Trong mỗi thành công đó luôn có bóng dáng của người làm Mặt trận, từ vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của thành phố; cho đến vận động nhân dân giúp đỡ nhau làm kinh tế, xoá đói, giảm nghèo; đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền… Khẳng định với Đại Đoàn kết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, suốt những năm qua, hành trình của người cán bộ Mặt trận Thủ đô, là hành trình của đoàn kết và yêu thương.
PV: Những năm gần đây, Hà Nội đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thủ đô ngày càng “xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại”. Bà có thể cho biết trong thành tựu chung ấy MTTQ Hà Nội đã đóng góp như thế nào?
Bà Nguyễn Lan Hương: MTTQ TP Hà Nội luôn lấy mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại để tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tham gia lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Những thành tựu mà thành phố đạt được chính là thành tựu của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền. Mặt trận, các đoàn thể nhân dân đóng vai trò là chiếc cầu nối bền chặt.
Ngoài những nhiệm vụ chung ấy, MTTQ còn triển khai các hoạt động đặc thù. Nhiều quận, huyện của Hà Nội đã không còn hộ nghèo. Vai trò của Mặt trận trong giảm nghèo là hết sức rõ nét. 5 năm gần đây, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã vận động được gần 269 tỷ đồng; hỗ trợ xây, sửa 8.148 nhà ở cho hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn Thành phố còn 0,4% vào cuối năm 2019, đưa Hà Nội là đơn vị tiêu biểu trong công tác giảm nghèo của cả nước. Mặt trận cũng triển khai hiệu quả CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Dự kiến đến cuối năm 2020 có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đề ra. Hà Nội cũng là một trong những địa phương “đầu tàu” trong triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, tăng mức tiêu dùng sản phẩm nội địa, ổn định và phát triển kinh tế Thủ đô.
Công tác giám sát và phản biện xã hội được đẩy mạnh ở các cấp. 5 năm gần đây, toàn thành phố đã tổ chức 3.409 cuộc giám sát, 2.909 hội nghị phản biện xã hội đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng... MTTQ các cấp đã tham gia góp ý đối với 1.665 dự thảo Luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền; góp ý đối với 10.452 dự thảo các chương trình, đề án và các văn bản khác của cấp ủy, chính quyền. Phối hợp tổ chức 3.109 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với MTTQ, các tổ chức thành viên và nhân dân, qua đó, kịp thời tháo gỡ, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân.
Năm 2020, đất nước và Thủ đô gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo bà, điều gì đã giúp nhân dân Thủ đô hai lần vượt qua thử thách mang tên Covid-19?
- Phải nói rằng đại dịch Covid-19 là cuộc chiến giữa thời bình. Ngay khi có dịch, Ủy ban MTTQ TP đã tổ chức Chương trình “Chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra” kết hợp với vận động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Hà Nội đã ra “Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19”. Qua hai đợt chống dịch, Ủy ban MTTQ các cấp thành phố và các tổ chức thành viên đã chủ động vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh; vận động nguồn lực để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Có rất nhiều tổ chức, cá nhân; từ những người có điều kiện hay đang còn khó khăn; từ các tổ chức tôn giáo đến đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế; các tập đoàn, Tổng công ty lớn của Nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân; từ các thầy cô giáo đến các em học sinh; từ các chiến sĩ công an, quân đội đến các văn, nghệ sĩ, trí thức… đã có những nghĩa cử cao đẹp. Đến nay, thành phố đã huy động được 243 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật cho công tác chống dịch. Hà Nội đã cùng cả nước kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong khó khăn, chúng ta một lần nữa lại thấy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần “tương thân tương ái” được thắp sáng. Điều đó là động lực quan trọng để thành phố vượt qua khó khăn.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, MTTQ TP Hà Nội đã triển khai những hoạt động nào để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa nâng cao nhận thức của nhân dân về đại đoàn kết dân tộc, thưa bà?
- Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mừng thành công của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, chào mừng Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. MTTQ TP Hà Nội đã sớm xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm trên địa bàn Thành phố với các công trình, sản phẩm nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần tuyên truyền sâu rộng về lịch sử vẻ vang của MTTQ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Có 17 hoạt động hướng tới kỷ niệm. Đến nay, Mặt trận đã tổ chức thành công lễ phát động ủng hộ tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2020, khánh thành 90 nhà Đại đoàn kết, vinh danh 90 doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong các hoạt động an sinh xã hội của thành phố. Chuỗi các hoạt động cao điểm chào mừng 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam còn có các hoạt động như lựa chọn 90 công trình, phần việc, 90 gương cán bộ Mặt trận điển hình, 90 bài viết về gương điển hình tiên tiến để vinh danh, khen thưởng; tổ chức lễ vinh danh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020; khai mạc triển lãm ảnh trưng bày các hoạt động của Mặt trận trong 90 năm hình thành và phát triển...
Một hoạt động nổi bật nữa diễn ra dịp này là hướng hoạt động về cơ sở bằng việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư, thôn, tổ dân phố. Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND thành phố đã ký kế hoạch liên tịch, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt hoạt động này…
Trân trọng cảm ơn bà!
PV: Kinh nghiệm lớn nhất thu được từ hoạt động phòng chống dịch bệnh đối với các cấp MTTQ là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Lan Hương: Kinh nghiệm lớn nhất thu được từ hoạt động phòng chống dịch bệnh đối với các cấp MTTQ chính là bên cạnh sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ Mặt trận đã thích ứng nhanh với điều kiện, hoàn cảnh mới. Các cấp Mặt trận đã có nhiều hình thức năng động, sáng tạo khác nhau để tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, cán bộ Mặt trận vừa là người tuyên truyền kêu gọi người dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, vừa là người thực hiện chốt chặn nguồn lây từ địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, phải đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác tiếp nhận hỗ trợ, phân bổ và giám sát việc chi trả hỗ trợ. Trên hết, đó là bài học kinh nghiệm về tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.