Sáng ngày 5/12, Quận ủy, HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hà Đông trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập Hà Đông (6/12/1904 - 6/12/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân quận Hà Đông.
Đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Quang Nghị - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy; Nguyễn Tiến Hưng - Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương; Nguyễn Thị Tuyến - UVTW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Thị Lan Hương- Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cùng các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các Sở, ngành, quận huyện của thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tây, thành phố Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo thị xã Hà Đông, quận Hà Đông qua các thời kỳ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết: Hà Đông là vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội. Đây là vùng đất có vị trí trọng yếu về kinh tế - xã hội, có truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời; nơi hội tụ, hòa quyện văn hóa xứ Đoài và Tràng An với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cách đây vừa tròn 120 năm, Phủ Đơ nay là quận Hà Đông được thành lập; đây là sự kiện lớn, dấu mốc quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Đông. Ngược dòng lịch sử, trở về thời kỳ Bắc thuộc, đất Hà Đông thuộc Giao Chỉ. Sau khi nước nhà giành nền độc lập tự chủ, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, đất Hà Đông thuộc lộ Đại La Thành. Thời hậu Lê, vùng đất Hà Đông thuộc Sơn Nam thừa tuyên và Sơn Tây thừa tuyên. Từ năm 1831 đến 1896, vùng đất Hà Đông thuộc tỉnh Hà Nội. Chính quyền thực dân tiến hành phân chia lại địa giới hành chính các đơn vị trên lãnh thổ Việt Nam. Tại Nghị định ngày 26/12/1896, toàn quyền Đông Dương quyết định: “Trụ sở của tỉnh Hà Nội được chuyển từ Hà Nội đến Cầu Đơ". Ngày 03/5/1902, toàn quyền Đông Dương ký quyết định thứ 2 “Tỉnh được thành lập tại Bắc Kỳ do Nghị định ký ngày 26/12/1896 được gọi tên là Tỉnh Cầu Đơ". Ngày 6/12/1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ghi: “Tỉnh Cầu Đơ, được gọi là tỉnh Hà Đông"… “Thị Trấn của Tỉnh cũng được mang tên Hà Đông". Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, từ những tổ chức quần chúng cách mạng ra đời năm 1930, những Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào năm 1938, 1939 ở La Cả, Vạn Phúc, Yên Lộ, La Khê, những “làng đỏ", “an toàn khu" đã nuôi giấu, bảo vệ nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc Kỳ cùng các cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt… Cách mạng tháng Tám vừa thành công, thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến" do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại làng Vạn Phúc ngày 19/12/1946, Đảng bộ và quân dân Hà Đông đã nhất tề đứng lên cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ với quyết tâm và niềm tin vững chắc vào thắng lợi.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân dân Hà Đông đã đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị tiếp quản; công tác địch vận, đấu tranh làm thất bại âm phá hoại của địch. Ngày 6/10/1954, Hà Đông được hoàn toàn giải phóng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với thế hệ trẻ cả nước hàng ngàn thanh niên Hà Đông đã tòng quân lên đường “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước". Nhân dân Hà Đông đã “Vững tay cày, tay búa; chắc tay súng" lao động với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai", “Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã góp phần cùng nhân dân cả nước đập tan âm mưu xâm lược của Đế quốc.
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn được giải phóng, Hà Đông lại cùng với các địa phương khác tiếp tục đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, tiếp tục thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng xã hội XHCN trên phạm vi cả nước. Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 6 của Đảng, Hà Đông đã phát huy được các thế mạnh, có nhiều tiến bộ vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân được cải thiện, Hà Đông ngày càng mang dáng vóc của đô thị hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Hà Sơn Bình, tỉnh Hà Tây. Từ năm 2003 đến 2008, thực hiện Nghị định của chính phủ, sau 8 lần sáp nhập mở rộng địa giới hành chính; Hà Đông trở thành quận nội đô của Thành phố Hà Nội, với tổng diện tích hiện nay là 49,64 km2, dân số trên 46 vạn người, với 17 đơn vị hành chính phường, 257 tổ dân phố.
Nhìn lại hành trình 120 năm thành lập, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử; tinh thần đoàn kết, yêu nước, cách mạng của nhân dân Hà Đông đã trở thành một trong những giá trị truyền thống cao quý nhất, bền vững nhất. Và cũng chính tinh thần yêu nước nồng nàn ấy là kim chỉ nam, là bệ phóng vững chắc, đem lại một sức mạnh to lớn, thúc đẩy nhân dân Hà Đông vững bước tiến lên. Hiện nay, Hà Đông là vùng đất giàu tiềm năng, đang vươn mình trở thành đô thị hiện đại, phát triển nhanh, mạnh và toàn diện. Những kết quả đạt được luôn gắn liền với sự trưởng thành, không ngừng lớn mạnh của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở. Từ một Chi bộ chỉ có trên 10 đảng viên sau ngày giải phóng, đến nay Đảng bộ Quận đã có 86 tổ chức cơ sở Đảng với gần 23.000 đảng viên. Quá trình đó gắn liền với xây dựng Đảng bộ, chính quyền Hà Đông thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Quận Hà Đông đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17, Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ 21; 10 chương trình công tác của Thành ủy; 06 chương trình, đề án của Quận ủy. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Văn hóa xã hội phát triện toàn diện và đồng bộ; Y tế, Giáo dục đào tạo luôn được quan tâm chăm lo; an sinh xã hội được đảm bảo với nhiều giải pháp và đề án đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
Hệ thống chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn; năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành được nâng lên; đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành, tiết kiệm chống lãng phí được tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Xác định công tác cán bộ là khâu trọng yếu nên Đảng bộ quận đề ra nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ… đã góp phần củng cố, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức quận giỏi về chuyên môn, vững vàng về tư tưởng chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng cao; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ Quận đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế. Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 2002, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Đông. Hà Đông đã có trên 5.527 lượt tập thể và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương. Đảng bộ và Nhân dân Hà Đông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đ/c Nguyễn Ngọc Tuấn - PBT Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP phát biểu tại buổi lễ.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội của quận Hà Đông tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân, xây dựng quận Hà Đông ngày càng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết đại hội 17 Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội 21 Đảng bộ quận Hà Đông; đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác quản lý, xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị; tiếp tục ưu tiên, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của quận và thành phố. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường; phát động các phong trào để huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Ba là, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, gắn với các sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP của địa phương. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tích cực quảng bá, giới thiệu, liên kết với địa phương để phát triển du lịch kết hợp với phát triển làng nghề truyền thống.
Bốn là, tiếp tục quan tâm các lĩnh vực văn hoá, xã hội; duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở trọng tâm là tăng cường công tác y tế dự phòng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa.
Năm là, tập trung công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số; duy trì kỷ luật, kỷ cương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chung sức, đồng lòng, xây dựng quê hương Hà Đông ngày càng phát triển.
MTTQ Hà Đông