Sáng ngày 18/6/2019, tại trụ sở quận Tây Hồ, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ tổ chức hội nghị phản biện xã hội (PBXH) vào dự thảo thảo Đề án “Tăng cường công tác Văn thư – Lưu trữ trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2019-2021” của UBND quận trình tại kỳ họp thứ 7 HĐND quận
sẽ họp vào ngày 26, 27, 28/6/2019.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Trần Lan Hương- UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận; Nguyễn Đình Khuyến- QUV, Phó Chủ tịch UBND quận; đại diện Ban Dân vận; các thành viên Ban tư vấn, các chuyên gia, một số cá nhân tiêu biểu và đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường; Trần Quang Đạo – UVTV, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận.
Căn cứ vào các văn bản pháp luật hướng dẫn của Chính Phủ, UBND thành phố Hà Nội về công tác Văn thư - Lưu trữ và căn cứ tình hình thực tế của quận, các thành viên Ban tư vấn, chuyên gia, cá nhân tiêu biểu của MTTQ Việt Nam quận đã tập trung nghiên cứu văn bản, nắm bắt tình hình thực tế; những vấn đề còn tồn tại về công tác văn thư – lưu trữ địa bàn quận để tham gia ý kiến đóng góp nhằm đánh giá toàn diện, xem xét tính khả thi của Đề án giúp cho Ủy ban nhân dân quận, HĐND quận quyết định phù hợp với yêu cầu và thực tế của quận.
Tại hội nghị, đã có 6 lượt ý kiến và 10 bài tham gia góp ý, PBXH chất lượng, xây dựng, trách nhiệm cao. Các đại biểu đã ghi nhận bản dự thảo Đề án của UBND quận đã đáp ứng được tính cấp thiết, yêu cầu của thực tế. Nội dung đã nêu được thực trạng công tác Văn thư Lưu trữ chưa được các cấp, các ngành chưa quan tâm, đầu tư thỏa đáng; còn nhiều bất cập và việc lưu trữ, khai thác, sử dụng văn bản trong thực tế còn rất hạn chế; 8/8 phường chưa được đầu tư về kho lưu trữ; các phòng, ngành chuyên môn của UBND quận mới chỉ thực hiện được 1 phần công tác lưu trữ.
Tuy nhiên, trong dự thảo Đề án còn thiếu căn cứ, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn; phần căn cứ pháp lý còn một số văn bản đã hết hiệu lực và thiếu văn bản của quy định của TP; thiếu đánh giá và dự toán, xây dựng về Kho, trang thiết bị để lưu trữ, bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ; thiếu đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác Văn thư – Lưu trữ của quận và UBND các phường. Phần cơ sở thực tiễn khảo sát còn chưa đầy đủ, kỹ lưỡng tại các đơn vị, số liệu dự kiến đầu tư tại các đơn còn có sự khác nhau khá nhiều. Các chuyên gia, cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, chưa hợp lý, thiếu cơ sở và chưa có tính khả thi cao và đề nghị UBND quận cần nghiên cứu, tính toán và khảo sát kỹ tình hình thực tế để Đề án có tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã đề nghị UBND quận cung cấp các tài liệu liên quan gửi đến các thành viên Ban tư vấn: Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường đã tổ chức góp ý, phản biện tại địa phương và tranh thủ ý kiến của các chuyên gia Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch đầu tư; Chi cục Văn thư - Lưu trữ TP; Sở Thông tin và truyền thông và Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Thanh Tùng – QUV, Trưởng Phòng Nội vụ quận đã tiếp thu, giải trình một số nội dung về việc tổ chức, khảo sát thực tế về việc xây dựng Đề án của UBND quận. Đồng thời, tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình kỳ họp thứ 7, HĐND quận khóa V.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, thay mặt lãnh đạo quận phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Anh Tuấn thay mặt lãnh đạo quận cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội nghị và yêu cầu UBND quận tiếp thu và bổ sung, điều chỉnh Dự thảo Đề án và đề nghị cần thống nhất giữa 3 cơ quan Thường trực HĐND – UBND- Ủy ban MTTQ về nội dung dự thảo Đề án trước khi trình HĐND quận. Đồng chí cũng đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận tiếp tục phát huy vai trò, chức năng góp ý, phản biện xã hội của mình để tiếp tục đóng góp ý kiến, giúp cho Chính quyền ban hành văn bản có chất lượng, khả thi.
NTL - Tây Hồ