Ngày 22/7/2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị toạ đàm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và sơ kết công tác TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ0, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật 6 tháng đầu năm 2020.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, đại diện Ban Dân vận, Ban Nội chính Thành uỷ, đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Thanh tra Thành phố, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã; một số Trưởng Ban TTND phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm, các Ban TTND đã tổ chức 3.457 cuộc giám sát, phát hiện 582 vụ việc vi phạm, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền tổng số 559 vụ việc, được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 533 vụ việc (đạt 95,35%). Thông qua hoạt động giám sát đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi 278 m2 đất và 3 triệu đồng. Các Ban GSĐTCCĐ trên địa bàn Thành phố đã tham gia giám sát 1.811 công trình, dự án. Thông qua hoạt động giám sát Ban GSĐTCCĐ đã phát hiện 111 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 99 vụ vi phạm. Thông qua hoạt động giám sát đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển Kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn ở mỗi địa phương; ngăn ngừa, phát hiện những sai phạm trong quá trình thực hiện Pháp luật ở cơ sở và việc triển khai các dự án đầu tư ở địa phương đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó MTTQ các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, với tổng số 7.069 hội nghị và 690.504 lượt người được tuyên truyền, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, thành phố và địa phương. Thực hiện tốt công tác phối hợp tham gia hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 1.930 vụ việc; đã hòa giải thành 1.505 vụ việc (đạt 77,98%), qua đó đã góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, tăng cường tình đoàn kết và ổn định trật tự tại cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ và hoạt động tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là: Ở một số xã, phường, thị trấn, cấp uỷ Đảng, chính quyền còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện đối với công tác TTND, GSĐTCCĐ, còn coi đây là việc của Mặt trận; việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của Ban TTND, Ban GSĐTCCD còn chậm hoặc chưa được giải quyết triệt để, nhất là những kiến nghị về chính sách đền bù GPMB, cấp GCNQSDĐ... làm giảm hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác phối hợp giữa MTTQ với chính quyền cơ sở và các tổ chức thành viên có lúc, có nơi còn chưa thật chặt chẽ, kịp thời; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các Ban TTND hoạt động. Một số Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ còn thụ động trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, xây dựng chương trình công tác; chế độ sinh hoạt chưa được duy trì thường xuyên. Công tác nắm bắt, phát hiện những vụ việc phát sinh trong nhân dân còn chưa kịp thời. Trình độ, năng lực của một số thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát còn hạn chế. Hầu hết các hoạt động GSĐTCCĐ mới chỉ tập trung vào các dự án đầu tư các công trình phúc lợi của địa phương, việc tiếp cận để thực hiện giám sát đối với các công trình, dự án do Thành phố, quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chủ đầu tư còn thiếu hợp tác, không cung cấp các hồ sơ liên quan đến công trình, dự án khi được Ban TTND, GSĐTCCĐ yêu cầu. Việc cấp kinh phí hoạt động cho Ban TTND tuy đầy đủ theo quy định, nhưng chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Kinh phí của Ban GSĐTCCĐ hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 84 của Chính phủ, tuy nhiên mức kinh phí này được thực hiện theo đơn vị hành chính (xã, phường, thị trấn), đối với những địa phương có nhiều công trình, dự án được triển khai thì mức kinh phí này không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giám sát.
Tại Hội nghị đã có 15 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu trao đổi về những kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của Ban TTND trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định 159 năm 2016 của Chính phủ; Những giải pháp trong quá trình tổ chức hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của Ban TTND trên địa bàn Thành phố; Những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong hoạt động giám sát của Ban TTND. Đồng thời đề xuất những kiến nghị với Trung ương và Thành phố về công tác tổ chức, về sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Cấp uỷ, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội; về nhiệm kỳ của Ban TTND nên theo nhiệm kỳ của Ban công tác Mặt trận (5 năm), về kinh phí hoạt động của Ban TTND hiện nay quá thấp không đáp ứng được so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao hiện nay; về nghiên cứu, xem xét có phụ cấp cho Trưởng Ban TTND, hay nhìn nhận chức danh Trưởng Ban TTND là chức danh không chuyên trách cấp xã; về bầu thành viên Ban TTND; về tổ chức Ban TTND ở những khu chung cư, khu đô thị lớn...
Đ/c Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố đánh giá cao hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ trên địa bàn thành phố đã làm rất tốt vai trò thanh tra, vai trò giám sát của mình để nâng cao chất lượng, nâng cao “tuổi thọ” các công trình. Tại địa bàn dân cư, những công trình, những phần việc và những bất cập tại cơ sở các Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ đều nắm được và cũng đã có ý kiến gửi tới cấp ủy, góp phần ổn định tình hình địa phương. Mặt trận là cấu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân cho nên Mặt trận phải lắng nghe tâm tư, thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân. Do đó, trách nhiệm của MTTQ và Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ là phải giúp chính quyền, tham mưu để cùng giải quyết những điểm nóng có thể phát sinh.
Từ Ngọc Lâm