Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phản biện chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

29/06/2020 - 05:19 PM
Sáng ngày 29-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP “Về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và đồng chí Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.
 
Theo số liệu thống kê tại thời điểm tháng 5/2020, toàn TP có khoảng 207.587 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với 156.456 con trâu, bò; 1.229.051 con lợn; 42.616.056 con gia cầm; 14.297 con dê. Trong đó, các phường thuộc các quận nội thành, 04 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đề xuất không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn có 203.804 con gia súc, gia cầm/3.354 nông hộ, trang trại. Đối với các phường thuộc các quận nội thành, 04 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 05 huyện ven đô, các khu đô thị được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với số lượng chăn nuôi rất ít, hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn nuôi ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, khả năng dịch bệnh cao, có nhiều mối nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển của đô thị và ảnh hưởng của phát triển đô thị đến chăn nuôi rất lớn. Do đó, chăn nuôi trong đô thị kém hiệu quả, kém bền vững, gây ảnh hưởng đến môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động; trong đó 1.033 nông hộ/2.06 lao động, 54 trang trại/540 lao động cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.
Ông Vũ Thành Vĩnh - Thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, việc làm, đời sống của một bộ phận người lao động, nhu cầu của người tiêu dùng; thói quen và tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là ở những địa bàn rộng, dân thưa, từ làng lên phố… Đặc biệt, đang trong lúc giá thịt lợn và gia cầm tăng cao, người chăn nuôi vừa qua đợt dịch tả lợn Châu Phi đang cần tái đàn thì việc quyết định này cần được xem xét một cách cẩn trọng và phù hợp với thực tế cuộc sống. Chính sách cần phải hỗ trợ cởi mở, thấu tình đạt lý, chia sẻ với thiệt thòi của các hộ chăn nuôi nhiều hơn nữa.
“Hầu hết người chăn nuôi tuổi đã cao, văn hóa thấp, nhiều năm làm nghề chăn nuôi nên việc chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng quá thấp, không phù hợp. Nhiều gia đình, nguồn sống hàng ngày cũng như việc nuôi dạy, học hành của con cháu hiện đang trông vào thu nhập từ chăn nuôi, nếu dừng thì không biết làm gì, cuộc sống sẽ khó khăn, thậm chí tái nghèo. Đây là những mong muốn chính đáng, chính quyền cần xem xét cụ thể, có chính sách cởi mở, thực tế để bà con ổn định cuộc sống”, ông Vĩnh chia sẻ.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Thủ đô, khái niệm chăn nuôi cần phân rõ giữa chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn nuôi tập trung. Trong dự thảo đề cập đến chăn nuôi gia súc, gia cầm bao gồm: Trâu bò, lợn gà, vịt, ngan, chim cút nhưng thực tế theo tiêu đề Nghị quyết thì chăn nuôi không chỉ giới hạn hẹp như vậy. Trong khi, khu vực nuôi động vật làm cảnh được xác định là đối tượng không áp dụng Nghị quyết nhưng thực tế hiện nay khái niệm động vật nuôi làm cảnh không chỉ là gia súc, gia cầm như liệt kê mà còn đa dạng hơn và được nuôi để kinh doanh, giải trí, thư giãn trong một số khu nghỉ dưỡng và phức tạp hơn là trong mô hình các Câu lạc bộ thú, các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh phục vụ thú ngay nội thành và cả trường hợp do sinh sản từ nuôi nhỏ lẻ ở gia đình. Đối tượng này cũng cần đề cập tới nhưng dự thảo chưa đề cập đến.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đây là chính sách quan trọng liên quan đến đời sống người dân. Một Thủ đô văn minh, một Thủ đô hiện đại thì cần phải quy hoạch lại. Tuy nhiên, cần phải xem xét tâm tư, nguyện vọng của người nông dân ra sao vì họ chính là đối tượng bị tác động. Trước khi thực hiện chính sách này cần báo cáo tác động thiệt hại về kinh tế đối với người nông dân, người tiêu dùng cũng như báo cáo tác động sản xuất chung của Thành phố như thế nào. Báo cáo tác động cũng cần phải đánh giá mặt được về cảnh quan môi trường, về sản xuất chăn nuôi tập trung…
Tiếp thu các ý kiến phát biểu đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ của các quận, huyện và MTTQ cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan tham mưu và trình trực tiếp nội dung này cho Ủy ban nhân dân thành phố và sự cần thiết của ban hành Nghị quyết, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để trình trong kỳ họp này. Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm tuyên truyền vận động, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết./.
Nguyễn Thị Thanh Vân

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020