PV: Thưa bà, năm 2023 có nhiều dấu ấn nổi bật trong hoạt động của Mặt trận các cấp Thủ đô như: tổ chức thành công hội thi cán bộ Mặt trận giỏi các cấp, lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn thành phố... Xin bà cho biết cụ thể hơn những đổi mới trong công tác Mặt trận thời gian qua để làm nên thành công đó?
Bà NGUYỄN LAN HƯƠNG: Nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ Việt Nam là phát huy vai trò trong xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức sáng tạo và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong nhân dân; bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động để nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố Hà Nội. Vì vậy, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nắm bắt dư luận nhân dân, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đổi mới thông tin, tuyên truyền, nắm tình hình nhân dân và dư luận xã hội theo hướng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, người có uy tín, các vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các vị trong Hội đồng tư vấn.
Bên cạnh đó, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy hiệu quả Trang thông tin điện tử, vận hành trang cộng đồng Fanpage trong toàn hệ thống, qua đó, thông tin kịp thời, chính xác, tiếp cận rộng rãi, nhanh chóng đến mọi thành phần, tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, MTTQ các cấp còn đổi mới, sáng tạo trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường ký kết các Chương trình phối hợp với UBND thành phố, các tổ chức, các sở, ban, ngành, phân công rõ nhiệm vụ, phát huy thế mạnh của từng tổ chức, đơn vị để cùng thực hiện các nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác. Công khai, minh bạch trong công tác tiếp nhận, sử dụng kinh phí ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ và các chương trình an sinh xã hội, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, tạo niềm tin, lan tỏa sâu rộng tinh thần tương thân, tương ái trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố.
Điểm mới nữa trong năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thi Trưởng Ban Công tác Mặt trận giỏi tại 4 cấp với 4.843 thí sinh tham gia. Hội thi là điểm nhấn mang tính đột phá, tạo dấu ấn rõ nét của sự đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, nhất là Trưởng ban Công tác Mặt trận trong việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân.
Nhờ đổi mới phương thức hoạt động nên công tác an sinh xã hội trong năm 2023 vừa qua đã đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình chăm lo, hỗ trợ người nghèo. Xin bà chia sẻ kinh nghiệm và cách làm của hệ thống Mặt trận Thủ đô?
- Cùng với việc xây dựng kế hoạch triển khai, vận động, sử dụng Quỹ Vì người nghèo và triển khai đến các cấp, Ủy ban MTTQ các cấp thành phố Hà Nội xác định, phải thay đổi cách thức vận động để tranh thủ tối đa các nguồn lực ủng hộ. Đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; đưa ra những địa chỉ cụ thể cần giúp đỡ, lan tỏa những việc làm tốt để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân cùng đồng hành, tham gia việc làm ý nghĩa này.
Đặc biệt, nguồn lực vận động được cũng như quá trình trao hỗ trợ đến các địa chỉ khó khăn được Mặt trận tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi không chỉ vận động ủng hộ bằng tiền mà còn tiếp nhận sản phẩm của các doanh nghiệp để chuyển tới người nghèo.
Thành phố Hà Nội hiện còn 16.525 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để cùng với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, Ủy ban MTTQ thành phố đã và đang hướng dẫn MTTQ các địa phương tập trung rà soát hộ nghèo, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, hình thức hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo một cách cụ thể; tiếp tục vận động xã hội hóa nguồn lực để trợ giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
Với cách làm này, năm 2023, Quỹ Vì người nghèo thành phố Hà Nội đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ trên 50 tỷ đồng (tăng 165% so với năm 2022). Từ nguồn Quỹ này, thành phố đã trích trên 29 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Chăm lo, bảo đảm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có Tết yên vui, đầm ấm là nhiệm vụ thường niên của MTTQ các cấp mỗi dịp xuân về. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, MTTQ thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên đã có những hoạt động gì để hướng về người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, thưa bà?
- Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với phương châm “không để người dân nào gặp khó khăn mà không được quan tâm, tặng quà”, bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách của thành phố, Ủy ban MTTQ các cấp thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia” để thăm hỏi và trao tặng các suất quà Tết cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có đông nhân khẩu, có người già, ốm đau, bệnh tật; trẻ em, đoàn viên, hội viên ở cơ sở có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo đó, hỗ trợ đợt 1 trên 30.000 suất quà trị giá trên 16 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia” tại huyện Ứng Hòa và trao tặng 4.239 suất quà Tết trị giá trên 2,5 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người mù, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Trân trọng cảm ơn bà!
TUỆ PHƯƠNG