Khi Hà Nội ta có Đảng

17/03/2020 - 01:12 PM

“Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, năm 1010) - Những lời tiên tri có tính thiên định lịch sử của đức Vua Lý Thái Tổ đã được kiểm chứng qua 1010 năm trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, qua 90 năm có Đảng soi đường chỉ lối, giờ đây thế rồng vàng bay lên của Thăng Long - Hà Nội đang trở thành sự hiển linh cho dân tộc ta.

Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đoàn kết một lòng, nỗ lực xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Ảnh: Vũ Long

1. Hà Nội - nơi đặt tiền đề lịch sử cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền bá tư tưởng cách mạng của Đảng, gieo “hạt giống đỏ” cho phong trào cách mạng Việt Nam

Kể từ năm 1858 khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược và sau đó áp đặt bộ máy cai trị nước ta, cùng với các cuộc khởi nghĩa ở nhiều nơi, trong suốt 30 năm sau, Hà Nội đã trở thành chiến trường ác liệt nhất chống quân viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ. Những trận đánh nổi tiếng ở thành Hà Nội, Cầu Giấy, Sơn Tây… đã truyền đi dũng khí của tinh thần bất tử trong buổi đầu kháng Pháp. Phong trào yêu nước do nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước nối tiếp nhau, tiêu biểu như phong trào Đông kinh nghĩa thục, phong trào đấu tranh đòi để tang Phan Chu Trinh, vụ đầu độc lính Pháp…; đó là những lớp phù sa nuôi dưỡng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là môi trường văn hóa, lịch sử, chính trị để dung nạp những luồng tư tưởng tiên tiến, nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam có được “vườn ươm” từ Hà Nội, lan tỏa ra khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Nam Kỳ.

Những năm đầu của thế kỷ XX, yêu cầu bức thiết của thực tiễn cách mạng, nhất là do tác động của phong trào “vô sản hóa” đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở Hà Nội và Bắc Kỳ ngày càng lan rộng, chuyển mạnh từ tự phát sang tự giác, đòi hỏi phải có tổ chức cộng sản lãnh đạo. Với sự nhạy cảm chính trị, tháng 3-1929, một số thành viên tiêu biểu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập để bước đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã quyết định thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên (tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Từ tiền đề ấy, tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập. Sau đó, cuối năm 1929 đã liên tiếp ra đời An Nam Cộng sản đảng (ở Trung Kỳ), Đông Dương Cộng sản liên đoàn (ở Nam Kỳ). Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản ở Đông Dương tài liệu “Về việc thành lập một đảng cộng sản ở Đông Dương”, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”.

Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta sau này, với vai trò vừa là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là linh hồn của chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam đã trở thành con người của những quyết định có tính bước ngoặt lịch sử. Bằng tầm trí tuệ và sự mẫn tiệp chính trị đi trước thời đại, Người đã tổ chức thành công Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930). Như vậy, ngay từ lúc khởi thủy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã là sự hội tụ tư tưởng tiên tiến của thời đại, gắn kết được chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hà Nội là hạt nhân của khởi nguyên lịch sử đó.

Tiếp thu tinh thần và lý trí vừa mới được Nguyễn Ái Quốc truyền cảm hứng để thổi làn gió mới vào phong trào cách mạng ở Hà Nội, hơn 1 tháng sau sự kiện trọng đại ấy, những người cộng sản ưu tú trên địa bàn Hà Nội đã nhóm họp (ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc) dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, quyết định ra đời Thành ủy lâm thời Hà Nội, đặt cột mốc đầu tiên cho truyền thống vinh quang của Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Sự ra đời Đảng bộ Hà Nội đã có sức lan tỏa chính trị sâu rộng trên địa bàn (một số chi bộ Đảng được thành lập ở Hà Đông, Thanh Trì, Sơn Tây…). Hà Nội là một trong những nơi sớm nhất truyền bá những giá trị cốt lõi của các văn kiện đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo; và Luận cương chính trị tháng 10-1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Từ năm 1933 trở đi, phong trào cách mạng ở Hà Nội có được bước tiến mới, làm điểm tựa cho một cao trào cách mạng dưới danh nghĩa đòi dân sinh, dân chủ, tạo môi trường thuận lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương tập dượt một phương thức đấu tranh bán công khai, đấu tranh nghị trường phù hợp bối cảnh lịch sử lúc đó.

2. Hà Nội - từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đến nơi khởi nguyên cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, tạo nguồn cảm hứng dựng xây cơ đồ Việt Nam tươi sáng

Khi tiếng súng giữa những kẻ xâm lăng Pháp - Nhật vang lên ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, Đảng ta đã đoán định thời cơ sắp đến, kịp thời ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Theo đó, Hà Nội trở thành tâm điểm chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đảng bộ Hà Nội bám sát tình hình thực tiễn cách mạng, vận động quần chúng, lôi kéo lực lượng trung gian, tác động làm phân rã tinh thần của kẻ thù, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi. Ngày 2-9-1945, trong nắng vàng của trời thu mới, trong biển người và rừng cờ hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự khai sinh một thể chế chính quyền mới, chính quyền của dân, do dân và vì dân, khẳng định quyết tâm sắt đá sẵn sàng đem tất cả tính mạng và của cải để bảo vệ cho được quyền tự do, độc lập mới giành được. Một trang mới trong pho lịch sử bằng vàng của dân tộc Việt Nam thời hiện đại được mở ra từ Thủ đô Hà Nội.

Trải qua hai cuộc trường chinh chống lại hai đế quốc đầu sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hà Nội luôn là biểu tượng cao độ của ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; là thành trì bất khả chiến bại, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tỏa sáng giá trị hòa bình, lương tri và phẩm giá nhân loại trong thế kỷ XX.

Non sông thu về một mối, Thủ đô Hà Nội khẩn trương, hăng hái thi đua ái quốc để cùng đồng bào cả nước mau chóng khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tuy nhiên, lịch sử một lần nữa lại đặt dân tộc ta vào thử thách có tính thời đại: Các thế lực phản động quốc tế tìm cách phá hoại, cấm vận, cản trở công cuộc tái thiết đất nước của nhân dân Việt Nam. Hai đầu biên giới Tổ quốc lại vang tiếng súng. Đặc biệt, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tác động nhiều mặt, nhất là gây hoang mang tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội vẫn là nơi giữ được bản lĩnh chính trị, bảo vệ chế độ, giúp cho cán bộ, đảng viên cả nước tránh được sự sụp đổ tinh thần. Để rồi Thủ đô Hà Nội lại là nơi cung cấp cơ sở thực tiễn, khởi nguyên cho công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Có thể nói, trong lịch sử 90 năm của Đảng ta cũng là chặng đường 90 năm Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thể hiện bản lĩnh, sự kiên cường, sức sáng tạo để khẳng định vai trò trung tâm cách mạng.

Đến nay, sau gần 35 năm cùng cả nước đổi mới, phát triển, nhất là sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thủ đô Hà Nội đã có được diện mạo ngày càng xứng tầm với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Trong gian khó, Thủ đô Hà Nội đã cho thấy rõ tính tự lực cánh sinh và sự chia sẻ trách nhiệm với đồng bào cả nước, với bạn bè quốc tế. Bên cạnh danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Hà Nội có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với hơn 100 thủ đô trên thế giới. Nhiều sự kiện quan trọng bậc nhất của khu vực và toàn cầu được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đều bảo đảm an toàn tuyệt đối. Nhiều nguyên thủ quốc gia từng đến Thủ đô Hà Nội đã có những kỷ niệm thân thiện, cảm nhận được bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của một Thủ đô linh thiêng, hào hoa, anh hùng. Qua Thủ đô Hà Nội, bạn bè năm châu cảm nhận và khâm phục dân tộc Việt Nam hòa hiếu, khát vọng hòa bình, năng động, sáng tạo, là điểm sáng của sự phát triển và hội nhập.

*
*   *

Quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam dường như có một phần máu thịt, hồn cốt từ Thăng Long - Hà Nội. Lịch sử 90 mùa Xuân từ khi đất nước và Hà Nội được Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lối, chỉ đường là lịch sử của những trang vàng truyền thống dựng nước, giữ nước và phát triển mạnh mẽ. Trong sự nghiệp ấy, Thủ đô Hà Nội là đầu nguồn linh khí trường sinh cho dân tộc.

Theo HNM

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020