Chung tay vì trái tim Tổ quốc

23/01/2020 - 08:54 PM

Xuân mới đang về trên những nẻo đường Tổ quốc Việt Nam thân thương. Bồi hồi, xao xuyến nghĩ suy về những dặm dài lịch sử, trong lòng mỗi người lại trào dâng tình yêu, niềm tự hào vô bờ bến về Thăng Long - Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa dân tộc. Hà Nội vẫn bộn bề những lo toan của một đô thị đang vươn mình mạnh mẽ, nhưng cũng tràn đầy sức sống của niềm tin yêu và hy vọng. Tất cả vì tình yêu Hà Nội, mỗi người sẽ cùng nắm tay, đồng lòng nâng bước Thủ đô không ngừng tiến về phía trước.

 

 

1. Mốc son đánh dấu sự khởi đầu của Thăng Long là mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”. Bằng tầm nhìn chiến lược, vị vua anh minh đã nhận ra được tinh hoa của vùng đất quý, được mô tả trong những dòng chữ “khuôn vàng, thước ngọc”: “Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.

Nhà Lý, nhà Trần nối tiếp, Kinh đô Thăng Long trải qua giai đoạn phát triển phồn thịnh bậc nhất trong lịch sử, để lại những di sản lấp lánh ánh hào quang như: Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Báo Thiên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,... Trong giai đoạn tranh giành quyền lực giữa nhà Lê, nhà Mạc và chúa Trịnh, Thăng Long vẫn được duy trì vị trí kinh đô; cư dân ngày càng đông đúc; hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú... 

Mỗi giai đoạn lịch sử qua đi, Thăng Long - Hà Nội lại được bồi tụ dày thêm những trầm tích văn hóa, lịch sử quý báu, là niềm tự hào của cả dân tộc. Gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội ngày nay như những nhân chứng của thời gian, chất chứa biết bao câu chuyện về đất và người nơi đây, có sức hấp dẫn to lớn không chỉ du khách thập phương mà ngay chính hàng triệu người con đang sinh sống và làm việc ở mảnh đất này.

Tiếp nối những mạch nguồn lịch sử, Hà Nội của thời đại Hồ Chí Minh đã không chỉ chứng minh mà còn làm bừng sáng giá trị trường tồn của những phẩm chất đặc trưng: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị. Ngày 2-9-1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hà Nội trở lại vị thế Thủ đô của nước Việt Nam mới. Từ dấu son lịch sử ấy, Hà Nội tiếp tục là ngọn cờ đầu trong các phong trào đấu tranh cách mạng. Bằng tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Thủ đô đã cùng cả nước lần lượt giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hà Nội trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” được bạn bè năm châu mến phục. 

50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, hơn 40 năm đất nước thống nhất, hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Hà Nội luôn xứng tầm là trái tim của cả nước, gian khổ càng tôi luyện ý chí quyết tâm, thử thách càng phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Trong hành trình ấy, ngày 1-8-2008, thực hiện quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước, với địa giới hành chính được mở rộng gấp hơn 3 lần, Thủ đô được kiến tạo một tầm vóc mới. Hơn 11 năm qua, Hà Nội đã chứng minh chủ trương đúng đắn này bằng những kết quả phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả này càng được củng cố và thể hiện rõ nhất từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay. Theo đó, kinh tế Thủ đô vượt qua suy thoái, tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước và cao hơn mức bình quân của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,33% (theo cách tính mới).

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp thành phố chọn chủ đề công tác là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Với tinh thần quyết liệt, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thành phố đạt và vượt 21/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP tăng 7,62%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,739 tỷ USD, tăng 25,8% (cùng kỳ năm 2018 tăng 20,3%). Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 264,7 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán được giao. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, vượt sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội ước tăng 13,5%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 8,5 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, cao nhất trong 30 năm mở cửa và hội nhập. Hết năm 2019, toàn thành phố đã có 6 huyện và 356/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 259 triệu đồng/ha/năm. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm còn 0,42%. Một số quận, phường đã không còn hộ nghèo.

Đối với 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố đã hoàn thành sớm 2 năm 3 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra (tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo), 9 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện và có khả năng hoàn thành trong năm 2020. 

Đảng bộ thành phố Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, hiện có 50 đảng bộ trực thuộc với số đảng viên chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên của cả nước. Ý thức sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cấp ủy Đảng các cấp thành phố đã không ngừng nỗ lực, đổi mới nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt; ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyển biến tích cực. Hà Nội cũng luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; chủ động thực hiện tốt tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo chuyển biến mới bằng công tác đánh giá cán bộ hằng tháng; lần đầu tiên chấm điểm, phân loại tổ chức Đảng cấp trên cơ sở... và nhiều giải pháp đổi mới trên từng lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 

Với tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, thành phố chủ động đề nghị và được Trung ương, Quốc hội cho phép thực hiện Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Hà Nội hôm nay không chỉ là một đô thị với bề dày lịch sử đáng tự hào, mà còn là thành phố căng tràn sức sống và tiềm năng sáng tạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm hỏi, động viên công nhân Công ty TNHH Đầu tư thủy lợi sông Đáy. Ảnh: Viết Thành

2. Để có tương lai tươi sáng sẽ phải bắt nguồn từ những cố gắng ngày hôm nay của mỗi người, bằng tình yêu dành cho Hà Nội. Trước tiên là với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” để phân tích, làm rõ khó khăn, hạn chế, yếu kém, đoàn kết cùng nhau khắc phục.

Có thể thấy, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra; trong đó có việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội còn chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa; tiến độ phát triển các khu, cụm công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra. Việc triển khai các quy hoạch xây dựng trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế. Vi phạm trật tự xây dựng, đô thị diễn biến phức tạp. Tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng khung của thành phố (cấp nước sạch, xử lý rác thải…) và các công trình trọng điểm còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp và chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường có dấu hiệu gia tăng, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn khiến chúng ta trăn trở...

Đứng trước những vấn đề trên, chúng ta mới thấy giá trị của điểm tựa lịch sử, văn hóa ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa to lớn. Trách nhiệm và sứ mệnh của thế hệ hôm nay là phải phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức. Mỗi người, bằng tình yêu dành cho Hà Nội, chung tay xây dựng Thủ đô, trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bảo đảm về một tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau.

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện và phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, tổ chức Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; thực hiện chủ đề công tác năm 2020 là năm “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp”; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, hướng về cơ sở; tiếp tục thực hiện tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trước hết là xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, tập trung thực hiện từng nhiệm vụ, chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Rất nhiều việc cần làm, nhưng tập trung lại là một số nhiệm vụ chủ yếu cần làm thật tốt ngay từ bây giờ.

Trước hết là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5% trở lên và hoàn thành tất cả các chỉ tiêu về kinh tế trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Thành phố cần đẩy mạnh hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu còn lại, đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng triển khai lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030 theo Luật Quy hoạch. Tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, trật tự xây dựng, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm đã phát hiện. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình trọng điểm...

Các cấp, các ngành phải thực hiện tốt đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”, trong đó đặc biệt chú ý kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch, bảo đảm an ninh nguồn nước. Rà soát các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, nguy cơ cháy nổ cao, ô nhiễm môi trường… để sẵn sàng phương án khắc phục khi có sự cố. Thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm thu gom, kiểm soát nguồn xả thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi. Tăng cường trách nhiệm giải trình, kịp thời công bố thông tin và các giải pháp chính thức của thành phố khi xảy ra các vụ việc đột xuất phát sinh được dư luận xã hội quan tâm.

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hai quy tắc ứng xử; trong đó rà soát, giải quyết tốt những mâu thuẫn trong cộng đồng. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ và hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của người dân, phục vụ mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Bảo đảm tốt các chính sách an sinh xã hội, đào tạo lao động, tạo việc làm.

Đặc biệt là cần phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công đại hội dảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của đảng; thực hiện hiệu quả “Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”; làm việc cụ thể với các cơ quan trung ương để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2020.

Cùng với đó, thành phố sẽ chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh và các hoạt động đối ngoại. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô, nhất là đại hội đảng bộ các cấp, sự kiện kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 90  năm thành lập Đảng bộ thành phố; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, triển khai các nhiệm vụ, công việc tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO...

*
*     *

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng động viên và gửi gắm niềm tin rằng: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc chắn rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu... để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước”. Đó là động lực, là nguồn cổ vũ to lớn để mỗi người Hà Nội, cùng với sự góp sức, sẻ chia của nhân dân cả nước, sẽ ra sức chung tay gánh vác sứ mệnh xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.

Xuân đang về trên từng góc phố, làng quê. Yêu Hà Nội bao nhiêu, lại càng trăn trở về những việc cần làm, phải làm và mong muốn làm cho Hà Nội đang đặt ra phía trước bấy nhiêu. Với tình yêu Hà Nội, mỗi chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức, bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất là giữ gìn nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh của người Tràng An, luyện rèn nếp sống văn minh, để xứng đáng là người Thủ đô, đất kinh kỳ, “nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.

HOÀNG TRUNG HẢI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020