Giám sát tốt thì phản biện tốt

09/10/2019 - 01:02 PM
 
Hà Nội được biết đến là đơn vị đầu tiên trên cả nước xây dựng quy chế và tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện. Để những hoạt động này đạt chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó, có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận đồng cấp.

Giám sát hiệu quả
Theo ông Vũ Xuân Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chương Mỹ, trong 5 năm, MTTQ huyện và cơ sở đã tổ chức 330 cuộc giám sát độc lập, 400 cuộc phối hợp giám sát với HĐND, các ban, ngành đoàn thể huyện; tổ chức 132 hội nghị phản biện xã hội. Ban Thanh tra nhân dân (TTND) đã tham gia giám sát 860 vụ việc, phát hiện 161 vụ việc có sai phạm, kiến nghị với chính quyền thu hồi 2.096m2 đất. Thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân không để đơn thư tồn đọng. Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng đã tổ chức 613 cuộc giám sát về việc xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn.
“Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của MTTQ các cấp, của các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh”- ông Hùng cho biết thêm.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng được Mặt trận huyện Thanh Trì triển khai hiệu quả. Ông Nguyễn Huy Chương- Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì cho rằng, thông qua hoạt động giám sát, phản biện nhiều ý kiến, kiến nghị của MTTQ các cấp đã được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, đánh giá cao. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng các chủ trương, quyết sách, các đề án có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các quyết sách trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp, khiếu kiện đông người vượt cấp, đóng góp vào thành công chung của huyện.
“Nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm và chính quyền nhận thức tốt, có tinh thần cầu thị tiếp thu về công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng thì đơn vị đó sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cũng cần chủ động thực hiện giám sát thông qua hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng”- ông Chương chia sẻ.

Đúng, trúng vấn đề
Theo bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, ở lĩnh vực giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; là kênh thông tin để dân góp ý với Đảng, chính quyền.
Khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, Mặt trận chú trọng những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang tập trung xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật; song song với đó là những vấn đề nóng của xã hội, được nhân dân quan tâm.
Gần đây, Mặt trận đã chủ trì tổ chức giám sát các nội dung quan trọng như: Giám sát khoa học và công nghệ; giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm; giám sát việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát việc khai thác cát theo quy định của pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công... ở tất cả các cấp.
Đến nay, từ thành phố đến cơ sở đã chủ trì tổ chức 6.326 đoàn giám sát, với 2.594 hội nghị phản biện xã hội. Trong đó, thành phố tổ chức 19 hội nghị, cấp huyện 204 hội nghị và cấp xã 2.371 hội nghị.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có quan hệ chặt chẽ. Giám sát tốt thì phản biện tốt. Phản biện tốt thì giám sát tốt. Phải nói rằng mỗi giai đoạn, nhiệm vụ của Mặt trận lại có những đổi mới, gắn với yêu cầu của thời cuộc. Đảng, Nhà nước ta đã mở rộng dân chủ; khẳng định vai trò của Mặt trận trong giám sát, phản biện, qua đó để xây dựng, củng cố chính quyền, hoàn thiện các chủ trương, chính sách.
Mấu chốt của vấn đề chính là Mặt trận các cấp của TP Hà Nội đã bám sát chủ trương này của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, MTTQ TP Hà Nội xây dựng các chương trình hành động cụ thể.

“Qua hội nghị phản biện, nhiều ý kiến, kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã được các cơ quan tiếp thu, giải trình, là kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sở dĩ Hà Nội có thể triển khai tốt nội dung này còn do sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận đồng cấp”- bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.

Theo Đại đoàn kết

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020