Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngoài ý nghĩa phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững còn góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Thời gian qua, cán bộ Công đoàn Thủ đô đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động Cuộc vận động này; mỗi đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô ngày càng quan tâm ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam góp phần đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp và cả chính người tiêu dùng.
Đa dạng các hình thức hưởng ứng cuộc vận động
Trong đợt Tết nguyên đán Quý Mão vừa qua, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” với sự tham gia của 48 doanh nghiệp với 72 gian hàng cung cấp các mặt hàng Việt Nam chất lượng phục vụ đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô.Các gian hàng cung cấp những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết như: hàng dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm khô, một số đặc sản của Hà Nội và các vùng, miền… Mức giảm giá bán của mỗi sản phẩm ít nhất là 10% đến 50%, đặc biệt, có 4 gian hàng 0 đồng của LĐLĐ Thành phố.
Cũng tại Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023”, 5.500 đoàn viên, người lao động đến từ các đơn vị, doanh nghiệp, được nhận Phiếu mua hàng giảm giá và Phiếu mua hàng 0 đồng của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ Thành phố, mỗi phiếu trị giá 300.000 - 500.000đ, qua đó, đảm bảo cho người lao động được đón Tết vui tươi, đầm ấm và hạnh phúc.
Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” với 72 gian hàng
Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng tổ chức đồng loạt các Chương trình “Chợ tết Công đoàn năm 2023”, “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Hội chợ hàng Việt”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”, triển lãm hàng Việt giới thiệu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn…
Trong năm 2022 vừa qua, Công đoàn Thủ đô tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “phúc lợi đoàn viên”; tìm kiếm đối tác mới để triển khai 152 chương trình ký kết với nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực, vận động và phối hợp cùng các đối tác cung cấp các sản phẩm hàng hóa chất lượng, tạo điều kiện để trên 140.000 đoàn viên, người lao động được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ với mức giá ưu đãi.
Tổ chức 155 chương trình “Cảm ơn người lao động” với sự tham dự của trên 6.000 CNVCLĐ, tặng quà bằng các sản phẩm hàng Việt cho CNLĐ.
Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, công nhân lao động tại các doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sáng kiến Thủ đô”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Người tốt - Việc tốt”... thu hút được đông đảo CNVCLĐ ở các ngành nghề, mọi thành phần kinh tế tham gia, tạo thành các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín của sản phẩm Việt Nam trên thị trường.
Bên cạnh đó, Công đoàn Thủ đô thường xuyên tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề, tập huấn, giao ban, sinh hoạt chuyên đề về Cuộc vận động; tổ chức hàng trăm buổi truyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh về Cuộc vận động, tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng và Luật bảo vệ người tiêu dùng.
Đưa nội dung cuộc vận động vào các Hội nghị giao ban dư luận xã hội hàng tháng, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình hình thực tế đoàn viên, CNVCLĐ các cấp Công đoàn Thủ đô hưởng ứng cuộc vận động, qua đó những chỉ đạo, định hướng kịp thời.
Chủ động vượt qua thách thức, tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động
Phát huy kết quả đạt được trong năm qua, để tiếp tục, tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có hiệu quả hơn trong năm 2023, ngày 06/02 Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 74/KH-LĐLĐ đẩy mạnh Cuộc vận động trong các cấp Công đoàn Thủ đô.
Theo đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Huy Khánh yêu cầu Công đoàn các cấp tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô trong việc thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Một gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm địa phương tại Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” do LĐLĐ huyện Thạch Thất tổ chức.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền các nội dung của Cuộc vận động, trong đó chú ý tuyên truyền giới thiệu các mô hình, điển hình tốt; tuyên truyền, tôn vinh, cổ vũ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động; tuyên truyền giới thiệu sản phẩm được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022 và những năm trước đây.
Khuyến khích, vận động đoàn viên, CNVCLĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn ưu tiên sử dụng nguyên, vật liệu và dịch vụ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phù hợp với cam kết quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Chủ động, sáng tạo, đổi mới các phương thức, hình thức tuyên truyền Cuộc vận động phù hợp với tình hình thực tiễn trong các cuộc sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép các chương trình văn hóa văn nghệ, Bản tin nội bộ, tuyên truyền trên báo chí, tuyên truyền trực quan.
Tiếp tục gắn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước của tổ chức Công đoàn nhằm vận động đoàn viên, CNVCLĐ thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động để tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Hội chợ hàng Việt”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”, “Chợ Tết Công đoàn”, các chuyến xe hàng Việt… với hàng hóa là thương hiệu Việt, các sản phẩm OCOP tới các khu đông CNLĐ sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các Khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà trọ, nhà ở công nhân, các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, khu vực xa trung tâm Thành phố… góp phần nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam của đoàn viên Công đoàn.
Ngọc Ánh