Chiều ngày 08/5/2023, tại Hội trường UBND huyện Quốc Oai, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thành phố và Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ban Dân tộc thành phố Hà Nội.
Dự hội nghị có đồng chí Hầu A Lềnh - UVTW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Phùng Thị Hồng Hà – UVTV Thành ủy Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Đại biểu đại diện lãnh đạo 08 Ban Dân tộc Khu vực phía Bắc; Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành thành phố Hà Nội, lãnh đạo các huyện có xã vùng Dân tộc thiểu số miền núi. Đại biểu huyện Quốc Oai có đồng chí Nguyễn Văn Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Đàm Công Lợi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Trường Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện; đại diện lãnh đạo UBND các xã dân tộc miền núi trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội
cùng các đồng chí Lãnh đạo TW và Thành phố tặng hoa chúc mừng hội nghị
Trên địa bàn thủ đô Hà Nội, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã với trên 108.000 người thuộc 50/53 thành phần dân tộc, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố. Đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô cư trú tập trung theo cộng đồng thôn, xã tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 05 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, chiếm hơn 51% người dân tộc thiểu số trong toàn Thành phố, trong đó chủ yếu là người Mường và người Dao. Trong những năm qua, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số của Thành phố. Trong 15 năm qua, Thành phố đã giành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho 05 huyện, 14 xã vùng DTTS. Những chính sách đúng đắn, kịp thời, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp Thành phố và sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, đã tạo nên bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo ở vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện. 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất; 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới Internet đến từng thôn, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. 13/13 xã dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn cảnh hội nghị
Công tác bảo tồn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ; đội ngũ cán bộ là người DTTS từng bước trưởng thành; công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Thành phố; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt. Những kết quả trên đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thành phố.
Trên địa bàn huyện Quốc Oai có 2 xã dân tộc miền núi là Đông Xuân và Phú Mãn, trong đó dân số người Mường chiếm 83%. Những năm qua, được sự quan tâm của Thành phố, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc có nhiều khởi sắc, các phong trào hành động, thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội,... mang lại hiệu quả thiết thực, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ngày càng được phát huy; dân chủ ngày càng mở rộng. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Hàng năm, đã tổ được trên 2-3 lớp tập huấn cồng chiêng và dân ca với hàng trăm lượt người tham dự với đủ các lứa tuổi, thành phần, giới tính; đến nay 2 xã vùng dân tộc miền núi huyện Quốc Oai đã thành lập được các đội cồng Chiêng và dân ca. Huyện đã mua sắm, tặng cồng chiêng cho tất cả các xã, các thôn vùng dân tộc và miền núi, trang bị trang phục nam, nữ dân tộc Mường cho thành viên các đội cồng chiêng nòng cốt của 02 xã vùng dân tộc miền. Đặc biệt hàng năm, huyện tổ chức các hội thi, ngày hội văn hóa nhằm phát huy cao tinh thần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Mường như: biểu diễn cồng chiêng, dân ca, thi nét đẹp bản Mường... thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, từ đó khơi dậy tinh thần, tự hào dân tộc. Đến nay, văn hóa cồng chiêng đã trở lại vị trí quan trọng trong đời sống đồng bào, tiếng chiêng chào đón năm mới, ngày hội, ngày vui của đồng bào,.... Đầu năm 2023, Mo Mường thuộc xã Đông Xuân huyện Quốc Oai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện duy trì ổn định và phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn và một số loại hình văn hóa dân gian cũng được đưa vào trong các ngày lễ hội truyền thống. Hàng năm, huyện đều tổ chức thành công Hội thi thể thao dân tộc miền núi. Bên cạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Đảng bộ, chính quyền cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa; 100% các khu dân cư của 2 xã Dân tộc có nhà sinh hoạt cộng đồng, thiết chế văn hóa được trang bị đầy đủ đáp phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh - UVTW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội ghi nhận và biểu dương những kết quả trong công tác Dân tộc Thành phố đạt được trong những năm vừa qua. Các đồng chí đề nghị, lãnh đạo Thành phố, cơ quan công tác dân tộc nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Dân tộc đó là: Hệ thống chính trị của Thành phố nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Chỉ đạo cụ thể đối với cơ quan công tác dân tộc Thành phố triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tình cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Kế hoạch của UBND Thành phố triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Đề nghị đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững, tiến tới làm giàu chính đáng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; phát huy nhân cách, hồn cốt, bản sắc của chính dân tộc mình là thật thà, tốt bụng, chịu thương, chịu khó, trọng tình, trọng nghĩa; đoàn kết, thi đua thực hiện thật tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”….
Tại hội nghị tổng kết có 55 cá nhân được trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc; Ủy ban Dân tộc Trung ương tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 11 cá nhân; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 06 tập thể và 08 cá nhân; Ban dân tộc Thành phố Hà Nội tặng giấy khen cho 18 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện công tác Dân tộc và chính sách Dân tộc giai đoạn 2008-2023./.
Đỗ Thị Huyền – MTTQ H Quốc Oai