Tắc đường-Lỗi không chỉ riêng ai

12/05/2010 - 12:00 AM

Chiếc mũ bảo hiểm giờ đây đã như những người bạn thân thiết mỗi khi chúng ta tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy. Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện nghị quyết 32 /CP của Chính Phủ 15/12/2007 đã có hơn 90% số người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và cho đến hôm nay con số này đã lên tới 99%.

 

Như vậy có thể khẳng định việc người dân đã có ý thức chấp hành tốt Nghị quyết của Chính phủ. Nhưng việc đội mũ bảo hiểm sao cho đúng cách thì không phải là ai cũng nghiêm túc thực hiện. Nhiều người cho rằng khi Nghị quyết 32/CP của Chính phủ được thực thi và nhất là việc chấp hành đội mũ bảo hiểm được nghiêm túc thực hiện thì nạn tắc đường sẽ không còn nữa. Nhưng một thực tế là hiện nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn chưa được cải thiện là mấy, đặc biệt là ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên diễn ra tại các tuyến phố.

Nếu ai đã từng đi học luật giao thông đường bộ thì hẳn sẽ biết khi đèn tín hiệu màu vàng thì chúng ta phải đi chậm và dừng lại khi gặp đèn đỏ nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Nhiều người khi thấy đèn vàng thì bắt đầu tăng tốc và cố gắng chen lên để khỏi phải dừng lại. Nếu có công an thì dừng đúng vạch còn không có công an thì cứ thế mà đi tiếp. Đó là tâm lý của một số người tham gia giao thông khi đi qua những nút giao thông có đèn tín hiệu. Bên kia đèn xanh, nhiều phương tiện cũng ào qua, bên này đèn đỏ nhiều phương tiện cũng ào qua. Vào giờ cao điểm lượng người và xe nhiều dĩ nhiên là sẽ xảy ra tắc tắc đường. Và khi đã xảy ra hiện tượng tắc đường thì không ai còn quan tâm đến đèn tín hiệu nữa, ai nhanh thì lên trước, mạnh ai lấy đi đã gây lên một cảnh lộn xộn, người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy còn trèo lên cả vỉa hè để đi. Không những thế, một số người từ trong ngõ đi ra, không đi theo làn đường lại còn đi ngược đường, gây ra cảnh hỗn loạn, người chen, kẻ lấn, thậm chí còn có cả cảnh những người đi đường đánh, cãi nhau vì chen lấn. Như vậy có thể khẳng định ý thức của người tham gia giao thông là điều cực kỳ quan trọng, nó chi phối hành vi của mỗi người. Nếu mỗi người tham gia giao thông mà không ý thức được việc phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông thì tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ không có cơ hội để cải thiện.

Chủ quan tôi cho rằng việc chấp hành luật giao thông chưa nghiêm là do những người tham gia giao thông không được học luật giao thông đường bộ một cách nghiêm túc. Nếu có học luật để thi lấy bằng lái xe thì cũng chỉ là đối phó. Như vậy có bằng lái xe nhưng lại không hiểu một chút nào về luật giao thông thì khi tham gia giao thông sẽ bị lúng túng, gây nên những hậu quả khô lường. Chúng ta đều biết bằng lái xe cũng chỉ là cơ sở pháp lý để chúng ta đi xe trên đường. Chính vì thế cần phải có những cơ chế, những quy định cụ thể trong việc thi cấp bằng lái xe, làm thế nào để người có bằng lái xe phải thực sự hiểu rõ và hiểu đúng về luật giao thông để khi đi trên đường tránh được những tai nạn đáng tiếc.

Thế mới có chuyện người tham gia giao thông không hiểu gì về đèn tín hiệu cả. Đến ngã tư, những người tham gia giao thông muốn đi thẳng nhưng đèn đỏ thì lại cứ chen lấn dừng xe cả sang phần đường dành cho người rẽ phải. Như vậy người nọ chờ người kia, ùn tắc từ phía sau và hiện tượng tắc đường xảy ra là chuyện đương nhiên. Nếu mọi người tham giao giao thông đều có ý thức và chịu khó quan sát tín hiệu đèn, quan sát những người cùng tham gia giao thông thì chắc hẳn cảnh tắc đường sẽ không còn. Thành phố Hà Nội của chúng ta sẽ xanh - sạch - đẹp theo đúng nghĩa của nó.

Đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy là vậy thì hiện nay, những người đi bộ cũng trực tiếp, hay gián tiếp góp phần gia tăng hiện tượng ùn tắc giao thông. Đặc biệt là những người bán hàng rong, họ cứ ngang nhiên đi trên đường và không chịu chú ý quan sát, sang đường thì không đúng nơi quy định, lúc gặp đèn xanh hay đèn đỏ thì vẫn sang đường mà không biết rằng mình đã phạm luật và tai nạn đang rình rập. Thành phố đã đầu tư nhiều đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường, những hầm đi bộ, cầu vượt dành cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà cứ tự tiện sang đường vô ý gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông và gây ùn tắc giao thông.

Chúng ta đang tuyên truyền văn hoá giao thông và chúng ta đã làm được, con số 99% người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy đều đội mũ bảo hiểm là minh chứng mà chúng ta không thể phủ nhận được. Phải chăng khi vấn đề được mổ xẻ ra, được chi tiết hoá thì chúng ta sẽ làm được, mọi người sẽ nghiêm chỉnh chấp hành. Vậy thì chúng ta phải làm từng việc một, không vội vàng, cần phải có những phiếu điều tra trong nhân dân về những quy định của Thành phố trước khi ban hành tới nhân dân.

Nhiều người dân có ý kiến rằng, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa luật giao thông đường bộ, các quy định trong quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân và có biện pháp mạnh như cần xử phạt nghiêm những người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy cố tình không đội mũ bảo hiểm; những người đi xe mô tô, xe gắn máy đi trên vỉa hè; các lỗi vượt đèn đỏ; các lỗi đi sai làn đường. Những người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định đều bị xử phạt vì đây chính là phạt ý thức của những người không chấp hành đúng luật. Mỗi khi tắc đường, người ta thường đổ lỗi cho đường sá chật hẹp, lưu lượng xe cộ ngày càng lớn. Điều đó thật dễ hiểu vì dễ dàng quan sát được. Nhưng nguyên nhân chủ quan do mình góp phần gây nên thì lại không được nhìn nhận một cách đúng mức. Hãy tìm giải pháp riêng cho ý thức tham gia giao thông của chính mình góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xây dựng một Hà Nôị thanh lịch - văn minh.

Ngô Hằng
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020