Sáng ngày 26/10/2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì tổ chức hội nghị tọa đàm “Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp huyện Thanh Trì” thực hiện quyết định 217, 218 của Bộ chính trị (khóa XI). Dự hội nghị có các đồng chí: Đại diện Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Trình Thị Kim Loan - UVTV, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy; Nguyễn Huy Chương - UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các xã, thị trấn, Trưởng ban công tác Mặt trận.
Toàn cảnh hội nghị tọa đàm
Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, duy trì tốt hoạt động của Ban tư vấn dân chủ pháp luật và Ban Tư vấn Văn hoá - Xã hội, xây dựng và triển khai chuyên đề “Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp huyện Thanh Trì”.
Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã lựa chọn giám sát các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, sát với tình hình của huyện và cơ sở. Từ khi triển khai đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp đã trực tiếp chủ trì tổ chức 87 cuộc giám sát độc lập và 359 cuộc phối hợp giám sát với HĐND và các ban, ngành, đoàn thể huyện. Hàng năm, các Ban công tác Mặt trận đã tổ chức giám sát nhận xét góp ý kiến cho hàng nghìn cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt tại nơi cư trú.
MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở đã tổ chức 157 hội nghị phản biện xã hội, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức hội nghị phản biện, các hội nghị phản biện xã hội với các nội dung ngày càng đi vào chiều sâu trên từng lĩnh vực chuyên ngành, chuyên đề, các vấn đề bức xúc trong dân sinh, … nhằm hoàn thiện và đảm bảo sự cần thiết, tính cấp thiết, tính đúng đắn, tính khoa học và dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,…
Qua các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng và quyền lợi thiết thực hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được Nhân dân đánh giá cao.
Phối hợp tổ chức 52 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện qua đó đã tháo gỡ, giải đáp kịp thời những kiến nghị của nhân dân góp phần ổn định tình hình ở huyện và cơ sở.
Với 147 thành viên, từ năm 2014 đến nay, Ban Thanh tra nhân dân đã tham gia giám sát 828 vụ việc, phát hiện 165 vụ việc có sai phạm, kiến nghị các cấp chính quyền xử lý 156 vụ việc, đã giải quyết 142 vụ việc đạt 91%, kiến nghị với chính quyền thu hồi 7.854 m2 đất. Thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân không để đơn thư tồn đọng.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ) đã tổ chức giám sát 394 công trình, dự án trên địa bàn. Qua giám sát, Ban GSĐTCĐ các xã, thị trấn phát hiện trên 41 vụ việc công trình có vi phạm, Các Ban GSĐTCĐ đã kịp thời kiến nghị, theo dõi việc giải quyết của chủ đầu tư, cơ bản các kiến nghị đều đã được chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công khắc phục. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đầu tư xây dựng các công trình, tạo lòng tin trong Nhân dân.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp huyện và khắc phục các mặt hạn chế trong thực hiện Quyết định 217,218 của Bộ Chính trị, trong quá trình chuẩn bị hội nghị toạ đàm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã nhận được 21 bài tham luận góp ý và tại hội nghị có 10 ý kiến phát biểu tham luận khẳng định kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân, thuận lợi, khó khăn hạn chế và chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện tại cơ sở, của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở trong công tác giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, có sự kết hợp chặt chẽ giữa nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến khách quan, trung thực, đầy đủ, đảm bảo các căn cứ pháp lý và thực tiễn; giám sát việc tiếp thu sau giám sát, phản biện của các cấp ủy, chính quyền các cấp…
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Chương – UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tiếp thu tổng hợp ghi nhận nhiều cách làm hay, những giải pháp có hiệu quả, những kinh nghiệm chia sẻ của các đơn vị và thống nhất đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện cần tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung và hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, vận động đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia các hoạt động giám sát, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Quyết định này tại cơ sở để đảm bảo việc thực hiện mang tính thường xuyên, chuyên sâu, có hiệu quả. Cần tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện tại huyện và các cơ sở để phổ biến cách làm hay và nhân điển hình. Bên cạnh đó, huyện và cơ sở cần tổ chức việc sơ kết biểu dương khen thưởng đối với tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị…
Qua hội nghị tọa đàm, đã giúp đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận trên địa bàn Huyện có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc trực tiếp thực hiện và vận động thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, từ đó có nhiều đóng góp hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp tại cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao./.
Nguyễn Thị Thắm - MTTQ huyện Thanh Trì