Sáng 3-10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2019 đã diễn ra với sự tham dự của 241 đại biểu chính thức. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.
Đại biểu trung ương dự đại hội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông; cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, bộ, ngành.
Đại biểu thành phố Hà Nội có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố - Trưởng ban Chỉ đạo đại hội Nguyễn Văn Sửu; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố và đại diện Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố.
Cổ vũ, động viên đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp xây dựng Thủ đô
Đọc diễn văn khai mạc đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo đại hội Nguyễn Văn Sửu nhiệt liệt chào mừng 241 đại biểu đại diện cho hơn 108.000 đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong toàn thành phố đang phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực tất cả vì sự phát triển, đi lên của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu khẳng định, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sâu sắc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu khẳng định, tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và trong cương lĩnh của Đảng, Đảng ta đều khẳng định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số của cả nước, trong đó có đồng bào dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
Đại hội cũng tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước...
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu đề nghị, mỗi đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, tính sáng tạo, thực hiện tốt nội dung, chương trình đại hội đã đề ra, góp phần vào thành công của đại hội.
Các xã dân tộc miền núi hằng năm tăng trưởng trên 12%
Trình bày tóm tắt báo cáo chính trị tại đại hội, Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh cho biết, người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện với trên 55.000 người, chủ yếu là dân tộc Mường và Dao.
Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 12%, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đạt khoảng 35 triệu đồng/năm.
Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn 3,7%, dự kiến hết năm 2019 còn 3%. Có 7/14 xã vùng dân tộc thiểu số của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. 100% số xã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia.
Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đạt 100%; số trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 53,22%. 14/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% số người nghèo, cận nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% số xã có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình.
Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được đồng bào ủng hộ và thực hiện có hiệu quả. Đồng bào dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt...
Những kết quả của công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố trong giai đoạn 2014-2019 đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô.
Chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, báo cáo cũng nêu 6 bài học kinh nghiệm về công tác dân tộc, trong đó, cùng với việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng và các chính sách dân tộc của Nhà nước thành những chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể; cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi...
Đặc biệt, các cấp, ngành liên quan cần làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, phát huy vai trò, trách nhiệm của người có uy tín và trưởng thôn; kịp thời động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số...
Phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào
Tại đại hội, các đại biểu đã tham luận, đánh giá cao sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên những đổi thay rõ nét, tạo động lực để đồng bào vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần... Các đại biểu đã nêu bật những cách làm hay, mô hình hoạt động sáng tạo từ thực tiễn công việc của mình.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Đồng Rằng (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) cho biết, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số, là hết sức quan trọng. Muốn vận động được nhân dân thì trước hết, người trưởng thôn phải thực sự hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.
Bằng những kiến thức, kinh nghiệm và sự nỗ lực của bản thân, ông đã vận động được 32 hộ hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; vận động quyên góp ủng hộ các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động xã hội tình nguyện khác được hàng trăm ngày công và hơn 50 triệu đồng; hòa giải thành công hàng chục vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng..., từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Với bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, trong vai trò, nhiệm vụ của mình, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và Đảng ủy xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Yên Trung cùng các tổ chức thành viên đã thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động từng người dân, hộ dân xây dựng ý thức và trách nhiệm cụ thể trong giữ gìn thuần phong mỹ tục, thực hiện các tiêu chí theo nếp sống văn hóa mới; duy trì, củng cố và phát triển những sinh hoạt văn hóa bản sắc của địa phương...
Đến nay, cả 7 thôn của xã Trung Yên, mỗi thôn có 1 bộ cồng chiêng phục vụ các hoạt động cộng đồng trong thôn, xã, cũng như các sự kiện quan trọng của huyện. Đặc biệt, nhân dân xã đã tích cực thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ, nhất là trong thực hiện tang lễ văn minh tiến bộ... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai rộng khắp. Hằng năm, trên 90% số hộ và trên 85% số thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa...
Chăm lo, đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chăm lo, đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ hơn, kinh tế từng bước phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đồng bào tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, xây dựng vững chắc.
Đánh giá cao công tác dân tộc và chính sách dân tộc thành phố Hà Nội thực hiện trong thời gian qua, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị, thành phố tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế, tạo sinh kế mới cho đồng bào dân tộc thiểu số; tạo xung lực mới theo hướng ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, dạy nghề, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm để phát triển các dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thành phố cần có phương án bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số…
Tiếp thu ý kiến của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nghị quyết, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô.
Trong giai đoạn 2013-2015, ngân sách thành phố đã bố trí 837,5 tỷ đồng để triển khai thực hiện 105 dự án; giai đoạn 2016-2020, ngân sách thành phố dự kiến bố trí nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, đến nay đã cấp 850 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các dự án được thực hiện bảo đảm tiến độ, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các quận cũng đã hỗ trợ 92 tỷ đồng để xây dựng 46 nhà văn hóa thôn ở các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi thành phố.
“Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố vững chắc, lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, tăng cường… Không ít già làng, trưởng dòng họ tộc đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã nêu một số hạn chế, tồn tại và đề nghị, các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cùng với việc phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các ngành, các cấp cần có giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội; phát triển toàn diện văn hóa các dân tộc thiểu số; chú trọng chính sách đặc thù tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số; động viên người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng đại hội bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Dịp này, 5 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 15 tập thể (trong đó có Ban Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Hànộimới), 28 cá nhân tiêu biểu cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố.
Sau khi thông qua Quyết tâm thư, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III đã bế mạc.