VĂN HOÁ ĐÔ THỊ

12/05/2010 - 12:00 AM

Văn hoá đô thị bao gồm nhiều mặt, trong phạm vi bài này chỉ đề cập đến văn minh đường phố, giữ gìn bộ mặt của Thủ đô sao cho phong quang sạch đẹp.
Nói chung, phần lớn người dân đều quan tâm trước hết đến vệ sinh gọn ghẽ trong nhà mình, từ cửa nhà trở vào còn phía ngoài thường dễ dãi cho qua. Cái cảnh "cha chung không ai khóc" cũng diễn ra phổ biến ở các chung cư, các nhà tập thể. Nhà nào cũng sạch bong, để giày dép bên ngoài, nhưng ở hành lang, cầu thang, chiếu nghỉ…đầy rác rưởi hoặc xếp đống những đồ dùng gãy hỏng, loại bỏ...

 

Ở các vỉa hè các đường phố buôn bán đông vui, cảnh lộn xộn, bừa bãi, tuỳ tiện gần như đã trở thành "chuyện thường ngày ở... phố". Nhà nào cũng muốn nhô ra chiếm lĩnh không ít thì nhiều cái mặt tiền giá trị. Cái tủ, cái quầy kê thò ra, mắc treo hàng quần áo đua ra hoặc đưa bổng lên cao. Người đi bộ không để ý có thể bị tà váy dài, gấu quần quệt lên đầu tóc.
Ghê nhất là phải đi qua các quán ăn uống. Nào là cáo lò than tổ ong tự do phun khói quạt lò làm ô nhiễm cả một đoạn phố. Nào là mùi chả nướng bốc lên quyện với mùi khói khét lẹt ám vào quần áo khách bộ hành, đi xa vẫn còn phảng phất "dư hương". Nào là nhà hàng ung dung bê cả chậu nước rửa bát to đùng hắt thẳng ra mặt đường, mặc cho nước gạo, cơm thừa, cọng rau bám đầy mỡ vung vãi. Nào là xe máy, xe đạp để ngổn ngang chiếm hết vỉa hè, người đi bộ chỉ còn có nước xuống đường đi chung với xe cộ, mắt trước mắt sau, chỉ lo bị va quệt không gãy xương thì cũng tím da.
Một số phố thực hiện văn minh đô thị không cho để xe trên hè, nhưng vì không có khu vực gửi xe, thế là phường "sáng kiến" cho để xe máy dưới lòng đường thu hẹp mặt bằng của xe cơ giới qua lại. Rõ là được cái nọ thì hỏng cái kia. Đã đến lúc cần nghiên cứu vỉa hè đường phố, tuỳ địa thế rộng hẹp mà quy định chỗ để xe cho thoả đáng, phù hợp với nhu cầu của khách mua bán, mà vẫn đảm bảo lối đi thông thoáng cho khách bộ hành. Việc đảm bảo trật tự trước cửa hàng phải được giao cho chủ nhân các hộ kinh doanh ấy đảm nhận, hướng dẫn khách để xe đúng nơi quy định. Ai làm sai sẽ bị phạt.
Nạn quảng cáo, biển hiệu treo la liệt, cái thấp, cái cao, cái che khuất tầm nhìn, cái dựng lừng lững bên đường... cùng với những mái hiên, mái vẩy đủ loại gây phản cảm cho người đi lại. Cũng cần nói đến nội dung các biển hiệu quảng cáo. Bệnh "sính" chữ nước ngoài đã lan rộng. Chỗ nào cũng đề chữ Anh, chữ Pháp, chữ Hoa kể cả các hàng chẳng phải phục vụ cho khách nước ngoài. Tệ hơn là còn viết sai chữ, làm cho người hiểu biết chê cười.
Trên hè phố ta gặp không ít các ghế đẩu, ghế tựa để ngoài cửa hàng cho ông bà chủ hoặc cô tiếp thị ngồi đón khách. Thứ "chướng ngại vật" này hình như không được đội trật tự đường phố quan tâm. Thấy có khách nước ngoài dừng chân ngắm hàng là họ niềm nở tiếp cận mời chào. Nếu khách không mua gì của họ vào buổi sáng là sẽ được tiễn chân bằng cái nguýt dài hoặc một câu chửi tục "mất vệ sinh", thậm chí là được họ đốt vía bằng mảnh giấy bén lửa ném ra đường.
Còn đi qua các đoạn phố ẩm thực, ta sẽ bị một bầy đông đảo các tiếp viên đón chặn đầu xe, lôi kéo vào hàng không chút lịch sự, nể nang. ở các khu phố cổ đông đảo khách du lịch còn những người bán sách, báo, bản đồ, bưu ảnh, đồ lưu niệm... đeo bám khách. Chuyện không đẹp này làm giảm tình cảm của khách với du lịch Việt Nam .
Phía mặt tiền nhà phố bên dưới là thế, còn phía trên lại trưng ra các dây phơi phóng rỏ nước xuống đầu người đi. Có nhà móc mắc áo vào cả dây điện. Có nhà để ống thoát nước máy lạnh trút xuống hè. Có nhà bưng bít ban công bằng cót nứa, giấy vỏ hộp lấy chỗ giặt giũ, đun nấu... làm cho cảnh quan phố phường bị ảnh hưởng.
Vì một Hà Nội trật tự, văn minh, mỗi người, mỗi nhà cần soi lại mình, để Thủ đô xứng đáng với tầm vóc một thành phố hàng đầu của đất nước.

* Bài viết trong cuốn “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” tập 1.
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020