Thực hiện Hướng dẫn số 27/HD-MTTW-BTT, ngày 28/4/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 08/5/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân đã xây dựng Kế hoạch số 24/KH-MTTQ-BTT giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, đồng thời ra Quyết định số 16/QĐ-MTTQ-BTT thành lập đoàn giám sát do đồng chí Khổng Minh Thảo - UVTV Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận làm Trưởng đoàn. Trước đó, ngày 07/5/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân đã triển khai Công văn số 43/MTTQ-BTT kèm theo Hướng dẫn 27/HD-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xuống 11 phường thuộc quận đề nghị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Từ ngày 18/5 đến 27/5/2020, Đoàn giám sát của Ban Thương trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận chủ trì, phối hợp với các Đoàn thể chính trị - xã hội, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội quận, Công an quận tổ chức giám sát theo Quyết định số 1757/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 11 phường và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, kết quả như sau:
Đối với người có công và gia đình chính sách hưởng trợ cấp trong tháng 4 năm 2020 có 2.332 người; danh sách đủ điều kiện chi trả theo Nghị quyết 42 là 2.065 người; danh sách quyết toán chi trả là 2.065 người. Tính hết đến ngày 05/5/2020, có 2.065/2.065 người đã được nhận chi trả hỗ trợ với tổng số tiền 3.087.000.000đồng (đạt 100%). Như vậy, trong 2.332 người có 267 trường hợp không được nhận chi trả theo Nghị quyết 42 gồm những đối tượng do trùng chế độ; tuất liệt sỹ tái giá; quân nhân xuất ngũ và những người đang phục vụ thương binh, chất độc hóa học.
Đối với đối tượng Bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, ngày 21/10/2013 của Chính phủ có 1.768 người; danh sách đủ điều kiện chi trả theo Nghị quyết 42 là 1.540 người; danh sách quyết toán chi trả là 1.539 người. Tính hết đến ngày 05/5/2020, có 1.539/1.540 người đã được nhận chi trả hỗ trợ với tổng số tiền 2.305.500.000đồng (đạt 99.99%). Như vậy, trong 1.768 người có 228 trường hợp không được nhận chi trả là những đối tượng do trùng chế độ và là những đối tượng chăm sóc người khuyết tật và có 01 trường hợp phường Thanh Xuân Trung được nhận trợ cấp nhưng do đã đi khỏi nơi cư trú, mất liên lạc, UBND phường đã làm văn bản đề nghị Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận tạm dừng chi trả trợ cấp đối với trường hợp này.
Qua thực tế giám sát nhận thấy Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận và UBND các phường đều đã thực hiện việc rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, triển khai đúng đối tượng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, chính xác và kịp thời; việc lập danh sách đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đang sinh sống tại phường do Chủ tịch UBND phường lập và được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường đảm bảo theo quy định.
Đoàn giám sát tại phường Thanh Xuân Trung
Như vậy, thông qua hoạt động giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quận đánh giá cao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, UBND 11 phường đã xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 1757/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác rà soát, lập danh sách, kịp thời xây dựng các phương án hỗ trợ cho các đối tượng. Trong thời gian tới, Đoàn cũng đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận và UBND các phường cần phối hợp tốt với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về đối tượng được hưởng thụ chính sách; việc rà soát nhóm đối tượng hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm tạm ngừng kinh doanh, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm cần có sự rà soát chặt chẽ, không để bỏ sót đối tượng; đồng thời có sự giám sát của Mặt trận, đoàn thể. Sau khi hoàn thành việc rà soát phải niêm yết công khai danh sách tại cơ sở để người dân giám sát, tiến hành tổ chức chi trả đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng được hỗ trợ./.
Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân