Việc nhập sáp thôn, tổ dân phố sẽ được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng

19/11/2019 - 01:51 PM
Sáng 19-11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố “Về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019”. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố và đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội nghị


Mở đầu hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Thành phố báo cáo kết quả khảo sát về sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tại 4 quận, huyện: Mê Linh, Phúc Thọ, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm. Theo đó, đại bộ phận nhân dân đồng tình với chủ trương của Thành phố, tuy nhiên, còn băn khoăn về việc phải thay đổi các loại giấy tờ tùy thân; về sắp xếp, sử dụng các cơ sở vật chất, nhà văn hóa; việc sáp nhập sẽ làm tăng quy mô thôn, tổ dân phố, dẫn đến áp lực đặt ra đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cũng tăng lên... Ngoài ra, một số thôn có sự tách biệt về địa lý hoặc có sự khác nhau về tôn giáo; việc đặt tên thôn, tổ dân phố sau sáp nhập cũng là một khó khăn. 
 
Trên cơ sở đó, đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ Thành phố kiến nghị trong quá trình sáp nhập, đổi tên các thôn, tổ dân phố cần phải rà soát cụ thể, nhất là những nơi có khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thành phố giải quyết; nên có định hướng về tên gọi các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập để lấy ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận; có chính sách quan tâm đến đội ngũ cán bộ, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp...
 
Tiếp đó, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn đã báo cáo về tờ trình của UBND Thành phố, dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố (gồm 2.519 thôn và 5.145 tổ dân phố). Sau khi UBND Thành phố ban hành Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố, có 22/30 quận huyện đã hoàn thiện các quy trình từ cơ sở, xây dựng hồ sơ báo cáo UBND Thành phố để trình HĐND Thành phố thông qua. Cụ thể, tổng số thôn, tổ dân phố còn lại sau khi thực hiện sáp nhập là 5.146 (giảm 2.824 thôn, tổ dân phố).
 
Đặc biệt, căn cứ vào thực tiễn hoạt động của thôn, tổ dân phố và ý kiến cử tri, Sở Nội vụ đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố để xin ý kiến Bộ Nội vụ về việc bố trí phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố. Theo đó, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất với Thành phố bố trí phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố đối với tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn; đối với các thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên thì căn cứ vào hoạt động thực tiễn của địa phương có thể xem xét, bố trí thêm 1 phó trưởng thôn, phó tổ trưởng dân phố.
 
Tại hội nghị, phản biện về Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố, các đại biểu, thành viên MTTQ Thành phố cho rằng, việc sáp nhập, sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố là một việc lớn, tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân, do vậy, quá trình thực hiện phải được xem xét kỹ lưỡng, triển khai thận trọng, đặt vấn đề ổn định lên trên hết, đặc biệt trong năm 2020 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp và nhiều sự kiện chính trị quan trọng, cũng như bối cảnh Thành phố đang chuẩn bị triển khai Đề án thí điểm quản lý theo  mô hình chính quyền đô thị.
 
Các đại biểu đề nghị, trong quá trình thực hiện phải tính đến các yếu tố, đặc điểm về văn hóa, tôn giáo của từng cộng đồng. Bởi thực tế, hiện nay, nhiều thôn lên tổ dân phố, nhiều xã lên phường nhưng vẫn sống và làm việc theo văn hóa làng xã. Ngoài ra, một số thôn, tổ dân phố hiện đã thiếu các thiết chế sinh hoạt cộng đồng, sau sáp nhập quy mô tăng lên thì vấn đề này lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt, quan tâm hơn đến hoạt động của các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập để các phong trào không bị đi xuống.
 
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị, cùng với sáp nhập thì phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành từ chính quyền cơ sở, qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động; có quy chế hoạt động, phân định rõ nhiệm vụ giữa thôn, tổ dân phố với chính quyền cấp xã, cấp huyện để không dồn việc xuống cấp dưới; chỉ đạo đồng bộ các ngành trong hỗ trợ đổi giấy tờ tùy thân cho người dân. Đối với những thôn có trên 1.200 hộ, những tổ dân phố trên 1.000 hộ thì phải tiến hành chia tách để đảm bảo hoạt động.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND Thành phố là việc triển khai phải thận trọng, chắc chắn, có lộ trình, không nóng vội, đồng thời, yêu cầu các quận, huyện rà soát lại một lần nữa, nắm chắc tình hình, nếu có vấn đề phát sinh thì giải quyết kịp thời. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố nêu rõ, xu hướng chung là việc quản lý địa bàn dân cư phải đổi mới, hướng đến vận động, tự nguyện, tự quản. “Thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện”, đồng chí nhấn mạnh.
 
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Nguyễn Lan Hương đánh giá cao, tiếp thu những ý kiến phản biện của các đại biểu, trên cơ sở đó, MTTQ Thành phố sẽ tổng hợp, tham gia ý kiến với UBND Thành phố, HĐND Thành phố hoàn thiện dự thảo Nghị quyết cũng như sẽ theo dõi, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố nhấn mạnh, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố gắn với triển khai Đề án 21 của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp, kiêm nhiệm đội ngũ người hoạt động không chuyên trách không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. MTTQ các cấp cần vào cuộc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, không coi đây chỉ là việc của cấp ủy, chính quyền, đồng chí Nguyễn Lan Hương nêu rõ.
Theo CTTĐT

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020