Ngày 29/01/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ trì hội nghị có các đồng chí Đàm Văn Huân, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Sỹ Trường, – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.
Đ/c Đàm Văn Huân- Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phát biểu tại HN
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở, Ban, ngành Thành phố, cán bộ, chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã. Tại hội nghị, đồng chí Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã phổ biến hướng dẫn Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội, gồm 5 bước:
Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, được thực hiện từ 03/02 đến ngày 17/02/2021, phấn đấu hoàn thành trước ngày 09/02/2021- Trước Tết Nguyên đán.
Bước 2: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, từ ngày 24/02 đến ngày 11/3/2021. Theo đó, chậm nhất là 17h00, ngày 14/3, người ứng cử ĐBQH phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH tại Ủy ban bầu cử TP. Chậm nhất là 17h00, ngày 14/3, người ứng cử HĐND thành phố phải nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử thành phố và người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, xã phải nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử.
Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, từ ngày 15/3 đến ngày 19/3/2021.
Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, từ ngày 21/3 đến ngày 13/4/2021. Theo đó, đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND và phải đảm bảo số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải đảm bảo có ít nhất 55 cử tri tham dự thội nghị.
Đáng chú ý, chậm nhất là ngày 13/4/2021, việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND phải được tiến hành xong.
Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, từ ngày 14/4 đến ngày 18/4/2021. Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Chậm nhất là ngày 23/4/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ 3 và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH đến Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban bầu cử thành phố, theo quy định tại khoản 3, Điều 49 và khoản 2 Điều 57 của Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu HĐND.
Đối với việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND. Chậm nhất là ngày 23/4/2021, Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp huyện, cấp xã được gửi đến Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số vấn đề vướng mắc, phát sinh, những khó khăn trong quá trình triển khai công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 về các nội dung: thành phần tham dự hội nghị; cách thức tổ chức các hội nghị trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phải đảm bảo an toàn tuyệt đối; hiệu lực, hiệu quả và nề nếp hoạt động của HĐND; công tác kiểm tra, giám sát…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Đàm Văn Huân đã tiếp thu, giải đáp các ý kiến của đại biểu và nhấn mạnh sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp ngay mọi ý kiến của các đơn vị.
Nguyễn Thị Thanh Vân - Ban DC-PL