Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội

28/04/2025 - 12:03 PM
Sáng ngày 28/4/2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội và dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Lan Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Hà - Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội; đại diện các ban HĐND và Văn phòng UBND Thành phố; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội; Nguyễn Xuân Đại - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học; Ban Chủ nhiệm và thành viên các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; đại diện UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Theo Tờ trình về đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố, quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Thành phố, Dự thảo Nghị quyết gồm 8 điều, trong đó, quy định về các mức tiền phạt, cụ thể: Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn Thành phố, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với Quy định các hành vi vi phạm hành chính áp dụng nâng mức tiền phạt: Trên cơ sở cân nhắc kỹ về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hệ quả của các hành vi vi phạm gây ra trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố kiến nghị nâng mức tiền phạt đối vối 71 hành vi thuộc 28 điều (từ Điều 8 đến Điều 29) quy định tại Chương II, Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố dự kiến gồm 8 điều, trong đó, quy định về mức tiền phạt, cụ thể: Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP trên địa bàn Thành phố, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức tiền phạt gấp 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân. Về Quy định các hành vi vi phạm hành chính áp dụng nâng mức tiền phạt: Trên cơ sở cân nhắc kỹ về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hệ quả của các hành vi vi phạm gây ra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị nâng mức tiền phạt cụ thể 3 nhóm hành vi và nêu Điều, khoản, điểm cụ thể.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã nêu ý kiến sâu sắc, tâm huyết đóng góp vào dự thảo Nghị quyết. Các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội.

Các đại biểu cho biết, Quỹ đất của Thủ đô rất hạn hẹp, có giá trị cao cả về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Vì vậy, việc quản lý khai thác và sử dụng tiết kiệm hiệu quả quỹ đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Nhà nước đã ban hành nhiều Luật và Nghị định HĐND thành phố cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết để quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa nên tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy việc ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố nhằm thay thế, bổ sung Nghị quyết số 19 của HĐND thành phố năm 2021 về nâng mức tiền phạt cao hơn mức trước đây nhằm thực hiện Nghị định số 123 năm 2024 của Chính phủ đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội là cần thiết.
Đa số các đại biểu cho rằng mức tiền phạt gấp đôi so với mức quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính… được đưa ra trong bản dự thảo Tờ trình và Nghị quyết quy định mức tiền phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai là phù hợp, có tính răn đe, giáo dục ý thức quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, cần nêu cụ thể mức phạt là bao nhiêu tiền đối với từng hành vi vi phạm để tăng tính thực thi của Nghị quyết này. Có thể gắn thêm vào Nghị quyết một bảng Phụ lục quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm, hoặc có thể bổ sung luôn mức phạt vào sau từng hành vi vi phạm liệt kê trong Điều 4 của Nghị định. 
Với sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa cũng như ý thức rất kém của một bộ phận nhân dân nên tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng nghiêm trọng về mọi mặt. Trong khi đó việc xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại đang đặt ra những yêu cầu mới về bảo vệ môi trường cao hơn. Đặc biệt, tại khoản 1, Điều 33 Luật thủ đô đã quy định mở cho phép nâng cao mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đây là một biện pháp quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế vi phạm môi trường.
Bên cạnh đó, có đại biểu cho rằng vấn đề không chỉ ở “Nâng mức xử phạt cao hơn”, mà quan trọng hơn là “Ai xử phạt và xử phạt ai”. Từ hoạt động thực tế ở cơ sở, đại biểu nhận thấy mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay còn thấp. Ngoài ra, còn nhiều tồn tại do cơ quan thẩm quyền “Ai phạt” thấp và việc xác định chủ thể hành vi vi phạm khó khăn “phạt ai”. Do vậy, ngoài việc quy định nâng mức tiền phạt cao hơn, việc tổ chức thực hiện cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và thiết lập cơ chế giám sát và phản hồi từ cộng đồng…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội cần nghiên cứu kỹ, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học tại hội nghị để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND Thành phố ban hành. Do các Nghị quyết này quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và đất đai - những nội dung có liên quan trực tiếp đến các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đề nghị UBND Thành phố có kế hoạch tuyên truyền nội dung Nghị quyết một cách đồng bộ và sâu rộng tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, đảm bảo tính công khai, minh bạch và giúp mọi đối tượng dễ dàng tiếp cận, hiểu và thực hiện. Đồng thời, đồng chí đề nghị UBND Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm; chỉ đạo UBND các cấp (huyện, xã/phường/thị trấn) phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam cùng cấp và Ban Thanh tra nhân dân để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm; đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân trong việc phát hiện và giám sát việc xử lý các vi phạm. Đề nghị UBND Thành phố cần đầu tư cơ sở vất chất, nguồn lực, nhân lực, kỹ thuật để các cấp chính quyền có đủ sức thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các nội dung trên.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội sớm hoàn thiện các văn bản và có văn bản trả lời các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam thành phố theo quy định./.
Lê Hương

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020