Sáng ngày 23/3/2022, Đoàn công tác của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố là Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm về triển khai thực hiện chương trình công tác Mặt trận năm 2022.
Tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Tiến Việt- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Hoàng Anh Tú- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện; đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy; các đồng chí trong Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam huyện.
Theo báo cáo của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm: Tính đến hết năm 2021, các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam Huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2019-2022 đều đạt và vượt kế hoạch so với Đại hội đề ra, một số chỉ tiêu vượt cao, như: tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 94,8% (chỉ tiêu trên 90%); tỷ lệ thôn, TDP văn hóa đạt 99,3%; Huyện không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo đến nay còn 317 hộ (0,4%).
Từ năm 2019 – 2021, vận động Quỹ “Vì người nghèo” đạt trên 9,6 tỷ đồng, bằng 145% kế hoạch (chỉ tiêu Đại hội đạt 120% - 130%); vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt trên 7,5 tỷ đồng; vận động Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam đạt trên 4,2 tỷ đồng.
Hằng năm, MTTQ các cấp huyện Gia Lâm hoàn thành 100% công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Toàn huyện đã xây dựng được 22 mô hình “Đoàn kết sáng tạo” hoạt động hiệu quả.
Năm 2021, Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động, kịp thời triển khai các chương trình công tác và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật: tích cực, chủ động tham gia thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Tỷ lệ bỏ phiếu đạt 99,65% và ngày bầu cử diễn ra đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân.
Đáng chú ý, các cuộc vận động có nhiều đổi mới, hướng về khu dân cư với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tiêu biểu như: xã hội hóa làm đường bê tông tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn; làm hàng rào bảo vệ hồ và tạo cảnh quan môi trường “Sáng - xanh - Sạch - Đẹp” tại thôn 1 xã Đình Xuyên; Mô hình tạo sân vui chơi công cộng tại thôn Hoàng Long xã Đặng Xá … với số tiền trên 1,6 tỷ đồng; Tổ chức tặng 6.935 suất quà; xây, sửa 20 nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 37 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ 9 phương tiện phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho 62 hộ cận nghèo với tổng số tiền trên 4,94 tỷ đồng, góp phần giảm hộ cận nghèo đến nay còn 317 hộ chiếm 0,4%.
Năm 2021, MTTQ các cấp đã tổ chức tiếp 411 lượt công dân, tiếp nhận 267 đơn đủ điều kiện xử lý; tham gia hòa giải thành 318/372 vụ, đạt 85,4%. MTTQ các cấp đã tổ chức 72 cuộc giám sát; Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở đã giám sát 203 cuộc, qua đó, phát hiện 35 vụ việc, 19 công trình có dấu hiệu vi phạm, đã kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết 35/35 vụ, kịp thời khắc phục 19/19 công trình, đạt 100%; tổ chức 46 hội nghị phản biện; Phối hợp tổ chức 23 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân.
Trong công tác phòng chống dịch, toàn huyện vận động được trên 23 tỷ đồng, đã tặng trên 20 nghìn suất quà. Phối hợp hỗ trợ 22.825 người theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ với tổng số tiền hơn 33,555 tỷ đồng; Hỗ trợ theo Nghị Quyết 15/NQ-HĐND cho 8.552 người với số tiền hơn 9,965 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Anh Tuấn phát biểu Kết luận tại Hội nghị
Phản ánh một số khó khăn trong hoạt động, đại diện MTTQ huyện cho biết: còn một số nơi việc bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận còn nặng về chính sách cán bộ, thường xuyên biến động, kiêm nhiệm nhiều việc. Do năng lực, trình độ của cán bộ nên mô hình Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT ở một số thôn, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ còn hạn chế; trình độ, năng lực và trách nhiệm của một số thành viên Ban TTND, GSĐTCCĐ chưa cao. Đồng thời, hoạt động phản biện xã hội còn thiếu các chuyên gia trên các lĩnh vực; chưa có hướng dẫn cụ thể về các chế tài xử lý cán bộ vi phạm do MTTQ các cấp phát hiện.
Phát biểu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đánh giá cao những kết quả MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm đã đạt được, đồng thời đề nghị Mặt trận huyện cần tiếp thu các ý kiến góp ý tại buổi làm việc để tiếp tục triển khai trong thời gian tới, đồng thời, rà soát các chỉ tiêu, nghị quyết Đại hội đã đề ra, cần có kế hoạch hoàn thành hững chỉ tiêu chưa đạt và thực hiện ở mức cao hơn đối với các chỉ tiêu đã đạt. Đồng thời, yêu cầu MTTQ Việt Nam huyện cần nắm chắc tình hình nhân dân; quan tâm việc thực hiện chăm lo an sinh xã hội, nhất là sau tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó, quan tâm đến các mô hình tốt ở cộng đồng dân cư để tổng kết, đánh giá, nhân rộng để lan tỏa.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát thực chất hơn, xuyên suốt hơn để khẳng định vai trò của MTTQ các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận cho phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó, phải chọn ra những mô hình, cách làm hiệu quả, có tính lan tỏa. Ngoài ra, thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng các loại quỹ công khai, minh bạch, đúng quy định, hiệu quả. MTTQ huyện cần khai thác tối đa các nguồn lực như đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sự phối hợp của các tổ chức thành viên, tiếp tục đào tạo, tập huấn, trang bị các kiến thức cho đội ngũ cán bộ mặt trận; khai thác thế mạnh về văn hóa, lợi thế của địa phương để triển khai các mô hình để lan tỏa, quảng bá./.
Vân Thư