Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư:
Khẩu hiệu tuyên truyền là cần, song cơ bản phải từ hành động
Trong những năm qua, cuộc vận động "Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" (gọi tắt là cuộc vận động)
đã được triển khai sâu rộng đến các thôn làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu
dân cư…với những nội dung thiết thực. Mục đích của cuộc vận động nhằm
xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú, góp phần ổn định
chính trị, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, xây
dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Hằng năm, các chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo cấp trên được cấp
uỷ đảng, chính quyền, MTTQ cơ sở cụ thể hoá phù hợp với tình hình thực
tiễn, tổ chức các hội nghị nhân dân ở địa bàn dân cư để bàn và quyết
định những công việc cụ thể tại địa phương. Hầu hết các gia đình đều
thực hiện việc đăng ký xây dựng "gia đình văn hoá", "tổ dân phố văn
hoá", "làng văn hoá", nhiều khu dân cư đăng ký xây dựng "khu dân cư
tiên tiến", "khu dân cư văn hoá" (được ghi nhận bằng hệ thống sổ sách,
làm cơ sở cho việc theo dõi, bình xét thi đua cuối năm).
Có thể nói, các tiêu chí của cuộc vận động là rất
thiết thực bởi nó liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sinh
hoạt của người dân, đến bộ mặt khu dân cư, phố phường như an ninh trật
tự (ANTT), vệ sinh môi trường (VSMT), phát triển kinh tế, văn hoá giao
tiếp, hạnh phúc gia đình, giáo dục, thực thi pháp luật nhà nước, đoàn
kết cộng đồng…. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, cuộc vận
động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, kết quả chưa được như mong
muốn, số liệu bình xét thi đua còn nặng tính phong trào, chưa phản ánh
đúng thực trạng. Nhiều khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng… "trưng"
những khẩu hiệu tuyên truyền rất "hoành tráng" song nội bộ vẫn còn để
xảy ra tình trạng mất đoàn kết, xích mích trong nhân dân, nhiều hộ còn
thờ ơ, thiếu trách nhiệm với việc gìn giữ VSMT, bảo vệ ANTT, các quy
định chung ở khu dân cư, tỉ lệ tham gia các sinh hoạt tập thể như họp
tổ dân phố, VSMT hàng tuần...còn thấp, việc cưới, việc tang, lễ hội
nhiều nơi còn biểu hiện thiếu lành mạnh, công tác bảo vệ chăm sóc,
thiếu niên nhi đồng, người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức, nhiều
sân bãi, điểm sinh hoạt cộng đồng bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi gây
phản cảm, bức xúc trong nhân dân.
Những tấm biển, cổng chào tuyên truyền về cuộc vận
động với chi phí hàng triệu đồng một chiếc âu cũng là cần thiết. Song,
để có được phong trào thực sự chất lượng, chiều sâu thì phải bằng những
hành động, việc làm cụ thể, sự gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng
viên, nhân dân tại các khu dân cư, tổ dân phố một cách thường xuyên, tự
giác, liên tục. Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần khảo sát
thực chất việc thực hiện cuộc vận động tại các khu dân cư, rà soát lại
các quy định, sửa đổi, bổ sung cơ chế, biểu mẫu, cách thức bình xét thi
đua, xác định rõ trách nhiệm, có chế tài xử lý mạnh hơn đối với những
vi phạm. Cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các Ban vận động ở khu dân
cư phải thực sự đề cao vai trò trong công tác vận động, đi đôi với việc
quản lý, phối hợp kiểm tra, xử lý thường xuyên và đúng mức. Nếu không
có sự vào cuộc của các ngành, các cấp và sự tự giác, ý thức trách nhiệm
cao với cộng đồng từ mỗi người dân thì cuộc vận động sẽ vẫn mang nặng
tính hình thức, bệnh thành tích, kém hiệu quả, lãng phí cho dù những
tấm biển, cổng chào tuyên truyền nói trên có "hoành tráng" đến đâu đi
nữa.
N.M.H