh mạng; triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi gián điệp mạng, xâm phạm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin và kịp thời gỡ bỏ thông tin liên quan đến hành vi này; phối hợp, thực hiện yêu cầu của lực lượng chuyên trách an ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin.

Hai là, cơ quan soạn thảo, lưu trữ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước được soạn thảo, lưu giữ trên máy tính, thiết bị khác hoặc trao đổi trên không gian mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Ba là, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhằm phát hiện, loại bỏ mã độc, phần cứng độc hại, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động xâm nhập bất hợp pháp; kiểm tra an ninh mạng đối với thiết bị, sản phẩm, dịch vụ thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị điện tử trước khi đưa vào sử dụng trong hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhằm phát hiện, xử lý hoạt động thu thập trái phép thông tin thuộc bí mật Nhà nước; phát hiện, xử lý các hành vi đăng tải, lưu trữ, trao đổi trái phép thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật Nhà nước trên không gian mạng; tham gia nghiên cứu, sản xuất sản phẩm lưu trữ, truyền đưa thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật Nhà nước; sản phẩm mã hóa thông tin trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng của cơ quan nhà nước và bảo vệ an ninh mạng của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng, phòng, chống tấn công mạng, bảo vệ an ninh mạng đối với lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Bốn là, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện các nội dung đối với hệ thống thông tin quân sự: Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhằm phát hiện, loại bỏ mã độc, phần cứng độc hại, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động xâm nhập bất hợp pháp.

Kiểm tra an ninh mạng đối với thiết bị, sản phẩm, dịch vụ thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị điện tử trước khi đưa vào sử dụng trong hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhằm phát hiện, xử lý hoạt động thu thập trái phép thông tin thuộc bí mật Nhà nước.

Phát hiện, xử lý các hành vi đăng tải, lưu trữ, trao đổi trái phép thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật Nhà nước trên không gian mạng. Tham gia nghiên cứu, sản xuất sản phẩm lưu trữ, truyền đưa thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật Nhà nước. Sản phẩm mã hóa thông tin trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng của cơ quan nhà nước và bảo vệ an ninh mạng của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Năm là, Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong việc sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước được lưu trữ, trao đổi trên không gian mạng5.

Chú thích:

1.   https://www.internetworldstats.com/stats3.htm.

2.  “Digital 2021: Vietnam”, https://data-reportal.com/reports/digital-2021-vietnam.

3.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/824242/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc%2C-bao-dam-an-toan-thong-tin-trong-truyen-thong-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay.aspx.

4,5.  Quốc hội (2018), Luật An ninh mạng.

Cao Thị Dung - Tiến sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền


Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020