Chiều ngày 13-7, UBND Thành phố tổ chức hội thảo “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, 20 năm hội nhập và phát triển” nhằm điểm lại những thành tựu đã đạt được sau 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” thông qua hội thảo tạo cơ hội để quảng bá về văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hòa của nhân dân Thủ đô về Thành phố hòa bình, cùng nhau xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu Thành phố hòa bình, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc.
Dự hội nghị có: Ông Đôn Tuấn Phong- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam”; Ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO Bộ ngoại giao; bà Nguyễn Lan Hương – UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tuyến – UVTV Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP; Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam; Đại sứ Mesxico tại Việt Nam; cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, ngoại giao đã từng nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Hà Nội là Thành phố vì Hòa bình.
Bà Nguyễn Lan Hương – UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Lan Hương – UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội cho biết cách đây 20 năm, ngày 16/7/2019, tại thành phố LaPaz, thủ đô nước Cộng hòa Bolivia, Hà Nội vinh dự được tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới, cũng như khát vọng hòa bình của Nhân dân Việt Nam. Hai mươi năm trôi qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được nhân danh hiệu cao quý này, Đó là một vinh dự và cũng là một thách thức lớn lao để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nèn hòa bình trường tồn trên trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển thịnh vượng và hội nhập.
Sau hơn 20 năm được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, đó vừa là niềm tự hào của đất nước nhưng đồng thời cũng là thách thức cho mỗi chúng ta để xứng đáng với vinh dự ấy. Với tốc độ tăng trưởng 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ hơn 10,4 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, Thủ đô Hà Nội sẽ chịu áp lực lớn trên mọi lĩnh vực. Cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng TP, Hà Nội trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Với mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới thành phố xanh, khỏe mạnh và đáng sống. Đồng thời, Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa thành phố phát triển theo hướng xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm họa của biến đối khí hậu, rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tập trung vào 6 nhóm giải pháp cụ thể từ nay đến năm 2025, đó là: Tiếp tục cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm các hồ nước trên địa bàn; phát triển mạng lưới giao thông của Hà Nội bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, tăng cường hệ thống giao thông đường bộ; xây dựng mạng lưới không gian xanh theo qui hoạch; phát triển sản xuất nông nghiệp Hà Nội theo hướng sản xuất hàng hóa và công nghệ cao; thực hiện hiệu quả chương trình sử dụng và tiết kiệm năng lượng; xây dựng và cập nhật kịp bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng…Việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải háo trên vừa là yêu cầu cấp thiết vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thành phố Hà Nội.
Hội thảo là diễn đàn tập hợp những người yêu chuộng hòa bình, yêu Thủ đô Hà Nội, cùng đóng góp tâm huyết và trí tuệ cho sự phát triển của Thủ đô cũng như những thành tựu mà Hà Nội đạt được trên đường hội nhập quốc tế. Tại hội thảo, 12 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện cho các tầng lớp nhân dân… đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về Thủ đô phát triển.
Các tham luận đều đánh giá Hà Nội đã nỗ lực trong việc duy trì các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO đó là: Bình đẳng trong cộng đồng; về quản lý phát triển đô thị bền vững; về bảo vệ môi trường sống; về thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" tạo nên động lực để thành phố phát triển và cống hiến, như phát huy các giá trị của di sản, xây dựng các biểu tượng của thành phố... Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn thân thiện, được lựa chọn là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế mà gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai. Hà Nội đã xây dựng quy hoạch thành phố để đáp ứng nhu cầu phát triển. Hà Nội cũng đã quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công.Hoạt động đối ngoại nhân dân được mở rộng, góp phần giúp cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về Thủ đô, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quảng bá hình ảnh của Hà Nội hội nhập và phát triển. Hà Nội đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, được nhiều người nước ngoài yêu mến, lựa chọn là nơi làm việc, học tập và du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Michael Croft đại diện tổ chức Unesco khẳng định Thành phố Hà Nội đã đạt một kỷ lục ấn tượng về những thành công, đặc biệt là trong những lĩnh vực như khôi phục các di tích, hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa và nghệ thuật, quảng bá các nghề thủ công truyền thống, cải thiện các dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường và tạo lập các không gian xanh. Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng đến giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, đây cũng là ưu tiên trong chính sách phát triển của Thủ đô. Trong tầm nhìn của Thành phố, ông cho rằng đó là hình ảnh phản chiếu của đất nước Việt Nam trong thế kỷ mới - một Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, chịu trách nhiệm đang được xây dựng trên một di sản hòa bình và sự tự hiểu biết sâu sắc về ngoại giao văn hóa quốc gia để đạt được những thành tựu mới trên bình diện quốc tế./.