Vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
|
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo số lượng danh sách hiệp thương cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX - Ảnh minh họa - Nguồn TTXVN |
Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên của Mặt trận tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình”1.
Trong các nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, hiệp thương dân chủ là nguyên tắc trung tâm, xuyên suốt, thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, thực hành dân chủ và xây dựng thành công khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, trong tổ chức và hoạt động Mặt trận Tổ quốc thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ nhằm tập hợp và phát huy các lực lượng trong xã hội hướng vào mục tiêu chung.
Mục tiêu của nguyên tắc hiệp thương dân chủ là tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động của các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc. Về tính chất của hiệp thương dân chủ là tự do tư tưởng, tôn trọng lẫn nhau, thống nhất trong đa dạng trên cơ sở nhận biết và tôn trọng sự khác biệt, cùng nhau trao đổi hướng tới đồng thuận vì lợi ích chung. Mọi thành viên đều bình đẳng và độc lập thể hiện chính kiến của mình, không quy chụp, mệnh lệnh, áp đặt dưới mọi hình thức.
Cái cốt lõi và cũng là thước đo của hội nghị hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thực hành dân chủ, phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm đại diện của mọi thành viên, thuyết phục lẫn nhau, hướng tới sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động vì lợi ích chung.
Về ý nghĩa của hiệp thương dân chủ là tính xã hội rộng rãi, tập hợp đông đảo mọi lực lượng, giai tầng xã hội trong vai trò liên minh chính trị. Thực tiễn cho thấy, do liên minh mà cần phải hiệp thương, hiệp thương dân chủ mới giữ được sự tồn tại của liên minh một cách thực chất. Vì vậy, có thể hiểu hiệp thương trong hoạt động của Mặt trận là cùng thảo luận, bàn bạc để đi tới chỗ cùng thống nhất về một số vấn đề, hoặc chủ trương nào đó do Mặt trận khởi xướng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện nhiệm vụ chủ trì hiệp thương dân chủ
Nội dung chủ yếu của hiệp thương dân chủ trong Mặt trận bao gồm: Giới thiệu và hiệp thương ứng viên vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cử các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Xây dựng Chương trình hành động toàn khóa và Chương trình phối hợp, thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp. Quyết định tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Ngoài ra, Mặt trận cần hiệp thương một số nội dung khác như: Nhiệm vụ tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội...
Hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa là nguyên tắc tổ chức vừa là phương thức hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong lịch sử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đều sửa đổi Điều lệ, nhưng hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động vẫn là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trước đến nay, đều ghi nhận rõ về nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động với ý nghĩa là một nguyên tắc đặc thù nhất của tổ chức Mặt trận.
“Hiệp thương dân chủ” là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong tổ chức, sinh hoạt của Mặt trận các cấp. Theo đó, các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ việc đề ra chương trình phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên, đến việc tổ chức thành lập các cơ quan lãnh đạo của Mặt trận các cấp đều được thực hiện trên tinh thần bàn bạc, nhất trí.
Trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp và thống nhất hành động có tầm quan trọng đặc biệt. Tính chất đặc thù về tổ chức của Mặt trận thể hiện ở chỗ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải là một tổ chức đơn nhất, mà là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của nhiều tổ chức và các cá nhân tiêu biểu.
Các tổ chức thành viên vẫn giữ tính độc lập của mình khi tham gia là thành viên của Mặt trận. Tính độc lập về tổ chức của các tổ chức thành viên của Mặt trận thể hiện ở chỗ: Mỗi tổ chức đều có hệ thống tổ chức, bộ máy cán bộ chuyên trách riêng, có điều lệ riêng, ngân sách hoạt động riêng... Tuy có sự độc lập như vậy, nhưng khi tham gia vào các chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận, các tổ chức thành viên cũng đồng thời tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phối hợp và thống nhất hành động cho phép các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ được tính độc lập của mình khi thực hiện Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chương trình chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giữa hiệp thương dân chủ với phối hợp và thống nhất hành động có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hiệp thương dân chủ luôn đi trước, mở đường cho phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận. Thực tiễn cho thấy, trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiệp thương dân chủ là tiền đề để nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động được thực thi có kết quả trong thực tế, nếu tách rời hiệp thương dân chủ và phối hợp, thống nhất hành động thì sự phối hợp và thống nhất hành động sẽ chỉ là hình thức.
Một là, thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong việc cử nhân sự tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cử các chức danh lãnh đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Việc giới thiệu và hiệp thương nhân sự tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp: Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp là cơ quan hiệp thương cao nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó, nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của cấp mình và hiệp thương thông qua Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới.
Việc lựa chọn người để Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương cử làm Ủy viên Ủy ban chủ yếu dựa trên sự giới thiệu, hiệp thương (hay tiến cử) của ngành, của giới, của các dân tộc... Trường hợp người được giới thiệu không đủ điều kiện làm Ủy viên thì có thể không hiệp thương để cử người đó vào Uỷ ban. Hội nghị Uỷ ban Trung ương lần thứ nhất thực hiện hiệp thương dân chủ cử ra Đoàn Chủ tịch trong số các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Việc cử các chức danh lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp: ở Trung ương gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ở địa phương gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trên cơ sở dự kiến phân công, giới thiệu nhân sự của cơ quan có thẩm quyền và Ban Thường trực cùng cấp trong số các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch (ở Trung ương), trong số các Ủy viên Ủy ban (ở địa phương) thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ thảo luận, hiệp thương dân chủ và biểu quyết bằng hình thức giơ tay để cử vào các chức danh trong Ban Thường trực. Trường hợp hội nghị không thống nhất được mới dùng phương thức bầu bằng phiếu kín.
Hai là, thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong xây dựng chương trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc xây dựng Chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp được tiến hành hiệp thương dân chủ tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các đại biểu tham dự Đại hội hoàn toàn bình đẳng, dân chủ khi nêu các vấn đề, sau khi thống nhất sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Chương trình hành động toàn khóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp.
Hiệp thương xây dựng Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm. Trên cơ sở Chương trình hành động toàn khóa, Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường kỳ có nhiệm vụ thảo luận dân chủ để thống nhất triển khai thực hiện trong năm.
Ba là, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trong việc tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Việc tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động, thực chất là cụ thể hoá Chương trình hành động toàn khoá và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khi các tổ chức thành viên hiệp thương dân chủ trong việc đề ra các phong trào, các cuộc vận động thì các phong trào, các cuộc vận động ấy sẽ được triển khai tích cực trong các tổ chức thành viên và sự phối hợp, thống nhất hành động sẽ được thực hiện một cách tự giác giữa các thành viên.
Quá trình triển khai các nội dung của cuộc vận động, phong trào, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo các tổ chức thành viên để hiệp thương phân công thực hiện, có văn bản phân công nhiệm vụ đối với từng tổ chức thành viên thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức.
Ở nhiều địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động Nhân dân huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; chăm lo, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách...
Bốn là, hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ở cấp Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Ở địa phương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Quá trình hiệp thương của Đoàn Chủ tịch và của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương cũng hoàn toàn dựa trên nguyên tắc hiệp thương dân chủ. Chỉ những người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thông qua hiệp thương dân chủ mới được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ngoài các hoạt động chủ yếu thực hiện hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động như đã nêu trên, một số nội dung nhiệm vụ quan trọng khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần có sự hiệp thương và phối hợp thống nhất hành động trong quá trình thực hiện, đó là: Nhiệm vụ tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội...
Giải pháp nâng cao vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để Mặt trận thực hiện tốt vai trò này.
Hai là, xây dựng kế hoạch chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Phát huy vai trò của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là cơ quan thường trực chủ trì, đầu mối phối hợp trong hiệp thương, thống nhất hành động giữa các thành viên. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch phối hợp hành động.
Trong xây dựng Chương trình hành động nhiệm kỳ, cần phải có vai trò hiệp thương, tham gia góp ý của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khác. Khi xây dựng Chương trình phối hợp và thống nhất hành động cần phải quán triệt sâu sắc cơ chế hiệp thương dân chủ; theo đó, cần có sự trao đổi, bàn bạc của các tổ chức thành viên trong Mặt trận để phát huy trí tuệ, sự đồng thuận của cả khối Mặt trận, tránh việc thảo luận mang tính hình thức.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp động viên sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên, đồng thời bảo đảm nguyên tắc tôn trọng tính độc lập của các tổ chức thành viên trong tổ chức các hoạt động.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận chủ động, tích cực đề xuất các nội dung thảo luận, phối hợp triển khai thực hiện. Các tổ chức thành viên thực hiện đúng đắn quyền và trách nhiệm của thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần tích cực, chủ động sáng tạo trong tham gia thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ba là, xác định các nhiệm vụ cụ thể trong chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Hội nghị hiệp thương phải thể hiện không khí dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực Hội đồng nhân dân; về dự kiến cơ cấu, số lượng, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử và yêu cầu về nâng cao chất lượng, cơ cấu, tính đại diện của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải được tổ chức nghiêm túc, dân chủ, theo quy định của pháp luật, thể hiện sự thống nhất cao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc thảo luận, lựa chọn, thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú trên địa bàn. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cư trú trên địa bàn.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử; cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình triển khai công tác bầu cử; tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương về khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đối với địa phương và đề xuất phương án giải quyết kịp thời.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bốn là, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức thành viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình thực hiện chủ trì hiệp thương dân chủ.
Cần quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tổ chức thành viên tham gia Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trách nhiệm của tập thể lãnh đạo các tổ chức thành viên trong thực hiện vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ.
Xác định các tiêu chí đánh giá hoạt động của các Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và quá trình diễn ra các hội nghị hiệp thương dân chủ.
Năm là, tăng cường các nguồn lực để phát huy vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Cần tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện và cơ chế cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát huy vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Chú thích:
1. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 17, 18.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
2. Luật số 75/2015/QH13, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Luật số 85/2015/QH13, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
4. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX thông qua ngày 20/9/2019).
5. Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14 CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
6. Thông tri số 13/TT-MTTQ-BTT ngày 19/1/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
* LÊ MẬU NHIỆM - Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và
Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
** LÊ MINH HÀ - Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.