Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP Hà Nội

18/11/2021 - 10:57 AM
Chiều 16/11, tại hội trường UBND xã Quảng Bị (Chương Mỹ) Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP Hà Nội. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân chủ trì hội nghị.
 
 
Đồng chí Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì hội nghị
Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, lãnh đạo các Ban của MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; lãnh đạo và một số thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Ở huyện có các đồng chí: Hoàng Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, lãnh đạo phòng, ban, ngành của huyện có liên quan; lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Bị; Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, đại diện một số hộ nghèo trên địa bàn xã Quảng Bị.
Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố Hà Nội hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình cận nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo để ổn định cuộc sống gồm 6 điều: Quy định đối tượng, phạm vi, chính sách hỗ trợ hàng tháng, chính sách hỗ trợ y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục; Nguồn kinh phí thực hiện và điều khoản thi hành.
Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng gồm: Trẻ em dưới 13 tuổi; người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo. Các đối tượng này phải đảm bảo các điều kiện: (1) là thành viên thuộc: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát. cận nghèo; (2) trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc có người trong độ tuổi lao động nhưng bị khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hoặc người dưới 18 tuổi đang học phổ thông.
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân. Thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo; thành viên hộ cận nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo.
Chính sách hỗ trợ hàng tháng:
Hỗ trợ hàng tháng cho trẻ em dưới 13 tuổi, người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo. Các đối tượng này là thành viên thuộc: (1) là thành viên thuộc: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát. cận nghèo; (2) trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc có người trong độ tuổi lao động nhưng bị khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hoặc người dưới 18 tuổi đang học phổ thông.
Mức hỗ trợ: 2.000.000 đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực nông thôn (các xã); 2.500.000 đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực thành thị (các phường, các thị trấn).
Hỗ trợ hàng tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ, mức hỗ trợ 440.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp đối tượng thuộc diện được hưởng các mức hỗ trợ, trợ cấp, trợ giúp hàng tháng khác thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Chính sách hỗ trợ về y tế:
Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình cho: thành té viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo; thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Chính sách hỗ trợ về giáo dục
Hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông (kể cả học sinh tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo.
Hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo.
Mức hỗ trợ học phí theo mức đóng thực tế nhưng, tối đa không quá mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 150.000 đồng/tháng, hỗ trợ theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Thời gian hỗ trợ: Không quá 03 năm học kể từ khi thoát nghèo.
Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo theo phân cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu đồng tình, nhất trí với Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP Hà Nội. Dự thảo Nghị quyết thể hiện sự quan tâm của Thành phố tới các đối tượng yếu thế trong xã hội và đối tượng mở rộng hơn so Nghị quyết 04/2019 của HĐND TP. Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất bổ sung đối tượng những người khuyết tật nặng, người già không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; góp ý điều chỉnh về người trong độ tuổi lao động nhưng không có khả năng lao động, làm rõ hơn về đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân, các bệnh hiểm nghèo; nâng mức tuổi hỗ trợ đối với trẻ dưới 13 lên dưới 15 tuổi, làm rõ điều kiện hỗ trợ, thời điểm thoát nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó đề xuất nâng mức hỗ trợ cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân; nâng mức chi phí hỗ trợ học tập;…Đồng thời làm rõ về công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương, nguồn lực, ngân sách đảm bảo.
Phát biểu Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân đã khái quát lại các ý kiến của các đại biểu, cơ bản thống nhất với nội dung của Dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, cũng chỉ ra những nội dung cần điều chỉnh, việc triển khai trong thực tế. MTTQ Thành phố sẽ tổng hợp và có ý kiến với cơ quan soạn thảo, HĐND TP để Nghị quyết sớm được thông qua.
                                                                                Hoài Lưu

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020