Phong tục ứng xử

12/05/2010 - 12:00 AM

Ứng xử với bản thân

" Người ta là hoa đất". Là hoa của miền đất luôn luôn được coi là "đệ nhất", 'thứ nhất Kinh kỳ", người Thăng Long - Hà Nội tự cảm thấy phải có những ứng xử phải đạo trong đời sống riêng tư cũng như trong sinh hoạt gia đình và xã hội, để có lòng tự hào về thuần phong mỹ tục xứng đáng với lời ca ngợi "người thanh tiếng nói cũng thanh" cũng tựa như "chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu".

Ý thức nói trên ăn sâu vào tâm lí cộng đồng, được củng cố bởi dư luận xã hội và thấm thía trong ý thức của mỗi người. Thăng Long là nơi cư trú của những cư dân từ bốn phương tụ hội: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Họ sinh sống bên nhau với (hoặc phải có) tình thân thiết, quan tâm, giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn. Không là dân cùng làng, nhưng đã là người "hàng phố", "hàng phường" với nhau thì vẫn phải sẵn sàng hoà hợp, giúp đỡ, kẻ đến trước bao dung kẻ đến sau, dù khác gốc quê. Do vậy, bản thân từng người đều tự thấy phải nâng cao tính cách hoà hợp, bao dung, cởi mở. Đó là nét xử sự đáng quý đầu tiên của người Hà Nội.
Một cách xử sự khác của cư dân ở đây là sự tự tin và nghị lực. Cũng bởi chốn Kẻ Chợ sầm uất vốn là nơi cạnh tranh, đọ sức đua tài dữ dội, phải nghề tinh, tài cao mới trụ nổi. Vì thế, đằng sau vẻ bề ngoài bình yên của Thăng Long - Hà Nội, là một cuộc cạnh tranh khá dữ dội, ngặt nghèo của tài và nghệ tứ chiếng nhưng khá ngặt nghèo. Cái còn lại, phát triển được chính là cái tiêu biểu, cái tinh hoa. Những gì xoàng xĩnh, vô bổ, sớm muộn đều bị đào thải. Cho nên hơn bất cứ nơi nào khác, tại đây con người cần phải có bản lĩnh, tự tin và nghị lực. Đấy là còn chưa kể rằng, từ thời kỳ Đại La mảnh đất này đã thành "bách chiến" nơi cứ dăm bảy chục năm đến một trăm năm lại là chiến địa (nội chiến hoặc chống ngoại xâm). ở một nơi như thế, muốn tồn tại, con người phải can trường.
Mặt khác như đã nêu ở các phần phong tục bên trên, người Hà Nội vốn có từ trong bản chất một nếp sống, nếp cư xử. Nhã nhặn, tôn trọng người đối thoại, chăm chút cái ăn, cái mặc, lời nói, tiếng nói, quan tâm và trọng thị bạn bè... Lớp thanh niên cùng trang lứa gọi nhau là anh - tôi (chứ không mày - tao), bậc trung niên trở lên trong những trường hợp sơ giao thường hay gọi nhau bằng "ông", thân thì gọi nhau bằng "bác". Phụ nữ, dù người đối thoại có ít tuổi hơn chút ít cũng gọi nhau là "bà", "bà chị", xưng "em"... tất cả những đức tính trên là do lối sống có văn hoá mà có.
Đó là cách cư xử đối với bản thân, chứa đựng những nhân tố cơ bản của nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Ứng xử với cộng đồng

Hơn ai hết, người Hà Nội rất tôn trọng cộng đồng vì họ vốn là người bốn phương về đây tụ hội. Không đoàn kết, nhường nhịn, đề cao cộng đồng thì khó tồn tại, với họ, những "người hàng phố" sát cánh nhau, cũng thân thiết chẳng khác gì người "hàng xóm" khi còn ở làng quê.
Trong cuộc sống hàng ngày, họ chia sẻ với nhau nỗi buồn và niềm vui. Hà Nội có câu: Văn ai tất điếu, nghe tiếng khóc là đến hỏi thăm. Họ giữ hoà khí, cận duyệt viễn lai, ở gần đẹp lòng, ở xa muốn đến.
Cả phố tránh mất lòng nhau, "chín bỏ làm mười", giữ gìn cho nhau, đi vắng thì gửi nhà nhau. Mãi về sau này đến tận những năm chống Mỹ 1961-1975, đi sơ tán gửi nhà nhau vẫn là chuyện thường thấy.
Ra quét hè, tiện chổi, quét sang cả cho hè hàng xóm. Bà dặn cháu: Chớ có được lòng ta, xót xa lòng người. Cha dặn con: cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người.
Khách đến nhà, không bao giờ cởi trần ra tiếp. Đang để đầu trần thì phải quay vào nhà trong chít khăn đã, rồi mới ra tiếp khách. Trong nhà còn vậy, nên khi ra đường không mặc cẩu thả, đó là ý tôn trọng người thiên hạ. Chỉ có người đang làm việc nặng là được ở trần. Áo quần không cần quý giá, chỉ cần mặc ngay ngắn, chỉnh tề. Áo vá không sao nhưng không mặc áo rách. Mặc áo hàng đắt tiền thì thường ý tứ phủ chiếc áo bình thường hơn ở bên ngoài.
Tất nhiên, không phải ai cũng được như vậy. Vì có một bộ phận chưa thấy thanh lịch là cần, cho nên chưa tự điều chỉnh mình, chưa rũ bỏ những lề thói thô phác, dữ dằn. Những người ấy, một là phải đợi thời gian để tự điều chỉnh và hai là sẽ chưa được coi là người "Tràng An".
Cũng có khi "phú quý sinh lễ nghĩa", một số người Hà Nội sửa đổi, thêm thắt, bày vẽ nhiều thủtục đặc biệt trong cưới xin, ma chay, giỗ tết, làm phong tục thành cầu kỳ, tốn kém tiền của.
Một cách ứng xử cũng rất Hà Nội là lòng hiếu khách. Ngày trước, trong những ngày hội hè lễ tiết thi cử, khách thập phương kéo về Thăng Long - Hà Nội rất đông. Nhưng họ không bị coi thường mà ngược lại, Thăng Long - Hà Nội đã sắp sẵn nước nôi, một vò chè vối, một nồi chè tươi được đặt bên hè, chén bát sạch sẽ để khách các nơi tiện việc giải khát. Tết Trung Thu, nhiều nhà bày cỗ xong rồi, khi vãn cuộc còn mời cả khách đi xem cỗ cùng tham gia phá cỗ. Đây là những dịp để người Thăng Long - Hà Nội tỏ lòng mến khách và cũng là dịp khách cảm nhận rõ hơn những nét đáng yêu của người Tràng An thanh lịch. Chẳng thế mà ca dao cổ có câu:
Nhất cao là núi Ba Vì
Nhất thanh, nhất sắc,
Kinh kỳ Thăng Long.


Phúc Vinh
* Bài viết trong cuốn “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” tập 1.

Các tin tức khác

Vui ngày hội kết đoàn năm 2023

14/11/2023 - 17.541 lượt xem
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020