Ngoài các món dân tộc cổ truyền mà không nhà nào có
thể thiếu là bánh chưng, chè kho hay chè bà cốt, xôi hoa cau hay xôi vò
và các loại mứt, bánh, kẹo, hạt dưa… để tiếp khách đến chúc Tết, còn tập
trung vào mâm cỗ Tết.
Tùy gia đình có khả năng kinh tế đến đâu và tài chế biến của bà chủ mà
mâm cỗ Tết có thể 4 bát, 6 đĩa hoặc 6 bát, 8 đĩa. Có mâm cỗ chỉ xếp 1
tầng, có mâm phải xếp hai thậm chí ba tầng mới hết. Bát là để đựng các
món ăn có nước. Cổ điển là 4 món: Nấm, măng, bóng, miến. Nấm phải chọn
nấm hương khô có thể đắp giò sống bên dưới có tôm he
bổ dọc và vài thứ chân tẩy bằng rau củ. Bát măng khô lưỡi lợn hoặc măng
lá cắt bỏ gốc già, thái vát, hầm với chân giò hoặc thịt Ngan thái miếng
to và hạt sen. Bát Bóng bì hoặc bóng dưa thả trên nền Su hào, Cà rốt
tỉa hoa, giò lụa thái lát mỏng, rắc lên trên mấy cánh rau Mùi. Bát miến
nếu sang chọn miến làm bằng đậu xanh sợi dai không nát ( thông thường
dùng miến dong ) nấu với lòng gà. Cỗ sang có thêm bát mực nấu rối gồm
mực khô, giò lụa, trứng tráng, su hào, cà rốt các thứ đều thái chỉ, mực
thái chỉ xào cháy cạnh, xếp vào bát mỗi thứ một góc, đổ nước dùng sâm
sấp. Bát chim câu tần hạt sen, nước trong vắt, con chim xòe cánh, lơ thơ
mấy sợi miến và hành trần vắt trên lưng. Các đĩa đựng các món khô hoặc
xào. Giò có thể là giò lụa, giò bò, giò hoa, giò thủ, chả có chả quế,
chả bìa, chả cốm, chả cá mực. Một đĩa thịt lợn nấu đông hay cá kho, cá
đồng hoặc cá thu, cá song. Đĩa thịt gà luộc lật úp quân cờ phơi miếng da
vàng ươm rắc vài sợi lá chanh lên trên. Một đĩa xào thịt bò với hành
tây hoặc dứa. Ngoài những món ăn nhiều chất đạm trên mâm cỗ còn phải có
thêm một đĩa nộm thập cẩm: Su hào, cà rốt, vừng, lạc, bò khô thái sợi,
trên cắm quả ớt đỏ tỉa hoa, hành củ nén. Món nấu cần nhất là nước dùng,
muốn ngọt ngoài xương phải có thêm vài con sá sùng khô nướng thơm và
nước mắm ngon.
Cuối cùng là cách xếp đặt bày mâm cỗ sao cho bát, đĩa đan xen nhau, màu
sắc các món ăn phong phú làm cho người chưa ăn nhìn mâm cỗ đã thấy đẹp,
thấy ngon.
Mộng Hà