Trong 2 ngày 18-19/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây tổ chức giám sát công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại xã Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông và Xuân Sơn. Thành phần đoàn gồm: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; phòng kinh tế; phòng Y tế; Đội quản lý thị trường; Trạm thú y thị xã.
Các lực lượng chức năng tiêu hủy lợn ở xã Cổ Đông
Tính đến ngày 17/6, bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thị xã đã xảy ra tại 315 hộ của 62 thôn/ 10 xã, phường. Tổng số lợn đã tiêu hủy 6.697 con, trọng lượng 453.846 kg. Trong đó, riêng xã Cổ Đông xuất hiện 158 ổ dịch, tiêu hủy 2.853 con lợn với trọng lượng 186.484 kg; xã Sơn Đông xuất hiện 56 ổ dịch ở 14 thôn, tiêu hủy 712 con lợn, trọng lượng 48.450 kg, đây là hai đơn vị có số lượng lớn lợn bị dịch và tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đảng ủy các xã đã ban hành công văn, nghị quyết nhằm tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo tới các chi bộ và tổ chức đoàn thể về công tác phòng chống dịch; thành lập tổ công tác giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch của UBND. UBND các xã thực hiện tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn mắc bệnh đảm bảo đúng quy trình theo phương châm 4 tại chỗ, huy động nhân lực, vật tư phục vụ tiêu hủy, có biện pháp quản lý hố chôn mắc dịch. Xã Cổ Đông thành lập 16 chốt, Sơn Đông thành lập 4 chốt, Kim Sơn thành lập 6 chốt, Xuân Sơn thành lập 8 chốt kiểm dịch động vật, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc phương tiện ra vào vùng dịch; tăng cường thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc môi trường toàn địa bàn liên tục 1 lần/ ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo tính từ ngày phát sinh ổ dịch đầu tiên; hoàn thiện các chứng từ trình UBND thị xã chi trả chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các hộ chăn nuôi lợn buộc phải tiêu hủy do mắc bệnh dịch; công khai định mức hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng phát hiện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tình hình dịch trên địa bàn thị xã có chiều hướng lan rộng, mức độ kiểm soát dịch hạn chế, gặp nhiều khó khăn về địa điểm tiêu hủy, thiếu kinh phí, nhân lực, vật lực, trang thiết bị bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư; việc kiểm soát giết mổ còn hạn chế…
Qua giám sát, kiểm tra thực tế tại các chốt kiểm dịch, địa điểm tiêu hủy lợn mắc dịch, Đoàn giám sát đề nghị: Các đơn vị tiếp tục triển khai các phương án phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên sóng phát thanh, trực quan, lưu động, cấp phát tờ rơi, trong đó yêu cầu thực hiện tốt nguyên tắc "5 không" (không giấu dịch, không mua bán lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý và phương châm "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ). Các cơ sở cân đối ngân sách cho công tác phòng chống dịch, dự trữ thêm vôi bột và các vật tư cần thiết khác; tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch; công bố giá hỗ trợ để người dân nắm bắt và chủ động phối hợp thực hiện; chủ động ngăn chặn, khống chế không để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng…
Để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, sau giám sát MTTQ thị xã kiến nghị Thường trực Thị ủy, UBND thị xã chỉ đạo: Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, tập trung và đồng bộ của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn, cám bã…trên địa bàn, nhất là các địa bàn trong phòng dịch; tổ chức trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp phòng dịch hiệu quả ở các hộ chăn nuôi để tuyên truyền, vận động triển khai các giải pháp phòng, dịch hiệu quả ngay từ các hộ, không để lây lan ra cộng đồng; đề xuất, phối hợp thành lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển lợn, cám… trên các tỉnh lộ, quốc lộ. Chỉ đạo tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo định kỳ, nhất là ở các khu vực chợ, vùng có dịch; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc làm hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán kinh phí phòng, dịch, nhất là chi trả tiền bồi dưỡng cho lực lượng tham gia./.
MTTQ thị xã Sơn Tây