Truyền
thống là những tục lệ, trật tự, quy tắc ứng xử, phong tục tập quán đã
đạt tới giá trị chuẩn
mực trên các lĩnh vực của lối sống, được truyền
từ đời này sang đời khác.
Mỗi dân tộc đều có truyền thống của mình. Truyền thống là dòng chảy
liên tục nảy sinh, tồn tại, phát
triển trong suốt tiến trình dựng nước,
giữ nước của cha ông
ta. Truyền thống là nền tảng của hiện tại, là bệ
đỡ cho tương lai. Đây là cơ chế tích lũy, lưu truyền, chắt lọc, chuyển
giao, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này qua đời khác,
từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác.
Truyền thống là cái tồn tại mãi với dân tộc “sau tất cả những gì đã mất
trong quá trình vận động”.
Con người phải biết quá khứ của mình, mỗi dân tộc
phải biết lịch sử của mình. Đánh mất quá khứ, mất truyền thống tức là
đã đánh mất chính mình.
Trong các truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, nổi bật là truyền
thống yêu nước. Dân tộc nào cũng yêu nước, tuy nhiên yêu nước ở Việt
Nam lại có những nét độc đáo riêng. Lịch sử chống giặc ngoại xâm, lịch
sử mấy ngàn năm, nhưng tiếng súng mới sững lại cách đây khoảng 30 năm.
Yêu nước đã trở thành tiêu chí để đo phải, trái, tốt, xấu, nên làm hay
không nên làm. Yêu nước đã trở thành thước đo giá trị nhân phẩm con
người. Yêu nước đã chi phối mỗi con người Việt Nam trong suy nghĩ, tư
duy và hành động.
Ngoài ra chúng ta còn nhiều truyền thống quý giá khác như:
+ Truyền thống cố kết cộng đồng sâu sắc. Cộng sinh, cộng hưởng, cộng
tồn; gia đình, làng, nước cố kết tác động đến từng con người và từng tổ
chức trong cộng đồng.
+ Cần cù dũng cảm, sáng tạo trong lao động.
+ Lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”.
+ Lối sống trung thực, tình nghĩa, thủy chung, khiêm tốn, giản dị, tế nhị.
+ Hiếu học
+ Lối sống thanh lịch, nét đặc sắc của người Thăng Long - Hà Nội...
Những đặc trưng cơ bản trên của truyền thống Việt Nam đã được hun đúc
kết tinh trong suốt hơn 4000 năm lịch sử. Dân tộc Việt Nam đã phát huy
mọi sức mạnh, tinh thần, ý chí quật cường của mình trong đấu tranh với
thiên nhiên, với kẻ thù xâm lược, với xã hội và với chính bản thân mình
để hình thành nên những đặc trưng phẩm chất truyền thống. Đến lượt nó,
những phẩm chất truyền thống được hình thành, phát triển lại hun đúc,
phát triển bản lĩnh Việt Nam và ý chí Việt Nam.
Ngoài những giá trị truyền thống chung, ở Thăng Long - Hà Nội còn được ghi nhận: nét đặc sắc nổi trội là lối sống: thanh lịch.
Đặc trưng nổi trội của người Hà Nội được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch
sử đó là: Thanh lịch, từ điển tiếng Việt (xuất bản lần thứ 2 - NXB Khoa
học xã hội, H, 1997, tr.716) có ghi: Thanh lịch là “nhã nhặn và lịch
sử”. Như vậy, người thanh lịch là người “nhã nhặn và lịch sử”.
Trong hầu hết các nghiên cứu vừa qua, các tác giả đều khẳng định thanh
lịch là nét đẹp truyền thống của người Hà Nội từ xưa đến nay. Thanh
lịch không chỉ là biểu hiện bên ngoài mà còn chứa đựng cái cốt lõi của
bản sắc dân tộc (GS Vũ Khiêu). Hơn nữa có một nếp sống thanh lịch
truyền thống mang sắc thái riêng Hà Nội đích thực (Giang Quân: Giao
thoa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống người
Hà Nội hôm nay).
Nói đến “thanh” là đề cập tới thanh cao, thanh khiết, thanh bạch, thanh
liêm, thanh đạm, thanh tịnh, thanh tú, thanh thản trong lối sống, trong
tình cảm, tâm hồn; là sự thanh nhã (nhã nhặn) trong ứng xử, cử chỉ,
hành động, nói năng; là thanh trong, thanh thoát, cao đẹp trong suy
nghĩ, tư duy, tư tưởng.
Còn nói đến “lịch”, phải chăng trước hết là “lịch duyệt”. Từ điển tiếng
Việt viết: lịch duyệt - con người lịch duyệt: con người từng trải
nhiều, trông thấy và biết nhiều, con người hiểu biết. Lịch còn là lịch
lãm, lịch thiệp, lịch sự: biết cách giao thiệp, xử thế theo phép tắc
được xã hội công nhận và ca ngợi, khiến người có quan hệ với mình được
vừa lòng vì ngôn ngữ và cử chỉ của mình. Như vậy ở con người cần cả
“thanh” và “lịch”.
Thanh lịch của người Hà Nội đã bao quát một lối sống đẹp, một phong
cách sống đẹp từ trong gia đình đến ngoài xã hội; từ ăn ở đến ứng xử
người - người, toát lên trong sự tự trọng và tôn trọng mọi người để
người khác tôn trọng mình.
Cái thanh lịch của người Hà Nội trước hết ở tiếng nói. Ngôn ngữ Hà Nội
thành ngôn ngữ chuẩn quốc gia: phản ánh chính xác, phát âm mẫu mực, sử
dụng uyển chuyển, mềm dẻo, hoạt bát, lưu loát, nói có hồn, lôi cuốn, có
duyên.
- Người thanh tiếng nói cũng thanh
- Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe
Tiếng nói phát ra từ người Hà Nội là tiếng nói tự trọng, tôn trọng
người nghe: “Mềm mỏng mà không yếu ớt, tự tin mà không kiêu ngạo, trí
tuệ mà không khoe khoang, chắt lọc mà không kiêu kì, nhanh nhạy mà
không nôn nóng, giản dị mà không đơn giản, kính trọng mà không nịnh bợ”.
Cách nói như vậy đã loại trừ sự thô thiển, tùy tiện, tục tằn, xô bồ...
Bởi vậy, trên đường phố hiện nay, ta còn không vui khi nghe những lời
thô tục... cái đó không phải là tiếng nói người Hà Nội.
Trong xưng hô, người Hà Nội phân biệt tuổi tác, trọng già, quý trẻ, đi thưa, về gửi, biết chào, biết cảm ơn, xin lỗi.
Thanh lịch của người Hà Nội không chỉ ở nói, mà điều quan trọng hơn là
nói đi liền với làm, với hành động. Người Hà Nội luôn luôn ý thức cao
trong làm việc tốt, làm việc thiện, làm vì người thân, vì cộng đồng.
Làm việc tốt được thể hiện phổ biến ở công việc hàng ngày, việc trong
nhà, việc thôn xóm, việc tổ dân phố, việc cơ quan, việc nước. Đây là
nét chủ đạo ở người Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta hay bắt
gặp đâu đó trên đường phố Hà Nội có những người, có những việc không
đẹp mắt, thậm chí có những việc làm ta nhức nhối như: đeo bám theo
người nước ngoài để bán hàng, ăn xin, trẻ lang thang, tiểu tiện tùy
tiện hay các hành vi tỏ tình giữa ban ngày của không ít các đôi nam nữ
nơi công viên, nơi công cộng, tình trạng thích chen lấn, vứt rác bừa
bãi, đổ trộm phế thải ra đường, đua xe trái phép cùng các tệ nạn xã
hội... Đây là những việc làm xấu, phản thanh lịch mà chúng ta phải kiên
quyết khắc phục.
Tuy nhiên, trong truyền thống có những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức
phong kiến, kiểu ứng xử theo lối sản xuất nhỏ... đã tác động không
thuận chiều, gây trở ngại cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đương nhiên, trong xã hội phong kiến Việt Nam có đạo đức của giai cấp
phong kiến nhưng cũng có đạo đức của những người lao động trong xã hội
phong kiến. Hai nền đạo đức này dựa trên những lợi ích cơ bản đối
nghịch nhau, do đó đã đấu tranh quyết liệt với nhau.
Hai nền đạo đức này không có bức tường ngăn cách tuyệt đối, chúng ảnh
hưởng nhau nhưng vẫn khác nhau về chất. Đó là đạo đức của giai cấp
phong kiến thống trị và đạo đức của nhân dân lao động trong xã hội
phong kiến.
Có thể nhận thấy một sự đối lập rõ rệt khi đem so sánh những đặc trưng
của đạo đức truyền thống với đặc trưng đạo đức phong kiến.
+ Đạo đức truyền thống là vị tha thì ngược lại đạo đức phong kiến là vị kỷ.
+ Đạo đức truyền thống là tinh thần bình đẳng thì đạo đức phong kiến là đẳng cấp, tôn ti trật tự nặng nề.
+ Đạo đức truyền thống là tôn trọng dân chủ thì đạo đức phong kiến là gia trưởng.
+ Đạo đức truyền thống có tính cộng đồng cao thì đạo đức phong kiến là bè phái, cục bộ.
+ Đạo đức truyền thống là yêu mến con người, tôn trọng phụ nữ và lớp
trẻ thì đạo đức phong kiến lại coi khinh người lao động (nhất là lao
động chân tay), coi khinh phụ nữ và coi thường lớp trẻ.
+ Đạo đức truyền thống ca ngợi sự trung thực, giản dị thì đạo đức phong
kiến lại ngạo mạn trong sự xa hoa và nặng thói “đạo đức giả”...
Như vậy, có thể nhận định rằng: đạo đức truyền thống và đạo đức phong
kiến (trong giai đoạn xã hội phong kiến) không tách rời nhau mà sự liên
hệ, tác động nhau, nhưng về cơ bản đạo đức phong kiến đã đối lập với
đạo đức truyền thống.
Những nét tiêu cực hạn chế của truyền thống phong kiến hiện nay vẫn đang ảnh hưởng đáng kể đến đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bên cạnh những yếu tố do ảnh hưởng của đạo đức phong kiến, cần phải kể
đến thói tự do, tùy tiện, vô kỷ luật, tư duy và tầm nhìn hạn hẹp, cách
ứng xử đố kỵ, “xấu đều hơn tốt lỏi”, thiếu bản lĩnh, chính kiến... của
kiểu sản xuất nhỏ, thực sự cũng đang tác động không thuận chiều tới xây
dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Với người Hà Nội, khoảng 3/4 người nhập cư trong vòng 3,4 thập kỷ gần
đây, từ nhiều làng quê của các tỉnh khác nhau, Hà Nội mở rộng, sẽ có
tới 88,3% diện tích và trên 62,5% dân số sống ở vùng nông thôn.
Không phải ngẫu nhiên, mà trước đây Hoài Thanh đã nói sống ở phố mà
“mỗi người Việt Nam đều có một người nhà quê”. Vấn đề phải làm gì và
làm như thế nào để hình thành một nếp sống đô thị.
Hay nói như kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: “Hà Nội có rất nhiều đường,
phố từ “làng” chuyển lên. Quá trình này đã diễn ra từ rất lâu và bây
giờ vẫn đang tiếp diễn. Bản thân tôi là người Hà Nội, gia đình chúng
tôi đã ở Hà Nội rất lâu đời, nhưng tôi vẫn luôn nhận thấy sự thôn quê
trong mỗi chúng tôi. Mỗi một gia đình Hà Nội cũng vậy, luôn đặt một
chân ở thôn quê. Có lẽ đặc trưng của mỗi chúng ta vẫn là những người
nông dân ở chung với nhau trong một khu đô thị”. Hoặc như nhận xét của
nghệ sĩ người Anh Barnaby: “So với một làng quê thì thành phố có rất
nhiều lợi thế về mặt vật chất, nhưng đó cũng chính là điểm yếu của nó,
khi mối tương tác giữa người với người, giữa mỗi cá nhân với cộng đồng
giảm thiểu đi”.
Khi nghiên cứu đặc trưng người Hà Nội, song song với việc làm rõ những
phẩm chất tốt đẹp, các tác giả cũng đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế
trong tính cách và trong nếp sống người Hà Nội. Đó là người Hà Nội đề
cao quá mức tính hàn lâm, bác học, nặng về lý thuyết, khiến sự học để
áp dụng vào thực tế bị coi nhẹ; người Hà Nội cẩn thận, chắc chắn, thành
ra dè dặt, thiếu quyết đoán, chậm đổi mới, không dám đột phá làm ăn
lớn; Quá kín đáo, giữ gìn, dẫn đến khách sáo, thiếu chân tình, thiếu
thẳng thắn và trong một chừng mực nhất định, có biểu hiện coi thường
tỉnh lẻ. Quá tự tôn, sĩ diện thành ra không dám nhìn thẳng vào chấp
nhận sự thật, ưa nêu thành tích hơn nêu khuyết điểm....
Đây cũng là những yếu tố tác động không thuận tới xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.