Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư và linh hồn của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam

08/05/2020 - 04:19 PM
 
Đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa rường cột, quyết định sự thành công của cách mạng. Ngay từ khi tìm đường cứu nước thoát khỏi ách nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã sớm chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức quần chúng. Trong đó, việc thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất nhằm xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc chính là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội

Từ giữa thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta. Chúng biến nước ta từ chế độ phong kiến thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, với hai mâu thuẫn cơ bản là: 1) Mâu thuẫn dân tộc ta với đế quốc Pháp; 2) Mâu thuẫn chủ yếu giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến.

Với truyền thống yêu nước và đoàn kết, các thế hệ người Việt Nam đã liên tục vùng lên đấu tranh chống bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai, song đều không thành công. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh mà vì nhân dân ta chưa hiệp lực, đồng tâm”. Để giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, cần phải có đường lối đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, với xu thế phát triển của thời đại và cần một tổ chức cách mạng đủ khả năng tập hợp, dẫn dắt toàn dân đi đến thắng lợi.

Với lòng yêu nước nồng nàn, một thiên tài trí tuệ, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc. Người đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa yêu nước, định hình đường lối cứu nước, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức, đặt nền tảng cho sự ra đời của Đảng và các tổ chức quần chúng. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất cũng từng bước được định hình và trở thành một bộ phận cấu thành đường lối cứu nước. Người sớm ý thức được tầm quan trọng của việc tập hợp, tổ chức, giáo dục và giác ngộ quần chúng và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của công cuộc giải phóng dân tộc khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người viết: “Ở Đông Dương chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn. Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức”1. Do vậy, Người khẳng định: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”2.

Về đại đoàn kết dân tộc, Người nêu rõ: Không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi chung chung, mà phải gắn với tổ chức. Người kêu gọi: “Hỡi anh chị em cùng khổ ở các thuộc địa hãy đoàn kết lại, hãy tổ chức lại, hãy phối hợp hoạt động… đấu tranh cho công cuộc giải phóng chung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: nguyên tắc cơ bản để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất là liên minh công nông. Người chỉ rõ trong bài phát biểu của Đại hội Quốc tế Nông dân lần thứ nhất (năm 1923): Muốn nắm quyền lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn thì phải coi trọng vấn đề nông dân vì đó là lực lượng to lớn nhất trong phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Mặt khác, Người nhấn mạnh: Chỉ với lực lượng của chính mình, nông dân không bao giờ trút bỏ được gánh nặng đè nén họ. Người khẳng định: Giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng bằng cách liên minh với giai cấp nông dân.

Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đề ra quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và phải lấy dân làm gốc. Người viết: “Muốn sống thì phải cách mạng, cách mạng là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”3. Người nêu rõ: “Biết cách làm, biết cách đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc chắn làm được”. Người xác định: Đoàn kết thống nhất là một trong những yếu tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng: “Muốn cách mạng thắng lợi phải có dân chúng (công, nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”.4

Khái niệm “dân chúng” mà Người đề cập là “công nông là gốc của cách mạng, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mạng của công nông”.

Song song với qua trình nghiên cứu về mặt lý luận, Nguyễn Ái Quốc còn sáng lập ra nhiều tổ chức nhằm thể nghiệm các hình thức tập hợp quần chúng như: Hội những người Việt Nam yêu nước trên đất Pháp; Hội Liên hiệp thuộc địa; Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lấy Thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, là bước chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng.

Thông qua những tổ chức trên, đường lối cứu nước và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc dần hòa quyện, tác động lẫn nhau, đưa chân lý cách mạng của thời đại vào phong trào yêu nước và qua phong trào yêu nước, tuyên truyền, vận động, giáo dục lập trường giai cấp công nhân vào các giai tầng xã hội.

Nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn đó, nên không chỉ phong trào công nhân sớm trưởng thành, mà trên thực tế đã xuất hiện phong trào của các tầng lớp nhân dân. Đây chính là nền tảng cho sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất khi thời cơ và điều kiện chín muồi. Đó cũng chính là lý do vì sao ở Việt Nam - Mặt trận Dân tộc Thống nhất ra đời hầu như đồng thời với sự ra đời của Đảng và trong suốt 90 năm qua, Mặt trận Dân tộc Thống nhất luôn luôn song hành cùng Đảng.

Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đường lối cứu nước và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là kết quả của cuộc đấu tranh giữa hai đường lối cứu nước diễn ra quyết liệt trong suốt những năm 1920 - 1930. Vì trong khoảng thời gian đó, bên cạnh trào lưu giải phóng dân tộc theo lập trường của giai cấp công nhân, còn xuất hiện nhiều tổ chức, nhiều đảng phái theo khuynh hướng dân chủ tư sản, như Đảng Lập hiến của giai cấp tư sản, một số chính đảng của tiểu tư sản như: Việt Nam Quốc dân Đảng, Thanh niên Cao vọng Đảng, một số tổ chức cách mạng dân tộc, dân chủ của tầng lớp thanh niên tiểu tư sản.

Các cuộc đấu tranh của các tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Liên đoàn theo lập trường giai cấp công nhân chống lại quan điểm “Lập hiến”, “Thuyết trực trị”, tư tưởng quốc gia cải lương và đường lối dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi không những đã làm cho giai cấp công nhân nhanh chóng trở thành lực lượng chính trị độc lập, giành được địa vị lãnh đạo cách mạng mà còn thúc đẩy phong trào yêu nước, chuyển phong trào từ đấu tranh tự phát thành đấu tranh tự giác.

Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp chặt chẽ phong trào yêu nước với phong trào công nhân, đặt nền móng về tư tưởng và tổ chức không chỉ chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng mà còn tạo cơ sở cho sự hình thành Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Vì vậy, Mặt trận Dân tộc Phản đế - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất ra đời ngay sau khi Đảng vừa được thành lập không phải là sự kiện ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị công phu của Người. Đó chính là cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc về việc gắn phong trào yêu nước Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân đi theo con đường mà Người đã trải qua là: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Hội Phản đế Đồng minh - Hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và cao trào cách mạng 1930 - 1931 đặt cơ sở cho việc tập hợp, thống nhất các lực lượng dân tộc

Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã xác định: Cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền với hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ khăng khít với nhau, là: Đánh đổ đế quốc và phong kiến giành độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng đó phải lấy công nông là động lực chính do giai cấp công nhân lãnh đạo và là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ngoài công nông, Đảng cần phải tranh thủ các giai cấp và tầng lớp có tinh thần dân tộc; phân hóa, cô lập những phần tử chống cách mạng. Cương lĩnh vắn tắt đã đề ra những chiến lược, sách lược về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất với nội dung: Đảng của giai cấp vô sản phải lãnh đạo quần chúng, dựa vào dân cày nghèo, lôi kéo về phần mình các tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, trung nông; đối với trung nông, địa chủ nhỏ và tư bản Việt Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng, thì phải lợi dụng, ít ra là cho họ trung lập; đối với bộ phận phản cách mạng thì phải đánh đổ.

Chính cương vắn tắt đã chỉ rõ: Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết các giai cấp, các tổ chức chính trị, các cá nhân nhằm phát huy truyền thống yêu nước vốn có của dân tộc, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để chống đế quốc, phong kiến giành độc lập dân tộc.

Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân, nên tuy mới ra đời, Đảng đã tạo nên một cao trào cách mạng chưa từng có trong toàn quốc, mà đỉnh cao là Xô - viết Nghệ Tĩnh.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 đã thấy rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết phải sớm xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, nên cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị đã ban hành Nghị quyết về công tác Mặt trận. Đó là Án nghị quyết về vấn đề phản đế.

Về tính chất và nhiệm vụ của Mặt trận Thống nhất Phản đế, Án nghị quyết nêu rõ: Phải làm cho Hội ấy có tính chất quần chúng và chú ý về sự hoạt động công khai trong quần chúng, hết sức tham gia vào cuộc đấu tranh hàng ngày của công nông.

Về mục đích của Mặt trận Thống nhất Phản đế là: Đoàn kết lực lượng cách mạng phản đế để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu việc hoàn toàn độc lập cho xứ Đông Dương và bênh vực phong trào giải phóng ở các thuộc địa và bán thuộc địa.

Tuy nội dung quan điểm về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất còn sơ sài, song đó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng để tiến tới xây dựng và tổ chức Mặt trận trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Hội Phản đế Đồng minh và các hoạt động của Hội

Ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh.

Bản Chỉ thị đã đề ra một cách toàn diện những nội dung cơ bản như: tính chất, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể của Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Từ việc phân tích hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, đặc biệt là mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, Chỉ thị đã giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vị trí, vai trò và sự cấp thiết phải xây dựng Hội Phản đế Đồng minh. Chỉ thị nêu rõ nguyên nhân những nhận thức sai lầm về Mặt trận Thống nhất Phản đế là do “tách rời dân tộc cách mạng với giai cấp cách mạng làm hai con đường mà chưa nhận thức đúng là dân tộc cách mạng vẫn là một nhiệm vụ trong giai cấp cách mạng”.5 Với một thái độ cách mạng và một nhãn quan khoa học, Chỉ thị phân tích, đánh giá đúng đắn sự chuyển biến về thái độ chính trị của các giai cấp và tầng lớp xã hội đã được thử thách qua cao trào cách mạng; trừ một số địa chủ ôm chân đế quốc Pháp, làm chỗ dựa cho chúng đàn áp nông dân, còn tầng lớp trí thức, một số sĩ phu, một số trung và tiểu địa chủ ở Nghệ Tĩnh và một số nơi khác lại có xu hướng cách mạng rõ ràng. Qua khủng bố trắng, họ vẫn cố gắng bám lấy cách mạng và kín đáo ủng hộ cách mạng.

Chỉ thị đặt vấn đề: “Phải hấp thụ các tầng lớp trên hay ở vào tầng lớp giữa cũng vậy, và cho tới cả những người địa chủ có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn quốc gia độc lập để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để kịp vận động toàn dân nhất tề hành động”.6

Do sự phát triển không đồng đều của phong trào và sự chuyển biến về thái độ chính trị của các giai tầng xã hội ở mỗi địa phương khác nhau, Chỉ thị đề ra hai cách tổ chức là: từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, nghĩa là chỗ nào có phong trào trước, có đủ điều kiện thì lập Hội, không nhất thiết phải làng trước huyện sau, mà có thể huyện trước làng sau.

Bản Chỉ thị ra đời đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đao thực tiễn của Đảng trong quá trình xây dựng và tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Do Chỉ thị được ban hành vào thời điểm cách mạng bước vào giai đoạn thoái trào, địch khủng bố hết sức dã man và ác liệt nên chưa được phổ biến sâu rộng, chưa có điều kiện triển khai trên phạm vi cả nước. Đi đôi với đàn áp và khủng bố, thực dân Pháp còn dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, mua chuộc, nhằm chia rẽ lực lượng cách mạng, lôi kéo những người dao động đi theo chúng.

Hội nghị Trung ương tháng 3/1931 đã phê phán những sai lầm, thiếu sót trong chỉ đạo, như: đưa hết lực lượng về nhà quê; cưỡng bức quần chúng đi đấu tranh trong khi chưa được giác ngộ; đề ra khẩu hiệu đấu tranh không căn cứ vào nguyện vọng của quần chúng…

Hội nghị đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục phát triển các tổ chức công hội, nông hội, hội cứu tế đỏ; nhưng vẫn mắc thiết sót là không đề cập đến nhiệm vụ tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có tinh thần dân tộc, yêu nước chống đế quốc.

Chương trình hành động năm 1932 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra những hình thức và biện pháp tổ chức quần chúng phù hợp với tình hình cách mạng ở vào giai đoạn thoái trào với yêu cầu: Lợi dụng hết thảy mọi hình thức công khai, hợp pháp, gấp rút tổ chức lại quần chúng với nhiều hình thức khác nhau, tiến hành đấu tranh trong thế hợp pháp như: chống phụ thu, lạm bổ; đòi chia lại công điền, công thổ, đòi giảm sưu thuế… Ngay trong lúc cách mạng đang hết sức khó khăn, chương trình hành động đã chỉ ra khả năng tổ chức một Mặt trận thống nhất của các lực lượng phản đế cùng hành động chung với các tổ chức dân tộc chủ nghĩa dù chỉ là những ban đồng minh tạm thời của công nông. Đảng phải lôi kéo vào liên minh phản đế tất cả các phần tử và tổ chức ít nhiều có tính chất chống đế quốc. Chương trình hành động cũng nêu lên những yêu cầu cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho mỗi giai cấp, tầng lớp, mỗi tổ chức, đoàn thể nhằm đấu tranh cho những yêu sách thiết thân hàng ngày, rồi dẫn dắt quần chúng tiến lên đấu tranh cho những yêu cầu cao hơn.

Trong hoàn cảnh cách mạng đang ở mức thoái trào, những chủ trương tập hợp quần chúng nêu trên là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Song vì chưa quán triệt đầy đủ tư tưởng đại đoàn kết dân tộc nên Chương trình hành động không đề ra được chính sách Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Chủ trương thành lập “Phản đế liên minh” tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh nhận thức về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất

Thực tiễn của những năm cách mạng ở thời kỳ thoái trào giúp Đảng ta thấm thía hơn mối quan hệ và tầm quan trọng giữa Đảng với quần chúng. Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp vào tháng 3/1935 đã có những nhận định đúng đắn về nguồn sức mạnh của Đảng: Nếu Đảng không có mối liên hệ mật thiết với quần chúng và không được quần chúng ủng hộ thì ”những nghị quyết cách mạng của Đảng chỉ là những lời nói không”. Vì vậy, Đại hội xác định: công tác tranh thủ rộng rãi quần chúng là nhiệm vụ “quan trọng và cấp bách nhất”. Ngoài nghị quyết chung về tình hình, nhiệm vụ cách mạng, Đại hội ra nghị quyết riêng về công tác phản đế liên minh, quyết định thành lập và thông qua Điều lệ của tổ chức Phản đế liên minh.

Tuy vẫn còn một số nhận định chưa thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng “tả khuynh” nhưng nghị quyết đã có tiến bộ rõ rệt trong việc đánh giá khả năng phản đế của các giai cấp và tầng lớp xã hội. Chính sách Mặt trận đề ra trong nghị quyết đã có sự linh hoạt và mềm dẻo hơn; Đảng Cộng sản không chỉ liên hệ với các đoàn thể cách mạng mà còn phải liên hệ với đồng minh với những đảng phái quốc gia, những phần tử cách mạng lẻ tẻ để “tăng gia lực lượng phản đế”. Đối với các tổ chức, đảng phái quốc gia, cải lương, kể cả những tổ chức tay chân của đế quốc, Đảng cũng có sách lược phân hóa, tranh thủ. Nghị quyết nhận định: Lực lượng phản đế ở Đông Dương không phải là ít, nhưng còn lẻ tẻ, rời rạc, không có tổ chức thống nhất. Đảng chủ trương: mở rộng Phản đế liên minh không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tôn giáo, xu hướng chính trị, đảng phái, hễ ai có tinh thần phản đế là kéo vào.

Điều lệ của Phản đế liên minh so với Điều lệ của Hội Phản đế Đồng minh cũng rộng rãi và linh hoạt hơn. Cụ thể: Hễ người nào, vô luận đàn ông, đàn bà, già trẻ, tôn giáo, xu hướng chính trị hoặc đoàn thể chỉ cần thừa nhận Nghị quyết, Điều lệ và thường xuyên nộp hội phí thì được thừa nhận là hội viên.

Phản đế liên minh là hình thức tổ chức tập hợp tất cả lực lượng phản đế toàn Đông Dương, bao gồm cả những bộ phận hay đoàn thể các đảng phái, đoàn thể, tổ chức, lớp, nhóm có tính chất cách mạng, kể cả những phần tử lẻ tẻ. Đối với quần chúng trong các đảng phái cải lương, phản động thì đưa vào tham gia Mặt trận Thống nhất phản đế cơ sở. Với các đoàn thể cách mạng tiểu tư sản, có thể vừa thống nhất bên dưới (với quần chúng), vừa thống nhất bên trên (với lãnh tụ). Nghị quyết nhấn mạnh: Trong bất cứ điều kiện nào, Đảng phải giữ tính độc lập về tổ chức và tư tưởng.

Những chủ trương, đường lối về chiến lược và sách lược của Phản đế liên minh chứng tỏ Đảng ta có bước tiến mới trong quá trình hoàn chỉnh về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn.

Có thể khẳng định: Từ Hội Phản đế Đồng minh (năm 1930) đến Phản đế liên minh (năm 1935), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam từng bước hình thành. Cả hai hình thức là Mặt trận tổ chức và Mặt trận phong trào đều chưa được triển khai rộng rãi. Đây là thời kỳ thử nghiệm song lại rất quan trọng, giúp Đảng từng bước hoàn chỉnh và phát triển cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn chính sách Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Tuy có những vấp váp, thậm chí cả những sai lầm, thiếu sót, song về cơ bản, chính sách Mặt trận Dân tộc Thống nhất là đúng đắn, sáng tạo, đặt cơ sở cho sự phát triển công tác Mặt trận trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020