Đoàn công tác số 4 do Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn cùng Đoàn công tác thành phố Hà Nội và 11 đoàn công tác các địa phương, đơn vị trong cả nước.
Đoàn Hà Nội do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn làm trưởng đoàn, bên cạnh đó còn có Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô và đại diện các quận, huyện, sở ngành của thành phố.
Sau gần hai ngày lênh đênh trên biển, vượt hơn 300 hải lý, 7h sáng, ngày 21/4, Đoàn công tác số 4 đã đến thăm quân và dân xã đảo Song Tử Tây - điểm dừng chân đầu tiên trong hải trình thăm 9 điểm đảo và nhà giàn DK1.
Tại đây, sau khi dự Lễ chào cờ, thắp hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trồng cây lưu niệm; Thủ trưởng Quân chủng Hải quân, các đoàn Hà Nội, đoàn Hải Phòng, đoàn Quảng Ninh, đoàn Yên Bái, đoàn Ninh Bình, Công ty xổ số điện toán, Tổng Công ty phát triển nhà Bộ Quốc phòng, Tổng công ty CP Viễn thông quân đội Vietel, Nhà máy Z157, Cục B45… đã lần lượt tặng quà quân và dân xã đảo anh hùng.
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội xúc động chia sẻ: “Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, được lớp lớp thế hệ ông cha ta từ hàng ngàn năm bảo vệ, khai thác và xác lập chủ quyền, thực thi chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo và quần đảo, trong đó, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tình yêu và sự trân trọng của Hà Nội với Trường Sa luôn được thể hiện có một Trường Sa trong lòng Hà Nội. Tận mắt chứng kiến những gian nan vất vả của quân và dân xã đảo Song Tử Tây, đoàn chúng tôi mang đến đến đây những tình cảm sâu sắc của mỗi người dân Thủ đô và mang về niềm tin vững chắc rằng chủ quyền biển đảo thiêng liêng sẽ được gìn giữ trọn vẹn…”.
Tại xã đảo Song Tử Tây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cũng đã thăm hỏi, tặng quà và động viên các chiến sĩ quê Thạch Thất, Hoàng Mai, Sơn Tây, Ứng Hòa, Chương Mỹ - Hà Nội. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố gửi gắm niềm tin yêu của mỗi người dân Thủ đô và tin tưởng các chiến sĩ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang nơi đầu sóng ngọn gió.
Sáng 22/4, trên chuyến hành trình của đoàn công tác số 4, tại vùng biển cụm đảo Sinh Tồn, đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nơi đây, 34 năm về trước, ngày 14/3/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu của các cán bộ chiến sĩ của Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu. Cũng trong sáng 22/4, Đoàn công tác số 4 đã tổ chức lễ khánh thành công trình Bệnh xá Sinh Tồn.
Sáng 23/4, Đoàn công tác số 4 đã đến thăm, động viên cán bộ chiến sĩ trên đảo Núi Le B. Tại chuyến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Núi Le B, Đoàn công tác thành phố Hà Nội cùng Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ khánh thành công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo. Đây là công trình do Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thủ đô Hà Nội hỗ trợ xây dựng.
Công trình được hoàn thành đã góp phần thay đổi diện mạo của đảo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ chiến sỹ, nâng cao quyết tâm xây dựng đảo Núi Le B vững chắc, kiên cố, đồng thời, là nơi tiếp tế, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển…
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội khẳng định, việc hoàn thành và bàn giao nhà văn hóa đa năng trên đảo Núi Le B có ý nghĩa to lớn, thể hiện tấm lòng, tình cảm thân thiết, bền chặt, trước sau như một của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thủ đô Hà Nội
Thành phố luôn hướng về cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân huyện đảo Trường Sa nói chung và đảo Núi Le B nói riêng, mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé đồng lòng, tiếp sức cũng cán bộ chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa thân yêu.
Nhân dịp này, thành phố Hà Nội đã phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông C. Công trình có trị giá khoảng 40 tỷ đồng, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, công tác của cán bộ chiến sỹ trên đảo và là điểm đến an toàn cho ngư dân.
Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: "Trong những năm qua, tình yêu và sự trân trọng của Hà Nội với Trường Sa luôn được thể hiện có một Trường Sa trong lòng Hà Nội. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô luôn quan tâm đến cán bộ, quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà dàn DK1. Ngoài việc động viên tinh thần, cán bộ, Nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô đã đóng góp, hỗ trợ cho quân và dân huyện đảo một số dự án, công trình có ý nghĩa chính trị sâu sắc, trị giá trên 450 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, đồn trú, huấn luyện của bộ đội, đồng thời, tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc và là chỗ dựa để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông".
Đặc biệt, trước chuyến công tác Trường Sa, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Thư gửi nơi đảo xa” đến cô và trò các trường tiểu học tại Hà Nội. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân cho biết: “Rất nhiều bức thư, bưu thiếp, tranh vẽ, bài thơ… đầy ắp tình cảm thương mến, tin yêu, tự hào của các bạn nhỏ Thủ đô được gửi đến cán bộ, chiến sỹ và thầy trò nơi đảo xa. Chúng tôi đã chọn được hơn 200 tác phẩm đẹp, ý nghĩa trao tặng đến các đảo, điểm đảo, và nơi nào cũng đón nhận với tình cảm vô cùng xúc động”.
Ghi nhận và trân trọng những tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội dành cho Trường Sa, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng cho biết, Hà Nội đã đóng góp, hỗ trợ nhiều dự án, công trình ý nghĩa. Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 9 công trình cùng nhiều trang thiết bị trị giá khoảng 450 tỷ đồng. Những hỗ trợ này không chỉ mang giá trị vật chất to lớn mà còn là những hành động thiết thực thể hiện tình cảm, niềm tin của Hà Nội với Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.