Để làm tốt công tác xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn
Thủy- Bí thư Đảng ủy, Trường ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã cho biết:
“Xã đã xác định cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, huy động sức dân và
thực hiện phương châm” Cán bộ nào phong trào ấy” để vận động hội viên,
đoàn viên, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện. Tăng cường
tranh thủ, giúp đỡ của các ngành, các cấp của huyện và TP, đồng thời vừa
làm, vừa tháo gỡ khó khăn để xây dựng NTM bền vững. Từ định hướng đó,
xã đã tiến hành công tác quy hoạch để làm nền tảng cho sự phát triển
đồng bộ về mọi mặt.
Sau khi có quy hoạch, Cổ Đô đã triển khai từng bước quá trình xây dựng
cơ sở vật chất, với số tiền hơn 273 tỷ đồng. Đến nay, sau 3 năm, toàn xã
đã có 11 dự án về công trình thủy lợi, 11 dự án giao thông đi vào sử
dụng. Hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng cũng như giao thông nông
thôn hoàn thiện đã góp phần cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân trong
xã thuận lợi rất nhiều; hệ thống rãnh thoát nước được xây dựng mới đã
tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đi đôi với các công trình giao
thông thủy lợi, trong 3 năm qua một loạt các dự án đã được hoàn thiện
đó là trường học, trạm y tế, sân vận động, di tích lịch sử văn hóa, hệ
thống truyền thanh, nhà văn hóa thôn, chợ, nhà ở dân cư, bưu điện cũng
được xây dựng theo đúng tiêu chí đã đặt ra. Cũng để hoàn thành các công
trình trên, xã đã thực hiện nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhân dân đã
hiến gần 107 nghìn m2 đất, tiêu biểu như các thôn: Cổ Đô hiến gần 34
nghìn m2, Kiều Mộc hiến gần 21 nghìn m2, Vu Chu hiến gần 18 nghìn m2. Đã
có nhiều hộ tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng,
như gia đình bà Lê Thị Hải, Lê Văn Hữu ở thôn Viên Châu đã phá dỡ 10m
tường rào nhà, hiến 6m2 đất mở rộng đường...
Xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong xây dựng NTM tại địa
phương, trong 3 năm qua, xã đã tập huấn cho 2.540 lượt nông dân tập
trung vào các việc như : Thâm canh lúa, chăm sóc cây màu, thú y, chăn
nuôi thủy sản, bảo vệ thực vật để nông dân chủ động trong sản xuất, chăn
nuôi của mình. Đồng thời, xã tiếp tục phát huy thế mạnh của khu nuôi
trồng thủy sản 96ha, trên dích này, các hộ đã vừa nuôi cá, trồng hoa
màu, cây ăn quả đem lại thu nhập cao. Xã và các HTX chăn nuôi, nuôi
trồng thủy sản đã triển khai và xây dựng 8 mô hình như : Mô hình khoai
tây, lúa lai TBR45, mô hình ngô giống; thành lập mới hai HTX chăn nuôi
và nuôi trồng thủy sản, và CLB khuyến nông. Bên cạnh đó, công tác dồn
điền đổi thửa cũng được xã chú trọng để xây dựng những cánh đồng mẫu
lớn. Theo đó, toàn xã sau 3 năm đã dồn đổi được 205 ha, nhiều hộ đã làm
giàu trên diện tích dồn, đổi. Bên cạnh nông nghiệp, phát triển các ngành
nghề dịch vụ cũng được xã chú trọng. Trong 3 năm qua, xã đã mở được 28
lớp nghề khác nhau như : Họa, tin học, thú y, hàn xì, thủy sản, lái tàu
cho 849 người. Đến nay sau công tác đào tạo nghề, tỷ lệ người trong xã
có việc làm là gần 94%. Từ nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả như vậy
mà đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt là 26,1 triệu
đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ có 2,28%. Đi đôi với việc phát triển kinh
tế, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, việc phát triển giáo dục, văn
hóa, xã hội, môi trường được xã Cổ Đô quan tâm. Trong nhiều năm qua, số
lượng học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp đều đạt 100%, luôn là xã đi đầu của
huyện về học sinh thi đỗ vào bậc THPT. Xã cũng đã thực hiện đầy đủ các
chương trình y tế quốc gia, với gần 72% dân số trong xã tham gia bảo
hiểm y tế. 4/4 làng giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Việc thực hiện nếp
sống văn minh trong mừng thọ, cưới và lễ hội được duy trì và phát huy.
Tổ thu gom rác thải ở các thôn đã hoạt động ngày đi vào chiều sâu, vào
các thứ 2,4,6 các tổ thu gom và tập kết rác đúng nơi quy định. Các hoạt
động vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm được cán bộ và nhân dân
trong xã triển khai vào ngày 15 và 30 hàng tháng. An ninh chính trị trật
tự an toàn xã hội được giữ vững…
Có thể nói với sự quan tâm của TP, huyện và sự vào cuộc của cán bộ và
nhân dân xã, sau 3 năm công tác xây dựng NTM trên địa bàn xã Cổ Đô đã
đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay xã đã hoàn thành 17 tiêu chí
đạt và hai tiêu chí cơ bản đạt; đời sống kinh tế, văn hóa ở đây ngày một
ổn định phát triển; nhiều mô hình kinh tế đã được hình thành và phát
huy ngày một cao. Đó là những động lực lớn để Cổ Đô vươn mình trong
những năm tiếp theo./.
Hồng Đạt (Đài Truyền thanh huyện Ba Vì)