Được chọn xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư tự quản
về bảo vệ môi trường" mới chỉ hơn bốn tháng, nhưng với sự nỗ lực của
các ban ngành, đoàn thể và nhân dân, giờ đây "bộ mặt" của thôn Yên Phú
(xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) và tổ dân phố số 10 (phường Việt Hưng,
quận Long Biên) đã hoàn toàn thay đổi. Đường làng ngõ xóm phong quang,
sạch đẹp, nhà nhà đều trang bị thùng chứa rác, thực hiện không vứt rác
bừa bãi, đổ rác, phế thải đúng giờ, đúng nơi quy định và không nuôi súc
vật thả rông....
Được chọn xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư tự quản
về bảo vệ môi trường" mới chỉ hơn bốn tháng, nhưng với sự nỗ lực của
các ban ngành, đoàn thể và nhân dân, giờ đây "bộ mặt" của thôn Yên Phú
(xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) và tổ dân phố số 10 (phường Việt Hưng,
quận Long Biên) đã hoàn toàn thay đổi. Đường làng ngõ xóm phong quang,
sạch đẹp, nhà nhà đều trang bị thùng chứa rác, thực hiện không vứt rác
bừa bãi, đổ rác, phế thải đúng giờ, đúng nơi quy định và không nuôi súc
vật thả rông....
Cùng
chung đặc thù là nằm ven Quốc lộ 1, có nhiều công ty, xí nghiệp sản
xuất hoạt động, trước đây khu dân cư Yên Phú (xã Liên Ninh) và tổ dân
phố số 10 (phường Việt Hưng) khá "nổi tiếng" bởi tình trạng ô nhiễm môi
trường. Tốc độ đô thị hoá nhanh đã "biến" hai khu dân cư thành công
trường xây dựng, ngổn ngang vật liệu, cát bụi và úng ngập cục bộ do
việc san lấp ao, hồ, cống rãnh thoát nước gây ra. Trước bối cảnh đó, ý
thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân rất hạn chế, vấn đề môi
trường trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính quyền và các ban ngành
đoàn thể ở địa phương. Kể từ đầu tháng 1/2008, khi MTTQ thành phố chính
thức có công văn đề nghị thực hiện xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư tự
quản về bảo vệ môi trường" ở hai khu dân cư này thì môi trường khu vực
đã bắt đầu thay đổi.
Trên cơ sở hướng dẫn của MTTQ thành phố, Mặt trận Tổ quốc xã Liên Ninh
đã tiến hành khảo sát, tổng hợp được hơn 300 ý kiến của các tầng lớp
nhân dân tham gia cho việc bảo vệ môi trường (BVMT). Đồng thời, thành
lập tổ tự quản ở 9 ngõ xóm và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân
tham gia ký cam kết, thực hiện các biện pháp BVMT. Bên cạnh đó, cho
phát trên hệ thống loa truyền thanh các thôn từ 10 đến 15 phút hàng
ngày các nội dung ngắn gọn, xúc tích với chủ đề BVMT. Cuối tuần, vào
các chiều thứ sáu và sáng thứ 7, từng tổ tự quản cùng nhân dân tổng vệ
sinh và duy trì liên tục việc này thành nền nếp, tạo thành thói quen,
nâng cao nhận thức nhân dân đối với việc BVMT.
Ông Hoàng Văn Khuyên - Chủ tịch MTTQ xã Liên Ninh cho biết, khi mới
triển khai mô hình này ở Yên Phú, Ban chỉ đạo đã gặp không ít khó khăn,
bởi thôn Yên Phú gồm có 9 xóm, bao gồm 356 hộ, hơn 1200 nhân khẩu, chủ
yếu sống bằng nghề làm ruộng, sản xuất rau màu, tỷ lệ hộ nghèo còn ở
mức cao (3,1%). Thêm vào đó, tình trạng đô thị hoá nhanh, lượng người
đến cư trú ngày một đông khiến cho công tác BVMT có lúc rơi vào tình
trạng "bắt cóc bỏ đĩa". Song, nhờ có sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm,
đồng thuận của Mặt trận, các ban ngành đoàn thể như Hội cựu chiến binh,
phụ nữ, đoàn thanh niên, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của Hội người
cao tuổi và chính quyền địa phương, việc vận động, nâng cao nhận thức
nhân dân về bảo vệ môi trường trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và mang lại
những hiệu quả thiết thực. Hiện nay, ý thức của người dân Yên Phú về
giữ gìn vệ sinh, BVMT đã được nâng lên rõ rệt, mọi người dân không vứt,
xả rác bừa bãi; số hộ trang bị thùng đựng rác có nắp tăng từ 40% lên
60%; hiện tượng đổ rác, phế thải ra đường, hồ, ao giảm nhiều. Đặc biệt,
tất cả các hộ trong thôn đều đã đầu tư xây dựng bể chứa nước sạch, nhà
tắm, nhà vệ sinh bảo đảm yêu cầu vì môi trường trong sạch.
Với cách làm tương tự, cán bộ và nhân dân tổ dân phố số 10 (phường Việt
Hưng) giờ đây cũng đã rất tự hào vì là địa phương có môi trường sạch,
đẹp. Hiện nay, toàn bộ tổ 10 không còn hộ nuôi chó thả rông. Đặc biệt,
154 hộ trên địa bàn đều nâng cao nhận thức, ý thức tự giác về BVMT. Đặc
biệt, bà con đã phát huy tinh thần đoàn kết, bảo ban, hỗ trợ những gia
đình nghèo mua thùng đựng rác hợp vệ sinh và thực hiện đổ rác, phế thải
đúng giờ, đúng nơi quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt
được, việc BVMT ở cả thôn Yên Phú và tổ dân phố số 10 đều còn những khó
khăn, bất cập đó là tình trạng san lấp ao hồ làm nhà ở, hệ thống thoát
nước, đường làng ngõ xóm xuống cấp gây úng ngập cục bộ, nhiều hộ xây
nhà cho thuê, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường. Vì thế, cùng
với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ và nhân dân ở các khu dân cư, tổ dân
phố, rất cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành để giải
quyết những bất cập nêu trên. Đây được coi là "gốc" của vấn đề để làm
cho môi trường thực sự được sạch đẹp. Được như vậy, tin rằng mô hình
"Khu dân cư tự quản BVMT" khi được nhân rộng sẽ phát huy tác dụng, góp
phần làm cho môi trường thành phố xanh- sạch - đẹp một cách bền vững.
Kiều Oanh