Công tác Mặt trận đòi hỏi người cán bộ phải xông pha trên nhiều “mặt trận” khác nhau, từ xóa đói giảm nghèo, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cho tới giám sát, phản biện xã hội. Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết về những khó khăn, thách thức đối với người phụ nữ trong công tác Mặt trận.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương tặng quà cho gia đình chính sách.
PV: Nhắc đến công việc Mặt trận có người ví von “thở không ra hơi, bơi không hết việc”. Đối với nam giới làm Mặt trận cũng là điều không dễ dàng. Phụ nữ thậm chí còn gặp khó khăn hơn. Vậy cơ duyên nào khiến bà gắn bó với Mặt trận?
Bà Nguyễn Lan Hương: Tôi đến với công tác Mặt trận như một cái duyên. Tôi trưởng thành từ cán bộ đoàn, rồi làm công tác Đảng, dân vận… nhìn chung công việc đều có liên quan mật thiết với công tác đoàn thể, công tác vận động quần chúng. Trong đó, công tác dân vận và Mặt trận có điểm tương đồng vì đều là “kênh” nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh đến các cấp uỷ Đảng nên khi chuyển sang Mặt trận, tôi đã có sẵn “lưng vốn” kinh nghiệm. Trải qua gần 30 năm gắn bó với công tác đoàn thể, được tiếp xúc với nhiều tổ chức thành viên, càng tìm hiểu càng thấy phong phú, hấp dẫn và say sưa với công tác này.
-Công tác Mặt trận đòi hỏi người cán bộ phải xông pha trên nhiều “mặt trận” khác nhau. Người phụ nữ ngoài công việc xã hội còn phải dành thời gian cho gia đình. Chắc hẳn bà cũng gặp không ít khó khăn khi phải gánh cả hai vai làm tròn trách nhiệm gia đình và xã hội?
-Việc cân đối, hài hoà thời gian để thực hiện hai vai trò luôn luôn là điều khó khăn. Trước giai đoạn mới, yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác Mặt trận ngày càng cao. Mặt trận phải phát huy được vai trò là “cầu nối” của nhân dân với Đảng và chính quyền; không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ Mặt trận phải không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao năng lực. Muốn làm tốt công tác Mặt trận phải gần dân, sát dân,mình làm được nhiều việc vì họ, từ đó dân mới tin và như thế, mới làm gương cho cán bộ cấp dưới noi theo.
Phụ nữ khó hơn nam giới ở chỗ vừa phải làm tốt công việc được giao, vừa phải nỗ lực hết mình để làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ. So với nam giới, phụ nữ có nhiều trở ngại về sức khỏe hơn. Để làm tròn 2 vai “việc nước, việc nhà” thì mỗi cán bộ phụ nữ đều phải cố gắng nhiều hơn.
-Bên cạnh những khó khăn thì phái nữ cũng có những lợi thế nhất định, chẳng hạn yếu tố nữ giúp “mềm hóa” các vấn đề gai góc. Với cá nhân bà, lợi thế ấy được phát huy như thế nào?
-Công tác Mặt trận là đoàn kết, là vận động, thuyết phục, rồi thống nhất hành động. Khi giải thích, vận động phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lấy từ thực tiễn để dẫn chứng, để nhân dân hiểu. Có những vấn đề mới phát sinh, Mặt trận cần vào cuộc để nắm tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Để giải quyết các vấn đề, tôi luôn vận dụng sự mềm mỏng của phái nữ. Với những vấn đề gai góc, cần phải xử lý linh hoạt, mềm mại bằng nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải bằng lời. Tháng 9/2019, đã xảy ra vụ cháy ở Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân khiến nhân dân lo lắng về ảnh hưởng của vụ cháy tới sức khoẻ, môi trường. Tôi đã cùng đoàn công tác Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tới thăm hỏi, động viên 6 hộ dân gần hiện trường và các y, bác sĩ. Giải đáp băn khoăn của người dân về những luồng thông tin trái chiều, vận động nhân dân tin tưởng vào sự giải quyết, chỉ đạo của Thành phố, dùng sự mềm mỏng để “kéo” mọi người về với mình, chính sự đồng thuận đó đã tạo nên sức mạnh, giải quyết kịp thời các vấn đề mâu thuẫn, tránh phát sinh các điểm “nóng” trên địa bàn.
-Từ những gì đã trải qua trong quá trình công tác, bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để những người phụ nữ làm Mặt trận có thể cùng lúc đảm đương tốt hơn trách nhiệm với gia đình và xã hội?
-Với tôi, phụ nữ luôn là phái đẹp, không phải là phái yếu. Phụ nữ phải thực hiện vai trò “kép”, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ngoài xã hội, lại phải đảm đương tốt vị trí người “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình. Để giải quyết tốt vấn đề này, theo tôi, phụ nữ phải biết sắp xếp thời gian, khéo léo; luôn có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, cân bằng tốt giữa công việc và gia đình; chú ý rèn luyện sức khoẻ; có tinh thần lạc quan.
Với công tác Mặt trận, hãy làm việc bằng cái “tâm”, bằng tất cả niềm say mê và sự nhiệt huyết. Tâm để gắn bó, gần dân, sát dân, hiểu dân, có mặt những nơi người dân cần, làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Bên cạnh đó, phải luôn luôn tự tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ lý luận, hiểu biết chuyên môn, chắc nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận; phải có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện được nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong điều kiện quyền và trách nhiệm ngày càng lớn.
Đặc biệt là vai trò trong công tác giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận phải lập kế hoạch giám sát và phản biện xã hội, phải tập trung vào những nội dung, những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nói một cách vắn tắt, “người Mặt trận” cần những phẩm chất gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Lan Hương: Với công tác Mặt trận, hãy làm việc bằng cái “tâm”, bằng tất cả niềm say mê và sự nhiệt huyết. Tâm để gắn bó, gần dân, sát dân, hiểu dân, có mặt những nơi người dân cần, làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Bên cạnh đó, phải luôn luôn tự tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ lý luận, hiểu biết chuyên môn, chắc nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận; phải có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện được nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong điều kiện quyền và trách nhiệm ngày càng lớn.
Tuệ Phương