“…Tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh
quan đô thị, không vứt rác, phế thải tùy tiện, không phóng uế, khạc nhổ
bừa bãi…” - Đây là một trong bốn nội dung xây dựng “Người Hà Nội thanh
lịch, văn minh“.
Với sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB
MTTQ) các cấp cùng cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể, cuộc vận động
lớn này bước đầu đã được các tầng lớp nhân dân Thủ đô hưởng ứng và thu
được những kết quả tích cực. Kết quả từ các khu dân cư làm tốt việc vệ
sinh môi trường cho thấy, muốn làm cho Hà Nội sạch cần có quyết tâm của
chính quyền cơ sở và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Giáo dục ý thức tự giác + xử phạt
Theo Chủ tịch UB MTTQ phường Bạch Mai, quận Hai Bà
Trưng Nguyễn Thị Dung thì chỉ có cách khơi dậy ý thức tự giác trong mỗi
người, mỗi khu dân cư đi liền với xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi
phạm mới hy vọng làm thay đổi được thói quen xấu là đổ rác bừa bãi. Qua
hơn 3 tháng làm điểm về giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư 1B,
“liều thuốc” này có tác dụng hữu hiệu, khu dân cư trở nên sạch đẹp hơn.
Bà Dung cho biết, ngay sau khi đăng ký với quận xây dựng khu dân cư 1B
là khu dân cư sạch, đẹp, UBND phường cùng MTTQ, các ngành, đoàn thể họp
tổ dân phố tuyên truyền, vận động từng hộ dân cam kết đổ rác đúng giờ
vào các thùng để nơi quy định; không đổ rác ra ngõ; kiên quyết không để
các điểm ứ đọng về rác. Thời gian đầu, phường “tung” cán bộ đoàn thể đi
kiểm tra tất cả các ngõ phố, nếu phát hiện còn “điểm đen” về rác thì
yêu cầu lực lượng chức năng giải quyết ngay trong ngày. Người nào không
chấp hành quy định của khu dân cư, tự ý đổ rác bừa bãi, vi phạm nếp
sống văn minh bị “bắt quả tang” bị xử phạt 20.000 đồng/lượt. Đến nay
việc đổ rác đã trở thành nền nếp, tại khu dân cư 1B không còn cảnh bừa
bãi như trước đây, ngõ phố phong quang, sạch sẽ.
Phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) có cách làm
khác phường Bạch Mai nhưng cũng cho hiệu quả tương tự. Phường đã đặt 70
thùng rác trên các tuyến phố và yêu cầu các hộ dân phải đổ rác từ 18
đến 20 giờ 30. Việc làm này có tác dụng kép, giữ môi trường sạch sẽ và
tiết kiệm thời gian thu gom rác thải cho Công ty Môi trường đô thị. Ông
Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UB MTTQ phường Lê Đại Hành khẳng định, kết
quả đạt được là sạch nhà, đẹp phố, hơn cả mong đợi. Đây là sự khởi đầu
tốt đẹp để phường tiến tới thực hiện phân loại rác thải trước khi xử lý.
Ở khu dân cư Hàng Bún, phường Nguyễn Trung Trực,
quận Ba Đình để giữ vững danh hiệu Khu dân cư văn hóa và xây dựng
“Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, chi bộ đã cụ thể hóa thành 5 tiêu
chí, yêu cầu đảng viên gương mẫu thực hiện, các hộ dân làm theo. Ngoài
duy trì đều đặn làm vệ sinh vào chiều thứ năm và sáng thứ bảy hằng
tuần, người dân tự giác giữ vỉa hè phố nhà mình sạch sẽ, xe máy, xe đạp
để đúng nơi quy định. Cán bộ khu dân cư kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên
nên ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân được nâng lên.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Đến nay, có thể trao danh hiệu “Tổ dân phố
sạch” cho tổ dân phố số 10, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Với hơn
165 hộ, trên 600 nhân khẩu, thói quen của người dân mới chuyển từ xã
lên phường chưa hẳn đã hết. Nhưng điều dễ nhận thấy là sự gọn gàng,
sạch sẽ hiện hữu ngay trên những con phố. Được chọn xây dựng mô hình
điểm “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường”, chi bộ, tổ dân phố, ban
công tác mặt trận đã xác định rõ trách nhiệm tuyên truyền, vận động và
cùng người dân thực hiện quyết tâm lớn. Để người dân tự giác thì chính
cán bộ, đảng viên đi đầu sử dụng nước sạch, sản xuất, kinh doanh không
gây ô nhiễm, không nuôi chó thả rông, đổ rác đúng giờ, đúng quy định và
cùng nhân dân vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy hằng tuần. Cùng với
đó, những tấm gương người cao tuổi như cụ Thạc, cụ Cập, bà Vải, bà Thắm
ngày nào cũng quét nhà, quét ngõ, quét đường đã khích lệ các hộ dân làm
theo. Tổ dân phố còn mua 70 thùng rác, phát cho các gia đình để thực
hiện khẩu hiệu “sạch nhà, đẹp phố”.
Dù đã 70 tuổi, nhưng sáng nào, bà Tạ Thị Ngọc Thanh,
Bí thư Chi bộ 1B, Tổ trưởng tổ dân phố 7, phường Dịch Vọng Hậu, quận
Cầu Giấy vẫn đều đặn quét đường, nhặt rác trên con phố gần nhà. Theo bà
Thanh, ý thức được giáo dục, hình thành từ lúc bé; một sớm, một chiều
khó có thể thay đổi hành vi không văn hóa. Vì vậy, người cán bộ phải
làm gương để người dân soi vào, từ đó có sự thay đổi. Ba tổ dân phố số
3, số 6 và số 7 mà bà phụ trách đã tuyên truyền, vận động và có biện
pháp quyết liệt để ngăn chặn tệ đổ rác bừa bãi. Kết quả, sự chuyển biến
thấy rõ ở cả 3 tổ dân phố. Tuy nhiên, bà Thanh cho rằng để bài trừ
triệt để tệ đổ rác bừa bãi nên quy trách nhiệm đến người đứng đầu. Khu
dân cư nào còn cảnh rác đổ bừa bãi, mất vệ sinh nơi công cộng, người
đứng đầu chi bộ, tổ dân phố, ban, ngành, đoàn thể khu dân cư đó phải
chịu trách nhiệm. Theo bà Thanh, chỉ khi nào ý thức cá nhân chuyển
biến, các hành vi cố tình vi phạm bị xử phạt nghiêm, người đứng đầu đề
cao trách nhiệm, thực sự vào cuộc để nhân lên những khu dân cư “sạch
nhà, đẹp phố”, khi đó mới xây dựng được Thủ đô sạch, thanh lịch và văn
minh.
H.Lê