Cả 2 làng của xã Phúc Hoà (huyện Phúc Thọ) là Thanh
Phần và Thư Trai tiếp tục giữ vững danh hiệu Làng văn hóa (LVH) cấp
tỉnh lần 2; là xã “trắng” tệ nạn ma tuý, mại dâm; bộ mặt nông thôn khởi
sắc- đây là kết quả nổi bật sau nhiều năm Phúc Hoà kiên trì thực hiện
CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (TDĐK
XDĐSVH ƠKDC). Theo Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Hoà Khuất Duy Quỹ, chất lượng
của CVĐ thực sự phụ thuộc vào ý thức của người dân.
Mưa dầm thấm lâu…
Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Khuất Duy Quỹ đã dẫn thẳng
chúng tôi tới thôn Thư Trai - nơi 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông
hoá mà kinh phí hầu hết do nhân dân tự giác đóng góp. Có được kết quả
như hôm nay là do ý thức của người dân đấy và tất nhiên không thể phủ
nhận vai trò, công lao to lớn của hệ thống Mặt trận từ xã tới cụm dân
cư trong việc kiên trì tuyên truềyn, vận động nhân dân thực hiện CVĐ
“TDĐK XDĐSVH - ƠKDC” - anh Quỹ nói. Quả thực bộ mặt nông thôn nơi đây
có nhiều khởi sắc, những con đường đất “mưa bẩn, nắng bụi” xưa, nay đã
được thay bằng những con đường bê tông rộng thênh thang, sạch đẹp.
Xác định rõ tầm quan trọng của CVĐ “TDĐK XDĐSVH ƠKDC” với vai trò chủ
trì, UB MTTQ xã Phúc Hòa chỉ đạo cả 7 cụm dân cư ở 2 làng thực hiện tốt
phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động
nhân dân thường xuyên được đẩy mạnh- đây là biện pháp hữu hiệu nhằm
thực hiện tốt 6 nội dung của CVĐ và các phong trào thi đua xây dựng
LVH, gia đình văn hoá (GĐVH). Theo đó, CVĐ đã được đẩy mạnh trên khắp
các lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; hoạt động đền ơn
đáp nghĩa, nhân đạo từ nhiện; xây dựng nếp sống văn hóa mới trong việc
cưới, việc tang, lễ hội; chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế; phong trào
toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và TNXH; bảo đảm
trật tự ATGT.
Ông Kiều Duy Luân, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận (CTMT)
cụm 2, thôn Thanh Phần cho biết: Mặc dù, trong tiềm thức của mỗi người
dân ai cũng hiểu được các nội dung của CVĐ “TDĐK XDĐSVH ƠKDC” nhưng
hàng năm, Ban CTMT cụm vẫn duy trì tốt việc phối hợp với chính quyền tổ
chức triển khai 6 nội dung của CVĐ tới đại diện các hộ gia đình tang
cụm; đồng thời phát các loại tài liệu liên quan đến CVĐ tới từng hộ dân
để họ thực hiện. Khi đã nhận thức rõ ý nghĩa của CVĐ, hằng năm, không
ai bảo ai, 100% số hộ trong cụm đã tự nguyện đăng ký thực hiện 6 nội
dung của CVĐ và danh hiệu gia đình văn hóa. Bình quân mỗi năm có tới
gần 95% số hộ đạt danh hiệu GĐVH. Một trong số những gia đình nhiều năm
được công nhận GĐVH tiêu biểu ở cụm 2 đó là gia đình ông Kiều Xuân
Thành, gia đình bà Kiều Thị Liên, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng…
Không chỉ có cụm 2 mà cả 7 cụm dân cư trong xã đều làm được điều đó và
ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, điều mà các ông,
bà Trưởng Ban CTMT cụm dân cư trăn trở nhất hiện nay đó là làm thế nào
để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về phòng chống TNXH, bảo vệ
môi trường trước “cơn lốc” đô thị hoá như hiện nay?
Và hệ quả tất yếu.
Do làm tốt công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa
của CVĐ, toàn xã đã dấy lên phong trào thi đua xây dựng LVH, GĐVH. Việc
thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng
thọ; bảo đảm ATGT… được thực hiện hiệu quả. Hằng năm, gần 100% hộ dân
trong xã ký cam kết không mắc TNXH, buôn bán ma túy, ký cam kết đảm bảo
trật tự ATGT. Mặc dù giáp ranh với nhiều địa bàn nhức nhối về TNXH,
nhất là ma tuý, song đến nay, Phúc Hòa vẫn được coi là xã "trắng" tệ
nạn ma túy và mại dâm. CVĐ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn
đáp nghĩa” và các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác được nhân dân tích
cực hưởng ứng. Và đã có nhiều hộ nghèo được hỗ trợ tiền sửa nhà xuống
cấp; gần 100 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền khám chữa bệnh, tai nạn,
rủi ro…
Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, đồng thời từng bước nâng
cao chất lượng giáo dục, UB MTTQ xã Phúc Hòa đã tích cực vận động nhân
dân xây dựng và duy trì hoạt động của quỹ khuyến học. Đến nay, quỹ
khuyến học ở 2 làng văn hóa vẫn được duy trì và tăng trưởng hằng năm
với số dư hiện nay hơn 10 triệu đồng. Hằng năm, các làng đều tổ chức lễ
biểu dương và trao thưởng cho các cháu là học sinh giỏi các cấp, học
sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Từ sự thường xuyên quan tâm
đến sự nghiệp giáo dục, chất lượng giáo dục của xã được nâng lên rõ
rệt. Năm 2004, toàn xã có 189 em đạt học sinh giỏi; năm 2008 có trên
220 em đạt học sinh giỏi. Bình quân mỗi năm có 20 đến 25 cháu đỗ vào
các trường đại học.
Không chỉ quan tâm xây dựng đời sống văn hoá, phát huy bản chất cần cù,
chịu khó, nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi, đưa các loại cây, con giống cho năng suất, chất lượng, giá trị
kinh tế cao vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. Ngoài 2 vụ lúa
chính trong năm, bà con tích cực trồng cây vụ Đông. Vì vậy, 5 năm trở
lại đây Phúc Hòa được đánh giá là xã có phong trào trồng cây vụ Đông
mạnh nhất, nhì huyện Phúc Thọ với 95% diện tích đất nông nghiệp được
phủ kín cây vụ Đông. Nhiều hộ dân trong xã đã thực hiện chuyển đổi từ
đất cấy lúa cho hiệu quả kinh tế thấp sang mô hình trang trại V.A.C cho
hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, giá trị thu nhập bình quân 1 ha đất nông
nghiệp của xã đạt 43 triệu đồng/năm; bình quân thu nhập đầu người đạt
gần 6 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ thực hiện CVĐ đã góp phần giảm tỷ lệ
hộ nghèo bình quân toàn xã từ 1,5- 2%/năm. Kết quả bình xét, số hộ đạt
danh hiệu Gia đình văn hóa tăng hàng năm, từ 87% (năm 2003) lên gần 90%
(năm 2008).
Thu Hằng