Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Công văn số 257/HĐND-VP ngày 25/5/2018 của Đảng đoàn HĐND TP Hà Nội đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức phản biện xã hội trước kỳ họp lần thứ VI của HĐND Thành phố, nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 18/6/2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội (PBXH) với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về việc “Quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường cho người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hà Nội”.
Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Hồng Khanh - UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà; Lê Hồng Sơn - UVTV, Phó Chủ tịch UBND TP; Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP; Dương Cao Thanh - Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP; Nguyễn Kim Hoàng – Phó ban Dân vận Thành ủy; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên Môi trường; các nhà khoa học, chuyên gia và quản lý trong lĩnh vực môi trường; lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam một số quận, huyện, thị xã; Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn các xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; 3 xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.
Toàn cảnh hội nghị
Trước khi tổ chức hội nghị PBXH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã thành lập đoàn khảo sát thực tế do đồng chí Dương Cao Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP làm Trưởng đoàn cùng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường, thành viên các hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, đại diện các sở, ban, ngành TP…khảo sát tại khu xử lý chất thải Nam Sơn huyện Sóc Sơn và khu xử lý chất thải Xuân Sơn thị xã Sơn Tây.
Đồng chí Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm HĐTV dân chủ - pháp luật tham gia đóng góp ý kiến
Tại 2 đoàn khảo sát này, đoàn đã nghe 40 ý kiến nhận xét, đánh giá, thảo luận và những kiến nghị của các cơ quan, đơn vị và người dân bị ảnh hưởng.
Tại hội nghị phản biện, có13 ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp, các đại biểu đều nhất trí việc HĐND TP ban hành Nghị quyết thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với người dân tại vùng bị ảnh hưởng. Hà Nội là đơn vị duy nhất thực hiện hỗ trợ; việc hỗ trợ là rất cần thiết, giảm bớt một phần gánh nặng về tài chính của người dân trong vùng bị ảnh hưởng môi trường. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu ra những kiến nghị cần phải triển khai như: căn cứ vào thực tiễn, đề nghị thành phố nên có quan trắc khảo sát thực tế cụ thể môi trường để có căn cứ thực hiện hỗ trợ, mở rộng phạm vi hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường; xác định mức độ ô nhiễm để có cơ sở tăng mức hỗ trợ; công khai mức độ ô nhiễm để nhân dân giám sát; nghiên cứu phạm vi ảnh hưởng theo vùng, theo thôn, thửa đất; bổ sung quy mô bãi rác hiện nay và đầu tư các công trình phúc lợi, thực hiện chính sách đồng bộ đối với người dân vùng bị ảnh hưởng.
Đa số các đại biểu đều cho rằng mức hỗ trợ mà Nghị quyết đề ra còn thấp, chưa bù đắp thỏa đáng những thiệt thòi của người dân vùng bị ảnh hưởng môi trường, trước mắt đề nghị hỗ trợ người dân gấp 2 lần hoặc 5 lần so với dự thảo, hỗ trợ đất nông nghiệp lên 1,5 lần, 2 lần hoặc 5 lần so với dự thảo; Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây Hà Việt Phong, mức hỗ trợ của những người dân ở và sản xuất, canh tác thì phải nâng lên so với những người chỉ ở và lao động ở nơi khác.
Bên cạnh đó, để Nghị quyết ban hành sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu cũng góp ý Nghị quyết nên lấy chủ thể “người dân” là trung tâm; các cơ sở pháp lý và thực tiễn để làm căn cứ quy định mức hỗ trợ; nên quy định vùng ảnh hưởng theo phạm vi hành chính chứ không nên theo phạm vi cơ học (mét, kilômét); bổ sung đối tượng hỗ trợ là các học viên ở trại cai nghiện (thị xã Sơn Tây)…Nhân dịp này, một số đại biểu cũng đề nghị TP chỉ đạo các Sở ngành trong giải quyết các kiến nghị của những hộ dân trong vùng ảnh hưởng môi trường.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện của đại biểu về đối tượng được hưởng mức hỗ trợ, xác định vùng bị ảnh hưởng, về thời gian thực hiện Nghị quyết… Đặc biệt, về mức hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng, MTTQ TP đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường và các sở ngành liên quan cân nhắc, tính toán để nâng mức hỗ trợ cho người dân; có hệ thống quan trắc môi trường thường xuyên để mở rộng phạm vi hỗ trợ vùng ảnh hưởng; Đề nghị TP tăng mức hỗ trợ nước sạch từ 3m3 lên 5m3/người/tháng; Đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường kiểm tra để bổ sung các nội dung về di dân, nước sạch, y tế, hạ tầng khu vực xử lý chất thải rắn, để đảm bảo cuộc sống của người dân.
Nguyễn Thị Thanh Vân