Về nơi thắm tình hữu nghị

18/04/2014 - 09:22 AM
1. Địa danh này có tên là xóm Việt Phi, thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội). Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) đã có hàng trăm lính Pháp, trong đó chủ yếu là người gốc châu Phi đã chạy sang phía quân đội Việt Nam. Sau đó, những hàng binh này được Đảng và Chính phủ Việt Nam đối xử rất nhân đạo. Sau năm 1954, Chính phủ thành lập nông trường Việt Phi tại đây cũng là để cho trên 300 lính gốc Phi và hơn 200 người Việt Nam cùng làm việc. 



Chiếc cổng lịch sử ghi dấu tình hữu nghị 

Công nhân nông trường nuôi bò sữa, trồng mía, ngô khoai, cấy lúa, tạo nên một mô hình kinh tế tổng hợp rất hiệu quả. Những người lính gốc Phi có kinh nghiệm nuôi bò sữa đã nhanh chóng đưa nông trường Việt Phi trở thành trung tâm bò sữa lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Đã có nhiều người lính gốc Phi lấy vợ Việt Nam, hàng chục "gia đình hữu nghị” được hình thành. 

Sau này đa số những người công nhân gốc Phi đã hồi hương cùng với vợ con, một số người không thể rời bỏ quê hương thì chọn cách ở lại. Hàng năm, những người từng làm việc tại nông trường Việt Phi vẫn họp mặt, họ kể lại những kỷ niệm làm việc với những người lính da đen với một tấm lòng trân trọng và quý mến.

2. Bước vào xóm Việt Phi ngày nay vẫn còn thấy một cánh cổng xóm được chính những người lính gốc Phi xây dựng theo kiến trúc châu Phi. Cánh cổng này hiện đã được bảo vệ như một chứng tích hữu nghị giữa người Việt Nam với những người lính Pháp gốc châu Phi của một thời đã đi vào lịch sử. 

Cụ Nguyễn Xuân Đông năm nay 80 tuổi, từng làm công nhân chung với những người lính gốc Phi nhớ lại: Những người lính gốc Phi rất chịu thương chịu khó, làm việc rất khỏe, không bao giờ kêu ca điều gì. Họ rất yêu thương vợ con, luôn giúp vợ trong mọi công việc gia đình…

Xóm Việt Phi hiện có 185 gia đình, đây là một khu dân cư yên bình giữa một vùng trung du xanh mướt mát. Bà con chủ yếu nuôi bò sữa. Những khu đất đồi mầu mỡ được bà con trồng cỏ voi cho bò ăn quanh năm. Gia đình ông Cao Văn Dũng hiện nuôi 17 con bò sữa cho biết: Nuôi bò sữa cho thu nhập cao hơn trồng lúa rất nhiều. Một con bò sữa mỗi ngày cho 10 lít sữa thì mỗi tháng có lãi 2 triệu đồng. Con bò sữa đã đem lại cuộc sống ấm no đầy đủ cho bà con trong khu dân cư này từ nhiều năm nay. 



Thẳng tắp những con đường xanh mướt cỏ voi

3. Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây xựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được những người làm công tác Mặt trận tập trung vận động nhân dân giúp nhau làm ăn kinh tế, mà chủ yếu là nuôi bò sữa. Những người hàng xóm gặp nhau thường trao đổi kinh nghiệm phòng bệnh cho bò, làm vệ sinh chuồng trại, bảo quản sữa, cách trồng cỏ voi…Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trong khu dân cư này hiện không còn gia đình nào thuộc diện nghèo nữa, đó có thể xem như là một hiện tượng nơi miền trung du này.

Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Việt Phi cho biết: 100% gia đình trong khu dân cư đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Phải chăng đây cũng là điều mơ ước ở những khu dân cư khác. 

"Chẳng có bí quyết gì đâu. Xưa nay chúng tôi sống với nhau rất tình cảm, không hiểu có phải dư âm một thời từ những gia đình "hữu nghị” mà tới hôm nay mọi người vẫn đối xử với nhau rất tình nghĩa. Gia đình nào cũng yêu thương nhau. Nhiều năm rồi trên địa bàn không có một đôi vợ chồng nào bỏ nhau, không xảy ra bất cứ vụ việc mâu thuẫn hay vi phạm pháp luật. Bình yên từ gia đình đến khu dân cư. Đấy chính là bí quyết để xây dựng gia đình văn hóa”, ông Hải chia sẻ. 

Đi theo những con đường dân sinh mướt mát cỏ voi, những ngôi nhà lấp ló trong những vườn cây ăn quả, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp của một miền đất yêu thương…

Lê Tự - báo Đại Đoàn Kết
Các tin tức khác

Vui ngày hội kết đoàn năm 2023

14/11/2023 - 11.784 lượt xem
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020