Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài 3.260 km, chạy suốt từ Bắc vào Nam. Tình trạng hạn hán, ngập lụt, sạt lở, bão lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò quan trọng trong các hoạt động cứu trợ nhân dân gặp thiên tai, hoạn nạn đã vận động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác cứu trợ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn xác định công tác cứu trợ là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất hàng năm khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra, từ đó sẵn sàng ứng phó và thực hiện kịp thời công tác cứu trợ tùy theo mức độ ảnh hưởng và gây thiệt hại, hoạn nạn đối với người dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác cứu trợ, góp phần ổn định đời sống người dân
Thiên tai, bão lũ là những yếu tố thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nước ta mỗi năm, trung bình hứng chịu từ 6 đến 7 cơn bão, tập trung từ tháng 8 đến tháng 12. Bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đe dọa an toàn hồ đập. Mưa lớn cùng nước biển dâng tạo nên tình trạng ngập lụt ở các tỉnh, thành phố gần biển, gây chia cắt các khu dân cư. Mưa, lũ bão làm đổ, cuốn trôi nhà cửa, phá hỏng cầu cống, đường giao thông, quét trôi hoa màu, vật nuôi, tài sản, nguồn sống của con người. Cùng với thiên tai do mưa, bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, nước ta cũng có hỏa hoạn do cháy rừng hay dịch bệnh xảy ra đối với con người và vật nuôi. Những gia đình bị hỏa hoạn, dịch bệnh lâm vào cảnh khốn cùng cần sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Năm 2020, dịch bệnh Covid - 19 gây ra thảm họa nặng nề cho nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thảm họa thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, không chỉ thiệt hại về người và của, mà còn gây ra tình trạng tái nghèo, nhất là ở miền núi.
Trước thực trạng đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng. Tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn do bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, dịch bệnh để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Khi có thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn xảy ra, tùy theo mức độ thiệt hại, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp (tiền, hiện vật) ủng hộ, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiệt hại. Kết quả nguồn vận động chuyển về cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp) để tổ chức hỗ trợ.
Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền để nắm chắc tình hình thiệt hại do thiên tai để tiến hành cứu trợ. Nguồn quyên góp, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp người hảo tâm, chủ yếu cứu trợ cho gia đình có người chết, người bị thương, nhà đổ, nhà hư hỏng, những gia đình bị thiệt hại khác. Tùy vào nguồn vận động để việc phân bổ, cứu trợ hợp lý, hợp tình, tránh thất thoát, lợi dụng hoặc trục lợi từ nguồn cứu trợ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 "Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo". Từ khi có nghị định, công tác vận động, quyên góp và phối hợp thực hiện công tác cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có nhiều thuận lợi. Công tác cứu trợ có sự phối hợp ngày càng chặt chẽ với chính quyền và các ngành chức năng; vừa phát huy được sức mạnh công tác vận động, đoàn kết toàn dân để huy động nguồn lực cho công tác cứu trợ, vừa nắm chắc tình hình thực tế và tiến hành công tác cứu trợ phù hợp.
Những năm qua, thực hiện Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong những trận bão lũ, xâm nhập mặn, dịch bệnh nghiêm trọng đã có tác động cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, người hảo tâm đồng tình hưởng ứng. Ai có tiền ủng hộ tiền, ai có hàng ủng hộ hàng, ai có điều kiện thì tổ chức đoàn đi cứu trợ tại các địa phương bị thiên tai thông qua Ban cứu trợ Trung ương và các cấp. Tin tưởng vào uy tín và cách tổ chức của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhiều cụ già, em nhỏ đã tiết kiệm phần quà ăn sáng, phần lương hưu ít ỏi trực tiếp đến cơ quan Mặt trận Tổ quốc để được tham gia ủng hộ cho đồng bào đang gặp khó khăn do thiên tai, hoạn nạn.
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức tốt các hoạt động cứu trợ, chủ trì phát động, kêu gọi, vận động và kịp thời phân bổ các nguồn hỗ trợ đến với người dân1. Tính đến tháng 8/2020, tổng thu Quỹ cứu trợ các cấp đạt 156,5 tỷ đồng. Đặc biệt, cuộc vận động ủng hộ tiền và hiện vật phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ ngày 17/3 - 26/8/2020, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp và Bộ Y tế tiếp nhận, ủng hộ bằng tiền, hiện vật trị giá 2.245 tỷ đồng, trong đó ủng hộ bằng tiền 1.653 tỷ đồng, ủng hộ bằng hiện vật trị giá trên 592 tỷ đồng2.
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn 6 tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành khảo sát và đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm thực hiện một số giải pháp cấp bách, cần thiết trước mắt và lâu dài để khắc phục hậu quả. Quỹ cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận 10 tỷ đồng, phân bổ ngay 6 tỷ đồng đến 5 địa phương bị thiệt hại nặng để góp phần giải quyết khó khăn cho người dân3.
Thực tế trong thời gian qua, hàng năm đều có thiên tai, sự cố, dịch bệnh xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các tầng lớp nhân dân mỗi khi thiên tai, hoạn nạn xảy ra. Hoạt động cứu trợ nhân dân đã huy động nguồn lực quan trọng trong nhân dân, nhà doanh nghiệp, người hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều tổ chức quốc tế góp phần trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình, những người dân vùng bị thiên tai. Cùng với việc giúp đỡ lẫn nhau tại chỗ ở từng cơ sở, khu dân cư, nguồn cứu trợ từ hoạt động của Mặt trận là nguồn cứu trợ kịp thời, có tác dụng thiết thực, giúp đỡ những nhu cầu thiết yếu cho người dân trong cơn hoạn nạn theo đúng tinh thần: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Hoạt động cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và văn bản pháp quy, có sự thống nhất toàn quốc trong công tác cứu trợ. Công tác cứu trợ được Mặt trận phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về kết quả, những tấm gương tốt, mô hình hay trong hoạt động cứu trợ.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp nhận ủng hộ đồng bào Miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ gây ra
Từ hoạt động cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã nghiên cứu nhiều chương trình, dự án nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân vùng thường xuyên bị thiên tai, như: xây dựng tuyến đê, nhà ở vượt lũ, hỗ trợ xây dựng nhà ở tránh lũ cho đồng bào miền Trung... Thông qua hoạt động cứu trợ, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phát huy vai trò: “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”. Kết quả hoạt động cứu trợ đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc trong việc chăm lo đời sống nhân dân, nhất là nhân dân khi gặp thiên tai, hoạn nạn. Từ đó cổ vũ, động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động và chủ trì.
Một số kinh nghiệm trong công tác cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn xác định công tác cứu trợ là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất hàng năm khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra. Từ đó sẵn sàng ứng phó và thực hiện kịp thời công tác cứu trợ tùy theo mức độ ảnh hưởng và gây thiệt hại, hoạn nạn đối với người dân.
Hai là, khi có thiên tai xảy ra, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ngành chức năng nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để nắm chắc diễn biến, mức độ thiệt hại, kịp thời tiến hành các bước tổ chức công tác cứu trợ.
Ba là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách", mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo... đều tham gia ủng hộ, giúp đỡ cho người dân vùng bị thiên tai, hoạn nạn.
Bốn là, công tác quyên góp, quản lý, phân bổ nguồn vận động cần thực hiện chính xác, minh bạch, dân chủ, công khai, tránh mọi biểu hiện lợi dụng, tiêu cực hoặc vô trách nhiệm làm lãng phí, thất thoát nguồn vận động. Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở cần phối hợp và thực hiện tốt việc hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình, từng người dân để việc hỗ trợ giúp đỡ hợp lý, hợp tình, tránh gây mất đoàn kết nội bộ trong nhân dân hoặc giữa người dân với cán bộ.
Năm là, quá trình thực hiện công tác cứu trợ cần thực hiện khâu kiểm tra, giám sát. Qua đó, nắm được những việc làm hay, kinh nghiệm tốt để phát huy, phát hiện những sai trái, hạn chế hoặc khuyết điểm nếu có uốn nắn, sửa chữa kịp thời.
Sáu là, kết thúc mỗi đợt công tác cứu trợ, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiến hành tổng kết, đánh giá rõ nét kết quả đợt cứu trợ, những ưu, khuyết điểm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những địa phương, đơn vị, cấp Mặt trận thực hiện tốt công tác cứu trợ. Công tác khen thưởng có thể tiến hành riêng hoặc kết hợp với tổng kết công tác Mặt trận hàng năm.
Bảy là, phát huy cao độ vai trò và hoạt động của Ban cứu trợ các cấp, nhất là vai trò của Hội Chữ thập đỏ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Nông nghiệp, ngành Tài chính... để công tác cứu trợ được tập trung, thống nhất, tránh sai sót trong quá trình cứu trợ.
Tám là, coi trọng các hình thức "Công nhận"; "Ghi công" đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người hảo tâm trong việc đóng góp nguồn lực cho công tác cứu trợ. Các cấp lãnh đạo Mặt trận dành thời gian phù hợp để gặp gỡ, tiếp nhận nguồn ủng hộ, trực tiếp trao "Bảng ghi nhận tấm lòng vàng" cho người ủng hộ nguồn lực cứu trợ.
Hà Thị Liên
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam