Mặt trận Tổ quốc Thành phố tham gia xây dựng chính quyền năm 2018 tại kỳ họp thứ 7, HĐND Thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021

06/12/2018 - 10:01 AM
Sáng 4-12, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy HĐND TP Hà Nội khóa XV, đồng chí Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã thông báo khái quát về tình hình nhân dân, kết quả tham gia xây dựng chính quyền năm 2018 và một số kiến nghị với HĐND-UBND Thành phố như sau:
1- Về tình hình nhân dân Thủ đô
Cử tri và nhân dân Thủ đô, vui mừng, phấn khởi về kết quả triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố năm 2018, Thành phố đã có nhiều giải pháp ổn định và tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công tác văn hóa-xã hội, trong đó có nhiều giải pháp hữu hiệu để giữ vững và phát triển kinh tế-xã hội như tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp trên địa bàn, ổn định chính trị; cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập, khuyến khích làm giàu chính đáng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, xây sửa nhà và chăm lo người nghèo, kịp thời hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, …
Cử tri và nhân dân luôn quan tâm theo dõi và hoan nghênh cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong năm qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc nổi cộm trên địa bàn Thành phố, trả lời những kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp HĐND; chủ động triển khai nghiêm túc các giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý những hành vi, vi phạm pháp luật; thực hiện việc khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
2- Công tác tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận các cấp
Năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chọn chủ đề là năm Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố. Ngay từ đầu năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội hiệp thương, thống nhất các nội dung giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tập trung hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2018. Mặt trận các cấp đã tổ chức và tham gia góp ý kiến vào các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phối hợp với Đoàn ĐBQH, HĐND Thành phố và các ngành liên quan tổ chức tiếp xúc giữa các vị ĐBQH, đại biểu HĐND với cử tri trước và sau kỳ họp; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, những tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân Thủ đô báo cáo Quốc hội, HĐND các cấp và kiến nghị với các ngành chức năng giải quyết.
2.1- Kết quả công tác giám sát-phản biện xã hội
Ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội thống nhất hiệp thương ban hành chương trình thống nhất phối hợp hành động và phân công nhiệm vụ giữa MTTQ Việt Nam và các thành viên là tổ chức chính trị-xã hội, triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Quy định 124 của BCH Trung ương và các Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
* Về công tác giám sát:
Năm 2018 Mặt trận Thành phố đã chủ trì tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện kết luận sau thanh tra; giám sát việc thi hành pháp luật của chính quyền các cấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; giám sát về khoa học công nghệ và Luật Khoa học công nghệ theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI; giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giám sát việc thực hiện chương trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các cơ sở đã tổ chức giám sát việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, quản lý nhà nước trên địa bàn với tổng số 13.419  cuộc; số vụ phát hiện vi phạm là 1.749; đề xuất, kiến nghị 1.709 vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, kiến nghị thu hồi về cho nhà nước  83.018 m2 đất và 494 triệu đồng.
Ngoài ra Mặt trận Thành phố còn phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực và các Ban của HĐND Thành phố, Ban chỉ đạo các chương trình công tác của Thành phố, Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố giám sát các chuyên đề công tác theo kế hoạch của năm.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật.
* Về công tác phản biện xã hội:
Nét mới năm 2018 là công tác phản biện xã hội đã được cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo, chính quyền phối hợp chặt chẽ và xác định về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết văn bản liên quan nhiều đến quyền, trách nhiệm và lợi ích của nhân dân đều chuyển qua Mặt trận để phản biện trước khi trình HĐND các cấp thông qua. Vì vậy:
+ Mặt trận cấp Thành phố năm 2018 đã phản biện 05 chủ trương chính sách quan trọng về giao thông, môi trường, quản lý nhà ở xã hội, chính sách nông nghiệp và sữa học đường.
+ Mặt trận các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 35 hội nghị phản biện xã hội, nội dung tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương.
+ Mặt trận các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 589 hội nghị phản biện xã hội, chủ yếu tập trung vào: Dự thảo Nghị quyết về kinh tế-xã hội, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân ở địa phương... .
Đã tập trung năm tình hình tổng hợp, phân tích, tư vấn và định hướng dư luận xã hội trong nhân dân; đăng tải 980 tin, bài, hình ảnh, các văn bản hướng dẫn trên Website của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
2.2- Về công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với nhân dân:
Năm 2018, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 597 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân. Qua các hội nghị nhân dân đã đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, xem xét một số vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân trên địa bàn dân cư.
3- Những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm
- Cử tri và nhân dân Thủ đô vẫn còn băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: sản xuất hàng hóa, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cạnh tranh hàng hóa cả trong nước và nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường diễn biến phức tạp, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; tốc độ xây dựng các nhà cao tầng, nhất là các dự án lớn về nhà ở trong nội thành, làm tăng mật độ dân cư quá nhanh so với tốc độ xây dựng hạ tầng giao thông, thoát nước theo quy hoạch đã bổ xung thêm nguyên nhân gây ách tắc giao thông, ngập úng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, sức khỏe của người dân; tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cá độ, tình trạng cháy vẫn còn nhiều;
- Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, ô nhiễm ở một số dòng sông ngày càng tăng; vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở một số nơi còn nhiểu khó khăn, bức xúc; tình trạng nước thải từ một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình chăn nuôi xử lý chưa đạt yêu cầu đã xả thải ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của nhân dân;
- Tình trạng đeo bám, chèo kéo, khách du lịch nước ngoài vẫn tiếp diễn ở một số nơi, kể cả ở khu phố cổ; việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng, để ôtô, xe máy chưa được xử lý bài bản bền vững, chưa làm quyết liệt thường xuyên; tình trạng xe máy đi ngược chiều, đi vào đường cao tốc còn diễn ra; quản lý hoạt động của xe taxi chưa tốt;
- Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp. Đất công, đất rừng, đất nông nghiệp còn bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Một số dự án giao thông, thoát nước, chậm tiến độ.
4- Những kiến nghị với HĐND-UBND Thành phố
- Đề nghị các cấp chính quyền nhất là ở cơ sở quan tâm nhiều hơn nữa đến việc chỉ đạo thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội và trả lời kịp thời các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, nhất là đất rừng, đất nông nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân
- Đề nghị UBND Thành phố một số nội dung sau đây:
+ Tập trung chỉ đạo tăng cường các giải pháp và nguồn lực để đẩy mạnh việc kết nối giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động trong chuỗi liên kết sản xuất, mở rộng thị trường trong phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô;
+ UBND Thành phố cần có lộ trình phù hợp để xây dựng phát triển đồng bộ theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nhất là phải ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị trước hoặc phải đồng thời với phát triển nhà ở chung cư cao tầng để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường. Tập trung quyết liệt hơn nữa để thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án liên quan đến môi trường, nhu cầu dân sinh bức xúc và công tác văn hóa, giáo dục của Thủ đô. Nên lùi tiến độ khởi công mới các dự án nhà ở chung cư cao tầng trong nội thành khi chưa đủ điều kiến về hạ tầng đô thị theo quy hoạch (trừ các dự án tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng).
- Đề nghị chính quyền các cấp trên địa bàn Thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tăng cường công tác đối thoại với người dân để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân.
- Đề nghị HĐND Thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám sát đối với chính quyền các cấp, các đơn vị có liên quan trong việc triển khai và thực hiện các Nghị quyết của HĐND, các kiến nghị của cử tri Thủ đô.

 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020