|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Tuần văn hóa đại đoàn kết các dân tộc, tháng 11/2021.
|
Từ khi ra đời và trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn xác định: Đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã tha thiết căn dặn “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mình”. Tư tưởng Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”.
Về tình hình và kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc là tập hợp, đoàn kết, thống nhất hành động giữa các giai cấp, giai tầng và thành phần xã hội, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến. Nếu tán thành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh thì đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với cách hiểu như vậy thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay gồm có 11 giai cấp và tầng lớp xã hội chủ yếu như sau: Giai cấp Công nhân, khoảng 23,9 triệu người, chiếm 24,8% dân số; Giai cấp Nông dân, khoảng 63 triệu người, chiếm 65,5% dân số; Đội ngũ Trí thức, khoảng 6,5 triệu người có trình độ cao đẳng trở lên; Thanh niên (16 - 30 tuổi), khoảng 22,6 triệu người, chiếm trên 23,5% dân số; Phụ nữ, khoảng gần 50 triệu người, chiếm trên 50,5% dân số; Cựu chiến binh và lực lượng cựu quân nhân, khoảng 4 triệu hội viên, chiếm trên 4,2% dân số; Cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, trên 715.000 doanh nghiệp và 22.000 hợp tác xã; Người cao tuổi, khoảng 10,3 triệu người, chiếm trên 10,7% dân số; Đồng bào các dân tộc thiểu số, hơn 14,1 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số; Đồng bào tín đồ các tôn giáo, trên 25,3 triệu người, chiếm trên 26,3% dân số; Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khoảng 4,5 triệu người sinh sống và làm việc ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 10 năm qua, thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; phong trào Cả nước đồng lòng, chung sức phòng, chống đại dịch Covid-19; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Kết quả của các phong trào, cuộc vận động lớn đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, tình hình các tầng lớp nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng nổi lên một số vấn đề mới cần phải quan tâm.
Thứ nhất, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang tồn tại 5 cái nhất: điều kiện khó khăn nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Do đó tác động một phần đến tâm tư, tình cảm và niềm tin của Nhân dân.
Thứ hai, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành cơ chế, pháp luật để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ ba, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng những vấn đề nổi lên về dân tộc, tôn giáo, những bất cập trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Một tiết mục tại Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019. |
Dự báo tình hình và đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Dự báo tình hình
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng lên, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Trong đó có 3 yếu tố có tính nguyên tắc bất di, bất dịch tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy: 1) Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh, là đường lối chiến lược, động lực cơ bản của Cách mạng Việt Nam; 2) Dân tộc Việt Nam là một, Nước Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi; 3) Lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay cũng đứng trước một số khó khăn, thách thức: 1) Các nhân tố bên ngoài: Mâu thuẫn, xung đột, cạnh tranh nước lớn; hoạt động tôn giáo cực đoan; dân tộc hẹp hòi, ly khai… có thể tác động đến xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; 2) Các nhân tố bên trong: Các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt hòng chia rẽ khối đại đoàn kết của chúng ta. Một số vụ việc tồn tại kéo dài chưa được giải quyết thấu đáo cùng với đời sống của một bộ phận Nhân dân gặp nhiều khó khăn có thể sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân; 3) Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn nguyên tính thời sự, không thể xem thường.
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Một là, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, khẩn trương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đánh giá đúng đắn tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay (nhận diện rõ những vấn đề bức thiết nổi lên của các giai cấp, thành phần xã hội, các tầng lớp nhân dân). Trên cơ sở đó nghiên cứu ban hành nghị quyết mới, xác định mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp chủ yếu tiếp tục củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện cho được những chủ trương mới: (1) Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ; (2) Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thực chất phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; (3) Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để luận giải, làm sâu sắc thêm một số nội dung như: Đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội dựa trên cơ sở nào, nội hàm của đoàn kết là gì, chỉ rõ những nhân tố bên trong, bên ngoài tác động trực tiếp đến thành tựu củng cố, tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chủ động đấu tranh, không để bị động, bất ngờ.
Bốn là, tập trung thực hiện hiệu quả 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 1) Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; 2) Vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước; 3) Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; 4) Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; 5) Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đoàn kết là sức mạnh nội sinh của một quốc gia dân tộc, là vốn quý, là tiềm lực quốc phòng, có tính chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần củng cố tăng cường, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhất định sẽ hiện thực hóa được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Đỗ Văn Chiến
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam