Chiều 23/11/2020, UBND huyện Gia Lâm tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2020); Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”; 02 năm thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, giai đoạn 2019-2020.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Lê Anh Quân- Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện dự và chỉ đạo Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Sau khi triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”, tính đến hết tháng 11/2020, UBND huyện đã thực hiện kiểm kê các hiện vật tại 187 di tích trên địa bàn, đạt 58,7% tổng số di tích của huyện, đạt 187% chỉ tiêu Đề án; đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 197/218 vị trí đất tín ngưỡng, đạt 90%, đạt 562% so với chỉ tiêu của Đề án. Huyện đang tiến hành rà soát, hoàn thiện hồ sơ các di tích còn lại.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, huyện Gia Lâm đã tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý di tích; lập bảng giới thiệu di tích, thần tích các vị thần được thờ tại di tích. Đến nay, 173 di tích xếp hạng các cấp đã có bảng giới thiệu tuyên truyền, đạt 100%, bằng 346% Đề án. Đồng thời, tổ chức rập, dịch văn bia và tư liệu Hán Nôm tại các di tích phục vụ công tác quản lý, bảo tồn các di sản. Đến nay, huyện đã thực hiện rập, dịch văn bia và tư liệu Hán Nôm tại 50 di tích tiêu biểu xếp hạng Di tích Quốc gia tại các xã, đạt 100% chỉ tiêu Đề án.
Các chuyên gia Hán Nôm kiểm đếm, thẩm định sắc phong tại Đình Trung Quan, xã Văn Đức
Đáng chú ý, UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với 02 nhóm gồm 3 hiện vật tại Đền-Chùa Bà Tấm, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nâng tổng số Bảo vật quốc gia trên địa bàn huyện lên 04 hiện vật; Nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích được huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện vượt chỉ tiêu Đề án. Từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn hơn 1.095 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách là hơn 716 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 379 tỷ đồng. Gia Lâm hiện có 100 lễ hội truyền thống, được tổ chức ở các thôn, làng truyền thống. Hằng năm, 100% các lễ hội được tổ chức trang trọng, lành mạnh, đảm bảo các quy định văn minh. Trong đó, Lễ hội Đình Chử Xá, xã Văn Đức được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hồng- Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cơ quan đơn vị từ huyện tới các xã, thị trấn tiếp tục coi nhiệm vụ “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa – xã hội trên địa bàn; đặc biệt cần tập trung tuyên truyền, vận động sự chung tay của nhân dân tại các địa phương trong việc quản lý, bảo tồn phát huy giá trị của các di tích, thực hiện tốt Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”. Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch làng nghề trên địa bàn huyện.
Tại lễ kỷ niệm, UBND huyện Gia Lâm đã biểu dương, khen thưởng 28 tập thể, 26 cá nhân đã có thành tích trong 05 năm thực hiện Đề án./.
Các tập thể, cá nhân tiêu biểu được khen thưởng tại buổi Lễ
Hoàng Anh