Tối 19/9, tại Đền Trình Ngũ Nhạc, thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Đức long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn - Chùa Hương; chào mừng 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Chùa Hương và 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức.
Đ/c Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội (đứng thứ 3 từ phải sang) tặng hoa chúc mừng huyện Mỹ Đức
Dự buổi lễ có các đồng chí: Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Nghị - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Đức Đam - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội; đại diện Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Hội Phật giáo TP. Hà Nội. Về phía huyện có các đồng chí: Bạch Liên Hương - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Văn Hoạt - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Trịnh Xuân Hương - Uỷ viên Thường vụ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện; Thượng tọa Thích Minh Hiền - Trụ trì Chùa Hương cùng các hoà thượng, tăng ni, phật tử và Nhân dân huyện Mỹ Đức.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hoạt - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện báo cáo về giá trị quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn. Theo đó, quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn có những giá trị đặc biệt gồm hệ thống đình, đền, chùa, hang, động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn ở 5 thôn: Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên. Các di tích Phật giáo này được chia làm 3 tuyến chính là: Thiên Trù - Hương Tích; Tuyến Long Vân - Thanh Sơn; Tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn. Nổi bật quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn là các chùa, động ở đây được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ 17,18, 19. Không gian di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Chùa Hương có hệ núi non kỳ vỹ, điệp điệp trùng trùng huyền ảo. Các dãy thạch nhũ muôn hình vạn trạng mà dân gian gọi bằng cái tên dân dã như cây vàng, cây bạc, đụn gạo, nong tằm, né kén, ao bèo gắn với tín ngưỡng nông nghiệp. Hàng năm, chùa Hương đón hơn 1 triệu du khách về lễ Phật, cầu may mắn. Hành hương về miền đất Phật chùa Hương, du khách như lạc vào cõi tiên cảnh. Phong cảnh nơi đây với núi, non trùng điệp hòa quyệt với hương trầm, mây núi. Đặc biệt, chùa Hương trở thành nơi hội tụ của những danh nhân lịch sử cùng các danh nhân văn hóa của dân tộc, có 162 bia đá, lập năm Cảnh Trị 1667 cho thấy sự ghi chép, tu sửa, tôn tạo, hưng công, tạc tượng, đúc chuông và văn thơ đề vịnh của chúa Trịnh Sâm, của các Quan nghè, quan Đốc học suốt từ thời Lê đến thời Nguyễn. Chùa Hương còn là đề tài cảm hứng sáng tác thi ca của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như: Tản Đà, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Chế Lan Viên, Tố Hữu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (đứng thứ hai từ phải sang) trao Bằng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn cho huyện Mỹ Đức.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, tôn giáo, ngày 25/12/2017, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định công nhận quần thể thắng cảnh Hương Sơn là di tích Quốc gia đặc biệt.
Vinh dự cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong huyện, cách đây tròn 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Chùa Hương vào ngày 19/5/1958. Bác căn dặn cán bộ và Nhân dân phải biết bảo vệ và tôn tạo khu di tích thắng cảnh sao cho xứng đáng với cảnh đẹp đệ nhất trời Nam. Khắc ghi lời dạy của Bác, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Mỹ Đức đã tập trung trí tuệ, sức lực, tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị đặc biệt vốn có của quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho du khách về thăm quan, lễ Phật. Công tác tổ chức, quản lý, điều hành lễ hội ngày một đổi mới theo hướng chuyên nghiệp và đảm bảo tiêu chí “Lễ hội kỷ cương- văn minh du lịch”.
Về quá trình xây dựng và phát triển của huyện Mỹ Đức, đồng chí Nguyễn Văn Hoạt cho rằng, chặng đường lịch sử 130 năm thành lập, 10 năm hợp nhất về Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức tự hào về những thành tựu vẻ vang của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế của địa phương đã có bước phát triển vượt bậc, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân của huyện tăng từ 6,6 triệu đồng/người năm 2008 lên 34,1 triệu đồng/người vào năm 2017. Năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo là 16,73%, đến 2017 giảm còn 5,9%, hạ tầng cơ sở về giao thông, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp. Công cuộc xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai, toàn huyện đã có 9/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu cuối năm 2018 sẽ đạt 11/21 xã nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, huyện Mỹ Đức là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt năm nay huyện đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn. Đây không chỉ là ngày hội lớn, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức mà còn là niềm vui chung của nhân dân Thủ đô. Với lịch sử 130 năm xây dựng và trưởng thành, Nhân dân huyện Mỹ Đức đã tạo nên đời sống văn hóa đa dạng, đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bề dày văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt trong thời gian qua huyện đã bảo tồn và phát huy tốt các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đồng thời đã nỗ lực cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trước những yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới Bí thư Thành ủy cho rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, tranh thủ tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên trên mọi lĩnh vực và thu được kết quả đáng trân trọng. Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức được tạo hóa ban tặng những nét độc đáo riêng, có giá trị đặc biệt. Đó là hệ thống các núi đá vôi với nhiều hang động được hình thành từ hàng trăm triệu năm, kết nối với nhau bằng dòng chảy quanh co uốn lượn như dải lụa của Suối Yến. Nơi đây có hệ sinh thái động, thực vật phong phú, với trung tâm là cụm đền chùa, hang động - nổi tiếng nhất là động Hương Tích nơi có Chùa Hương. Với những giá trị đó, đồng chí nhấn mạnh: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ quyết tâm bảo vệ, phát huy giá trị để phát triển nơi đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh đối với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mà còn là địa chỉ giáo dục về lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường".
Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung và về công tác quản lý Nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh của Thủ đô nói riêng trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp thiết thực hơn để giúp Thủ đô Hà Nội và huyện Mỹ Đức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị xứng tầm với di tích Quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Cũng nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã tặng lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức và mong muốn huyện tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn trong thời gian tới.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Bằng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức.
Uỷ ban MTTQ huyện Mỹ Đức