Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới

01/08/2018 - 04:08 PM
Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Thường vụ Thành ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố
 
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan của Quốc hội, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã lãnh đạp, chỉ đạo ổn định tổ chức, bộ máy, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên tập trung phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới cùng nỗ lực tham gia xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Đổi mới hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở
 
Thực hiện Nghị quyết số 15, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy, chú trọng trẻ hóa đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ và đổi mới hình thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở. Để công tác Mặt trận đạt hiệu quả cao, thành phố đã có kinh phí hỗ trợ cho Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Từ năm 2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP thành lập mới Hội đồng tư vấn Tổng hợp và Phân tích dư luận xã hội; tổ chức giao ban dư luận xã hội định kỳ, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc.
 
Nếu như trước đây, hoạt động của Mặt trận được thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực chung chung, dàn trải, thì nay đã xác định trọng tâm, trọng điểm nhằm tránh tình  trạng “trận nào cũng có mặt” nhưng không rõ việc. Để thực hiện phương châm đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP xác định phải bắt đầu từ cơ sở, từ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn và ý chí của người dân. Cùng với đó, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã cập nhật tình hình, kiến thức chung, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp. Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã làm việc với tất cả các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở quận, huyện từ đó chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị phối hợp để đưa công tác Mặt trận đạt kết quả cao hơn. Việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận được thông qua 3 kênh chính: Qua hệ thống cán bộ Mặt trận từ TP đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và khu dân cư; Thông qua các tổ chức thành viên, bằng chương trình thống nhất hành động; Thông qua các cá nhân tiêu biểu, những người có uy tín trong cộng đồng, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, tư vấn.
 
Xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân
 
Trong 10 năm qua, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tiếp tục củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động (CVĐ) được triển khai có hiệu quả: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hoạt động Vì người nghèo và công tác cứu trợ, cứu nạn...
 
 
Các đồng chí lãnh đạo TP dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2017 tại phường Sài Đồng, quận Long Biên
 
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trọng tâm bàn việc nâng cao chất lượng CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức hơn 84 nghìn Hội nghị đại biểu nhân dân tại các thôn, tổ dân phố; cấp phường, xã tổ chức 5.207 hội nghị, thu hút được các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia bàn việc xây dựng đời sống văn hóa, bàn việc của địa phương mình. Hội nghị đã phát huy dân chủ, ý thức trách nhiệm của người dân và trở thành nét đẹp, biểu thị cho tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương trong cộng đồng dân cư.
 
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh (thứ hai từ trái sang) thăm, tặng quà hộ nghèo huyện Đan Phượng
 
Triển khai có hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”, từ năm 2008 đến hết năm 2017, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp TP vận động được 408,582 tỷ đồng. Mặt trận các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Xây dựng và sửa chữa 19.870 căn nhà; hỗ trợ vốn sản xuất cho 33.793 hộ gia đình; giúp khám chữa bệnh cho hơn 21.700 người nghèo, tặng quà cho 63.015 học sinh nghèo và các hỗ trợ khác. Năm 2018, Mặt trận đang phối hợp với các cấp chính quyền triển khai thực hiện việc hỗ trợ xây, sửa nhà cho tất cả các hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thành phố. Đến nay, đã có 3.315/4.341 hộ nghèo, đạt 76,4% số hộ đã được xây sửa xong và đang xây sửa trên địa bàn Thành phố.
 

 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh (thứ hai từ phải sang) thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lương
 
Thực hiện đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp với chính quyền các cấp hỗ trợ xây, sửa hơn 8.200 nhà ở cho người có công với cách mạng, trị giá hơn 955 tỷ đồng. Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, nay là Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” được hơn 96,193 tỷ đồng; chi hỗ trợ bộ đội biên phòng trực chiến tại đảo Lý Sơn, đơn vị trực chiến trạm ra đa 550 Hải quân đảo Lý Sơn; ủng hộ các lực lượng bảo vệ biển, cảnh sát biển; hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại các đảo Len Đao, Tiên Nữ, Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa và hỗ trợ các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa...
 
 
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Trần Thanh Mẫn (thứ ba từ phải sang) và Chủ tịch Ủy ban MTTP Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh (thứ tư từ trái sang) trao nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình bà Trần Thị Ngữ
 
Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) đã được tập trung củng cố, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, triển khai hoạt động có hiệu quả, gắn với việc vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định, quy ước tại địa phương. Qua 10 năm, Ban TTND đã tổ chức giám sát được 66.869 cuộc, phát hiện 26.062 vụ việc vi phạm; kiến nghị giải quyết xử lý 24.854 vụ, số vụ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 22.472 vụ. Ban GSĐTCCĐ đã giám sát được 39.631 vụ việc, phát hiện 10.293 công trình, dự án vi phạm, kiến nghị khắc phục và xử lý vi phạm 908 vụ, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 1.203.923,4 m2 đất.
 
Đi đầu cả nước trong nhiều hoạt động
 
 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước trong thực hiện phản biện xã hội (PBXH). Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chế phối hợp PBXH với Thường trực HĐND, UBND Thành phố. Thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát, PBXH, góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện “Quy chế phối hợp tổ chức PBXH” giữa 3 cơ quan HĐND – UBND - UB MTTQ, MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã tích cực, chủ động sáng tạo và phối hợp với chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác PBXH theo quy định. Cấp ủy Đảng đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong tổ chức PBXH nói riêng và thực hiện quy chế phối hợp nói chung nhằm góp phần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định của chính quyền các cấp TP. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức 32 hội nghị PBXH vào các dự thảo, nghị  quyết, quy định, quyết định... của UBND TP trình các kỳ họp HĐND TP; cấp huyện tổ chức 194 hội nghị PBXH, cấp xã tổ chức 1.193 hội nghị PBXH với các nội dung thiết thực, cụ thể, được dư luận ủng hộ.
 
Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Đạo Islam, tôn giáo Baha’i, Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Giáo hội các Thánh hữu  ngày sau của Chúa Giêssu Kitô... với nhiều hành động, việc làm thiết thực. Việc phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, tín đồ tôn giáo về vấn đề này, từ đó thay đổi thói quen, hành vi giữ gìn, BVMT sống cho chính mình và cộng đồng, xã hội. Tại Hội nghị sơ kết hoạt động năm 2017 và thống nhất nội dung triển khai hoạt động năm 2018 của Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức), Hà Nội được đánh giá là một trong các tỉnh, thành phố có nhiều mô hình tiêu biểu của đồng bào có đạo trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên Mặt trận đã đạt được một số kết quả nổi bật, có những đóng góp tích cực vào thành công chung của Thủ đô.
 
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP không ngừng xây dựng và củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, thành phố Vì hòa bình, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước.
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020