Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013, của Bộ Chính trị (khoá XI) ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố Hà Nội đã tổ chức 406 hội nghị góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng các cấp; có 4.335 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo chính trị; 4.392 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2015-2020, các ý kiến góp ý đã được các cấp ủy đảng tiếp thu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức 01 hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lý luận, các thành viên hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII với gần 40 ý kiến đóng góp, trong đó, có 11 ý kiến phát triển trực tiếp tại hội nghị. MTTQ cấp quận tổ chức 56 hội nghị, MTTQ các xã tổ chức 385 hội nghị với tổng số 2.237 ý kiến.
Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25/5/2017, của Thành ủy về việc ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố, năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức 644 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, trong đó cấp huyện tổ chức 36 hội nghị đối thoại, cấp xã tổ chức 615 hội nghị đối thoại. Tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, nhân dân đã kiến nghị, đề nghị xem xét một số vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trên địa bàn dân cư; cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại diện MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đồng thời giải đáp kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề dân sinh bức xúc. Nhìn chung, các cuộc đối thoại đều đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, mở rộng dân chủ và tập hợp, giải quyết được nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc, đề xuất, kiến nghị của nhân dân.
Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố đã phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố góp ý vào việc xây dựng các luật, văn bản pháp quy, các quy định của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở như: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. MTTQ TP cũng phối hợp với Đoàn ĐBQH, HĐND TP và các ngành liên quan, tổ chức tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP với cử tri trước và sau kỳ họp; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân Thủ đô báo cáo Quốc hội, HĐND các cấp và kiến nghị với các ngành chức năng giải quyết.
Tại kỳ họp, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương nêu một số kiến nghị với HĐND - UBND TP Hà Nội. Trong đó, đề nghị Thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án; triển khai việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể, các chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân.
Đề nghị UBND TP tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh và các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, tránh tâm lý chủ quan, dễ gây bùng phát dịch trở lại. Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều hành quyết liệt để thực hiện thành công "nhiệm vụ kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; quan tâm công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường không khí Thủ đô.
Đề nghị UBND TP tăng cường công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc tồn đọng kéo dài; tích cực giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, không để thành điểm nóng, góp phần ổn định tình hình, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, đề nghị HĐND, UBND TP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Thành phố như: bình xét, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; các chính sách về y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở,…
MTTQ TP cũng đề nghị UBND TP sớm điều chỉnh quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, ngày 19/9/2016, của UBND TP Hà Nội. Bên cạnh đó, hiện nay, việc triển khai các luật, nghị định còn chậm, đề nghị HĐND, UBND TP đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản của Thành phố về việc thực hiện Luật và các chính sách của Nhà nước. Đáng chú ý, MTTQ TP đề nghị HĐND TP và UBND TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về những giải pháp, những việc làm cụ thể để cải thiện chỉ số như “Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam” (PAPI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Theo CTTĐT