Chương trình “Ký ức mùa thu” gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như trưng bày chuyên đề “ Hà Nội mùa thu năm ấy”, chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử”, lễ chào cờ, giao lưu nhân chứng lịch sử, ra mắt cuốn sách “ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” đã diễn ra sáng nay (6/10/2019) tại Sân Cột cờ ( Hoàng thành Thăng Long). Chương trình do UBND thành phố Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức.
Tới dự chương trình có các đồng chí: Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng các nhà khoa học, sử học, các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh và đông đảo nhân dân.
Lãnh đạo thành phố tặng hoa chúc mừng các nhân chứng, các nhà sử học tham gia buổi giao lưu (ảnh Phú Lâm).
Trong tiết trời thu nắng vàng rực rỡ, hình ảnh đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô năm xưa như được tái hiện lại cùng cờ hoa tươi thắm và âm nhạc cuốn hút, hào hùng của những giai điệu đàn accordion. Các đại biểu, học sinh, sinh viên cùng đông đảo nhân dân như được hòa mình vào thời khắc lịch sử mùa thu Tháng Mười năm 1954. Hà Nội tưng bừng cờ hoa chào đón các chiến sỹ trở về Thủ đô yêu dấu.
Đi trên con đường 9 năm, tượng trưng cho hành trình gian khổ 9 năm kháng chiến trường kỳ để đến thắng lợi cuối cùng có những nhân chứng lịch sử, những chiến sỹ của Trung đoàn Thủ đô năm ấy, có những người dân từng chứng kiến thời khắc hân hoan đón chào đại quân chiến thắng trở về và có cả các em học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ hôm nay. Tất cả đều rưng rưng xúc động. Ký ức mùa thu lịch sử cách đây 65 năm ùa về với bao kỷ niệm, bao câu chuyện hào hùng, tự hào và mãi mãi không quên.
Tái hiện không khí tưng bừng của ngày giải phóng Thủ đô (ảnh: Phú Lâm)
Phát biểu Khai mạc chương trình, Phó chủ tịch UBND thành Phố Ngô Văn Quý đã ôn lại các mốc son lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô: “Đúng 8h ngày 10-10-1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó có những người con của Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô, từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cờ hoa đón chào của hàng vạn người dân Thủ đô.Chỉ 7 tiếng đồng hồ sau, lúc 15h, trong không khí tưng bừng của ngày đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, một buổi lễ đặc biệt đã diễn ra tại sân Đoan Môn – Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức”. Phó chủ tịch Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh sự kiện giải phóng Thủ đô đã trở thành một một dấu mốc lịch sử đặc biệt trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội.
Chia sẻ những ký ức tự hào của ngày giải phóng Thủ đô.
Chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử” với những tiết mục được dàn dựng công phu, như một màn sử thi tái hiện lại những ngày quân dân Thủ đô đứng lên chiến đấu; cuộc rút quân thần kỳ sau 60 ngày đêm khói lửa, ra đi hẹn ngày trở về của Trung đoàn Thủ đô; và hành trình làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, để rồi đoàn quân trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô.
Buổi chiều ngày 10/10/1954 là lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa.Trên sân vận động Cột cờ (nay thuộc Khu di sản Hoàng thành Thăng Long), các đơn vị tham dự lễ chào cờ đã tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 – Quyết tử quân Hà Nội mùa đông 1946 – được cử chỉ huy chỉnh đốn đội ngũ, báo cáo với Tham mưu trưởng Đại đoàn Vũ Yên. Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố đã kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật cả đường Hoàng Diệu và đường Cột cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Đúng 15 giờ, còi Nhà hát lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Cột cờ thành Hà Nội. Đứng chủ lễ chào cờ là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng. Đoàn quân nhạc do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Mọi người kính cẩn nhìn lên lá quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột cờ cao ngất.Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Lời kêu gọi, chúc mừng giản dị, gần gũi thân thương của Bác cũng chính là nỗi niềm mong ước, niềm vui hòa cùng khúc hoan ca rộn ràng trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sỹ và người dân Hà Nội.
Chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu (ảnh Phú Lâm).
Trong không gian từng diễn ra lễ chào cờ cách đây 65 năm, các đại biểu, cựu chiến binh, các chiến sỹ, học sinh, sinh viên cùng nghiêm trang làm lễ chào cờ với niềm xúc động đặc biệt.
Tham dự lễ chào cờ hôm nay, đại tá Vũ Kiểm (94 tuổi), bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ và thời khắc vinh dự được làm lễ chào cờ trong ngày đầu tiên Hà Nội giải phóng. Ông chia sẻ “ Năm đó, tôi cùng các chiến sỹ sư đoàn 308 về Hà Nội trước 1 ngày để làm công tác tiền trạm, chuẩn bị tiếp quản. Chúng tôi về đóng quân trong thành, sáng 10/10, đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xe đến và hỏi có anh em nào người Hà Nội không, tất cả có 15 người lên xe đi thăm Hà Nội một vòng rồi buổi chiều tập kết về sân Cột cờ để làm lễ chào cờ”.
Các đại biểu và người dân còn được ôn lại truyền thống yêu nước và những câu chuyện lịch sử thông qua buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử: Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an); Trung úy Nguyễn Quang Tròn, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô; nhà sử học Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc…
Nhà sử học Dương Trung Quốc gặp gỡ các cựu chiến binh và các độc giả.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ những ký ức của ngày giải phóng Thủ đô. Trong tâm trí của một cậu bé mới 7 tuổi vẫn còn lưu lại những cảm xúc và không khí náo nức của người dân Hà Nội chờ đón ngày giải phóng như một khát khao và niềm hy vọng. Dân phố thì may cờ, trẻ em thì học hát, thật tất bật và vui tư ơi. Ông cũng trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách “ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”. Cuốn sách như một biên niên sử bằng hình ảnh, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử vô giá: Hà Nội khi quân Pháp rút; không khí chuẩn bị và thời khắc tiếp quản; lễ thượng cờ….
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã khai mạc triển lãm “Hà Nội mùa thu năm ấy” nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quân và dân Thủ đô trong giai đoạn 1946-1954. Triển lãm giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, với 3 chủ đề chính: Ra đi giữ trọn lời thề (Hà Nội 1946 – 1954); Hà Nội ngày trở về; và Xây dựng cuộc sống mới.
Triển lãm mở cửa từ 6/10/2019 – 25/12/2019.
Kim Yến