Sáng ngày 27/7/2022, tại hội trường UBND huyện Mê Linh, Huyện ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh trang trọng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ và tọa đàm với chủ đề “Tiếp lửa truyền thống, góp sức xây dựng quê hương Hai Bà Trưng anh hùng”. Dự buổi gặp mặt, đại biểu Thành phố Hà Nội có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Mai - Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; Bạch Thị Liên Hương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế, đại biểu HĐND Thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố. Đại biểu huyện Mê Linh có các đồng chí: Nguyễn Thanh Liêm – Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Anh Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Hoàng Văn Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện; các đồng chí UVTV Huyện ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện; Trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, cán bộ Lao đông – Thương binh & Xã hội các xã, thị trấn. Đại biểu ngưởi có công có các mẹ Việt Nam anh hùng; cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh đặc biệt; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện vận động ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản hy sinh, gian khổ, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Mê Linh có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng lâu đời; nơi Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng nhà nước độc lập, thống nhất đầu tiên sau công nguyên, mở ra một trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, lớp lớp những người con của Mê Linh đã không tiếc xương máu; không quản mưa bom, bão đạn, gian khổ, hy sinh vì độc lập dân tộc. Nhiều người trong số đó đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất, nhiều người dù trở về nhưng đã để lại một phần máu xương nơi chiến trường hoặc bị di chứng nặng nề của chất độc da cam. Họ là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử của dân tộc; được nhân dân đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả của chiến tranh vẫn còn để lại trên khắp mọi miền đất nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mê Linh có 17 nghĩa trang liệt sĩ với 2.368 liệt sĩ yên nghỉ (trong đó 155 mộ chưa xác định danh tính); toàn huyện có 3.229 người có công với cách mạng được tặng Huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác, trong đó 3 mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống, 3 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 1.000 thương binh, 462 bệnh binh, gần 740 người nhiễm chất độc hóa học,… Với truyền thống tốt đẹp tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng; trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Tại Mê Linh, tri ân sự đóng góp to lớn của các liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; các cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở, các tập thể cá nhân luôn quan tâm chăm lo người có công bằng những việc làm hết sức thiết thực: như tổ chức khám sức khoẻ, tạo việc làm; ưu tiên con em liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong học tập, lao động, sản xuất; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 300 nhà tình nghĩa;… duy trì Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn,… Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó tuy không bù đắp được hết những mất mát, đau thương của các Mẹ, các bác, các anh đã hy sinh máu xương vì Tổ quốc, nhưng đã thể hiện được sự tri ân, biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những người có công với cách mạng. Những việc làm đã thu hút được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào sâu rộng, thể hiện nét đẹp truyền thống; đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết, nâng cao tinh thần dân tộc, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc. Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nhiều tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hiện nay, toàn huyện có trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do thương binh, bệnh binh làm chủ; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Đ/c Phạm Thị Thanh Mai – TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; đ/c Nguyễn Thanh Liêm – Bí thư Huyện ủy tặng quà các đại biểu người có công
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện, đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trân trọng gửi lời biết ơn sâu sắc của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Mê Linh về những cống hiến, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân và gia đình có công với cách mạng. Xin ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành đã luôn tích cực, quan tâm, chia sẻ, động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn huyện; đồng thời, cũng nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công đã và đang đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương Mê Linh ngày càng phát triển. Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Anh Tuấn đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội, trường học cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về sự tri ân, cống hiến của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công… trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", tăng cường vận động, xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng có mức sống cao hơn. Tiếp tục làm tốt hơn nữa việc đầu tư nâng cấp, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ, cơ sở cách mạng… Đồng thời quan tâm hơn nữa để có nguồn lực đáp ứng những nhu cầu cần thiết đối với người có công; như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Tại buổi gặp mặt, đã diễn ra chương trình tọa đàm với chủ đề "Tiếp lửa truyền thống, góp sức xây dựng quê hương Hai Bà Trưng anh hùng". Trong không khí thân mật, các đại biểu đã được nghe bác Lỗ Tiến Trang – Bệnh binh, chất độc hóa học ở xã Tự Lập và bác Nguyễn Thái Cơ – Bệnh binh 2/3 ở xã Hoàng Kim chia sẻ về những ký ức hào hùng đã trải qua trong chiến tranh và phát huy ý chí, nghị lực của người lính cụ Hồ trong thời bình, tích cực tham gia phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội; nghe chị Đỗ Thị Phương – Bí thư Đoàn xã Kim Hoa và bà Đinh Lê Hạnh – Giám đốc Công ty Cổ phần thép Đinh Lê chia sẻ về sự tiếp nối truyền thống cha ông đi trước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, công tác, học tập, góp sức xây dựng quê hương Mê Linh anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Thành phố; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện đã tặng quà, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng và các đại biểu người có công tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Lê Đình Khoát