Chiều 25/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Vẻ – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, các vị Ủy viên Ủy ban, Ban chủ nhiệm các hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhằm phát huy dân chủ, trách nhiệm, tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thành phố. Đồng chí khẳng định, việc thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo phát biểu tại hội nghị
13 ý kiến phát biểu tại hội nghị đều nhận định Dự thảo được chuẩn bị công phu, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Nội dung báo cáo nêu lên được những thành tựu nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XVI và dự báo tình hình, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ của Đảng bộ Thành phố khóa XVII. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để góp ý vào từng vấn đề cụ thể như bố cục, chủ đề Đại hội, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, 3 khâu đột phá…
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt cũng nhấn mạnh, trong phần bài học kinh nghiệm cần phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại và thực hiện công khai minh bạch. Trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo cần tăng cường đối thoại với Nhân dân. Không hình thức và không đùn đẩy, né tránh. Mọi trường hợp dân nghi ngờ, không tin Đảng, không tin chính quyền, hay có đơn thư khiếu nại, tố cáo đều chỉ có thể do nguyên nhân Đảng và chính quyền làm sai hoặc Đảng và chính quyền làm đúng nhưng không tuyên truyền, không nói cho dân biết, không giải thích để dân hiểu. Vì vậy, tăng cường đối thoại trực tiếp với Nhân dân cũng là bài học quý rút ra từ thực tiễn…
Đề cập đến công tác tôn giáo trong báo cáo chính trị, GS Thượng Mai Thanh, Trưởng ban cai quản Thánh thất Cao Đài Hà Nội góp ý, công tác tôn giáo đã được chú trọng, đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận. Mong muốn của các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích khi đã được nhà nước công nhận, đảm bảo đúng đạo luật, đạo đời…
Quan tâm và đề cập đến lĩnh vực văn hóa trong báo cáo chính trị, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội cho rằng, báo cáo đã quan tâm nhiều đến văn hóa. Những nhận định, đánh giá có cơ sở thực tiễn và khoa học. Tuy nhiên, việc phân tích, đánh giá về những hạn chế dài hơn phần thành tích. TS Chức đặt vấn đề và tán thành với nhận định “Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị thế của Thủ đô” và đề nghị cần thảo luận sâu sắc để có nhận thức đúng đắn trong toàn Đảng bộ, thấm sâu vào các cấp ủy Đảng để biến nó thành hành động mang tính đột phá trong nhiệm kỳ mới….
Cho rằng, nội dung những hạn chế và yếu kém đã được nêu khá cụ thể, tuy nhiên nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo cho rằng, phần nguyên nhân của hạn chế và yếu kém còn chung chung, thiếu cụ thể. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá cao 3 khâu đột phá đã xác định trong Dự thảo Báo cáo và đề xuất thêm 1 khâu đột phá nữa về môi trường và tài nguyên để thành 4 khâu hoàn chỉnh và đầy đủ. Khâu đột phá thứ 4 tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả cao trong lĩnh vực cải thiện môi trường sinh thái, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, đảm bảo nước sạch phục vụ sinh hoạt của Nhân dân… Đây là vấn đề rất cấp bách của toàn xã hội nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng.
Cùng quan điểm với ông Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Viết Thảo đề nghị cần đánh giá rõ hơn 5 năm qua Hà Nội đã làm được đến đâu với vai trò là Thủ đô cả nước và cần chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Với vai trò là Thủ đô, Hà Nội hội tụ tất cả các tinh hoa của đất nước. Do đó, về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, Hà Nội cần nêu rõ phải làm gì để đi đầu, dẫn dắt cả nước, tiên phong trên các lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm và tình cảm với Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn khẳng định sẽ tiếp thu và tổng hợp tất cả ý kiến của các đại biểu để gửi đến tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố. Đồng chí cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã triển khai lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII tại đơn vị mình theo Kế hoạch, qua đó, tuyên truyền kết quả, thành tựu Thành phố đạt được trong 5 năm qua tới các tầng lớp Nhân dân./.
Thu Thủy