Mỹ Đức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong giám sát, phản biện chính sách ở địa phương

01/10/2023 - 04:12 PM
Sáng ngày 27/9, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Đức đã phối hợp với Đảng uỷ Học viện hành chính Quốc gia tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong giám sát, phản biện chính sách ở địa phương”.
Tham dự buổi sinh hoạt có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Khoa học liên ngành, Học viện hành chính quốc gia; các Thầy cô giảng viên Khoa Khoa học liên ngành Học viện hành chính quốc gia. Ở huyện có đồng chí Đỗ Trung Hai - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; các đồng chí Trưởng các Ban xây dựng Đảng; Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện cùng Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam  6 xã, thị trấn: Đại Nghĩa, Đồng Tâm, Hồng Sơn,  Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú.
Lãnh đạo Khoa học liên ngành, Học viện hành chính quốc gia tặng quà lưu niệm cho huyện Mỹ Đức
Tại buổi sinh hoạt, các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Khoa học liên ngành, Học viện hành chính quốc gia trình bày Báo cáo về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023 của Chi bộ Khoa Khoa học liên ngành. Được nghe đồng chí Đỗ Trung Hai - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội của huyện Mỹ Đức và nghe đồng chí Trịnh Xuân Hương – UVTV Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện trao đổi thực tiễn MTTQ huyện Mỹ Đức với vai trò phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong giám sát, phản biện chính sách ở địa phương.
Đ/c Trịnh Xuân Hương – UVTV huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện phát biểu trao đổi tại hội nghị
Theo đó, những năm gần đây, hoạt động giám sát, PBXH của MTTQ huyện Mỹ Đức đã được tiến hành từng bước, đi từ thấp đến cao, từ những vấn đề cụ thể hàng ngày trong đời sống của cộng đồng dân cư đến những vấn đề lớn có tầm vĩ mô của cả nước. Nhìn chung, nhận thức của người dân đối với giám sát, PBXH đã được nâng lên một bước, được định hình một cách rõ nét hơn. Hoạt động giám sát, PBXH trên địa bàn huyện được tiến hành thường xuyên ở nhiều lĩnh vực do nhiều chủ thể thực hiện, đặc biệt là phản biện đối với các dự thảo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các dự án, đề án có tầm ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến người dân… Hình thức thực hiện giám sát phản biện đa dạng như nghiên cứu, xem xét văn bản; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Ngoài việc lựa chọn nội dung giám sát độc lập, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện còn phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vân Huyện uỷ, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Công an huyện tổ chức các cuộc giám sát như: Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác quản lý đất đai, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại Công an huyện; giám sát công tác thi hành án dân sự, xử lý ban đầu tố giác, tin báo tội phạm. Phối hợp và tham gia giám sát, kiểm tra với Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ với Thường trực HĐND, các ban của HĐND. Các cuộc giám sát tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, bức xúc được dư luận quan tâm; sau giám sát, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ huyện đều có kiến nghị và đã được nghiêm túc tiếp thu, kịp thời chỉ đạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động giám sát, PBXH trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về nhân lực, về cơ chế pháp lý, về nội dung và hình thức giám sát… Hiện nay đang thiếu những quy định rõ ràng và cụ thể về cơ chế tiếp nhận ý kiến phản biện và chế tài đối với việc không tiếp nhận giải quyết kiến nghị giám sát và tiếp nhận ý kiến phản biện. Một số cán bộ MTTQ còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; kỹ năng, năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện nhiều nơi làm chưa tốt… Những hạn chế này do phạm vi giám sát và phản biện xã hội rộng, yêu cầu cao trong khi nguồn lực con người và điều kiện vật chất của MTTQ Việt Nam có hạn là những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng giám sát, PBXH.
Sau đó các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hiện nay: Việc hoàn thiện cơ chế pháp lý về giám sát, phản biện xã hội; Cơ chế, tiếp thu, giải trình các ý kiến phản ánh, kiến nghị sau giám sát, phản biện; Nhân sự và kinh phí bảo đảm hoạt động phản biện xã hội
Kết thúc buổi sinh hoạt, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Khoa học liên ngành, Học viện hành chính quốc gia cảm ơn các đồng chí lãnh đạo huyện Mỹ Đức đã chia sẻ nhiều nội dung bổ ích giúp các giảng viên của Khoa Khoa học liên ngành nắm bắt được tình hình thực tiễn tại cơ sở để có kế hoạch nghiên cứu, giảng dạy những kiến thức về giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Đức
 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020